Bộ hành
Luôn có sự tranh chấp sau những chuyến bay dài, ngay khi vừa ngã mình lên giường khách sạn, hành lý chưa sắp soạn, mặt chưa rửa trôi bụi trần ai. Xuống đường thôi, đôi chân nói. Nhưng tiếng nói trong đầu mình bảo cứ nằm nghỉ ngơi cho đã đời, trải ...
Lần nào đôi chân cũng thắng. Khi tuồn qua cửa khách sạn, rẽ phải trái bất kỳ mà không cần nghĩ, nện gót giày vào vỉa hè, mới có cảm giác mình thật sự ở đây rồi. Lúc đó mới rút điện thoại ra gọi cho người nhà, báo tin đã tới. Máy bay hạ cánh không phải đã tới, nhận phòng khách sạn cũng không phải đã tới, phải giẫm đế giày lên lên vụn lá, tàn thuốc dọc vỉa hè, nhận lấy hơi nóng mặt đường ngút lên sau mưa, nồng trong mũi hỗn hợp mùi của khói xe cà phê thịt cháy, phải đứng chờ xanh đèn để bước qua đường ở một ngã tư, may nữa va vào vai của ai đó đang vội vã ngược chiều. Cái gật đầu không rõ nghĩa xin lỗi hay chào nhau, không biết đối phương có cáu giận không, nhưng mình lại có chút biết ơn. Chút đau này quá thật.
Đi bộ là thứ nghi thức để đăng nhập mình vào nơi chốn hãy còn lạ lẫm. Cả khi đó là nơi chốn mà mình lui tới nhiều lần. Bởi lần gần nhất cũng quá khứ rồi, đâu thể giống hệt cái nơi chốn cùng tên của thì hiện tại. Chỉ cần cuốc bộ một vòng, cảm giác xa lạ mờ đi. Bằng cách dấn bước, kẻ bộ hành thu hẹp hết cỡ khoảng cách giữa mình với nơi chốn ấy, nên mùi mẻ kho bị cháy, hay âm thanh từ một nhà nào bên đường cũng nóng ran má khách. “Lên ván cúi xuống! Nội cho bây biết tay”, có lần nghe giọng đàn ông luống tuổi gầm gừ, và mình với chị bán chè dạo giật thót, ngó nhau.
Mình đi bộ không giỏi. Chân không đạt được ngưỡng rắn đanh. Chất liệu chính vẫn là đất sét đắp ngoài những ống xương. Đôi chân hay một hai đòi xông ra đường, hơn nửa giờ sau đã mất sạch sự dõng dạc. Quá nửa hành trình còn lại mỗi bước mỗi chuỗi từ thảm hại: lệt phệt, quét lết, mỏi nhừ, tê dại. Nhưng rã rời có niềm vui của rã rời, nhận ra mình có thể chịu đựng đến đâu. Nhận ra sự hữu hạn của thân xác. Nhận ra một đôi giày đẹp có thể khiến người ta đau đớn nhường nào nếu không vừa chân. Nhận ra phần thưởng từ cái nơi chốn mà mình đã sà vào, chúng không tệ. Một vài hoa gạo sót. Mùi ổi chín cây trong vườn. Đống lửa bên đường còn đượm mùi khoai cháy.
Ấn tượng ban đầu về một thành phố, thị trấn, hay một ngôi làng, ngoài chuẩn có nhiều/ít cây, kế đến là đi bộ. “Hết xẩy, chỗ đó cuốc bộ thích mê”, hoặc “chán hết muốn nói, đường sá kiểu gì lội không đã chân”. Không cần đường trơn láng vỉa hè thênh thang, cũng không đòi phải vắng người. Nhu cầu tối giản chỉ là được sải chân mà không bị xe máy leo lề hù dọa, không bị bô rác rỉ nước nhảy xổ ra chắn đường hoặc những miệng cống chực cắn vào người, không bị các bạn hàng chèo kéo, không bị bùn nhão níu giày. May mắn thì gặp một chỗ hay ngoài mong đợi, không nhà đẹp thì cây đẹp, khát có sẵn hàng nước tạt vào, đói có sẵn hàng ăn đon đả. Áo, sách, chợ, di tích đền đài thay nhau ẩn hiện bên đường. Cả khi nhớ chùa, phố cũng gởi cho mấy hồi chuông.
Tình cảm với một nơi chốn, cũng vịn vào chuyện đi bộ nhiều/ít mà tỏ hay mờ. Có ở đâu lâu mà chỉ lên xe xuống ngựa cũng coi như chưa từng tới. Nhưng hôm duy nhất ở Viêng Xay thì lại có ảo giác mình sống nơi đó rất lâu, thuộc lòng hẻm núi nào có nhiều gió buốt, biết cuối con đường đất đỏ này có người đàn bà tay trái sáu ngón ngồi bán cá suối nướng xiên que, biết quán ăn kia chỉ có mỗi món cơm trứng chiên, biết cả thị trấn chỉ có một người cắt tóc, mà anh ta đi vắng hai tháng nay. Nghe đâu anh phải lòng một cô nàng Xiêng Khoảng.
Một thành phố không có chỗ cho người ta đi bộ, không chỉ tẻ nhạt mà còn độc ác, mình không sao ngừng nghĩ vậy, dù biết chủ quan. Ít nhất thì ác với những đôi chân thích xác nhận sự tồn tại của mình bằng áp lòng lên đất. Một bữa ngồi gọt bớt vết chai lòng chân cho mẹ, thằng con mình nói cơ thể người ta chỉ chân là có riêng lòng, đầu, và mắt, ngoài những xương xẩu thịt da. Chân chắc cũng có linh hồn riêng, cũng biết vui buồn, thằng nhỏ tin vậy. Làm mình nhớ tới những nơi chốn mà đôi chân toàn dẫn dắt mình.
Ví dụ như Hà Nội.
Ở đó thì đôi chân có một bộ não riêng. Ở đó chân có thể tự đi. Thường xảy ra, bỗng dưng thấy mình đứng trước Ô Quan Chưởng. Bỗng dưng đang ở phố Gầm Cầu. Bỗng dưng Hàng Nón. Sực tỉnh luôn là câu hỏi, sao mình lại ở đây? Mãi nấu sôi những ý nghĩ trong đầu, mình để chân đưa mình đi với ít nhiều tin cậy. Tự nó có ký ức, sự từng trải. Chân biết sải dài phóng người chỗ nhớp dầu mỡ, biết tránh cú hắt thau nước rửa chén bất ngờ từ một quán cơm, biết nhấc cao khi qua những cái rễ cây gồ lên khỏi vỉa hè, hoặc nhón nhẹ mũi giày trước một người điên nơi góc phố. Mình vẫn nhớ bữa nọ tự dưng nghĩ về tuổi già, thứ mình hiếm khi để ý, khi dừng chân ngẩng lên thấy đối diện bên kia đường là một bà cụ đứng chờ đèn xanh: lưng thẳng, tóc bạc phơ, tay cầm hờ đoạn gậy. Giữa mình với bà là một con đường ngập nắng tháng Mười, như thể mình đang soi vào gương và nhìn thấy mình của thì tương lai. Ta vẫn còn đi bộ được, ở tuổi ấy, cũng may, tự cười thầm. Phải không, chính đôi chân quyết định dừng lại ngay chỗ ấy?
Những cuộc đi bộ vô thức, không phải không nguy hiểm. Nhưng cái gì nguy hiểm cũng quyến rũ, mê hồn. Đi lạc cũng là một nguy hiểm khác. Mình vẫn nhớ cuộc đi bộ đầu tiên quanh phố cổ. Con nhỏ nhà quê lần đầu tới, nó ra khỏi chỗ trọ không mang theo danh thiếp của họ, không ghi lại số nhà tên phố, cả tin rằng mình nhớ được tên khách sạn, nhưng C.F.S chỉ là tên một hãng lữ hành có tiếng khi đó, và họ dán đề can quảng cáo ở mọi nhà nghỉ, quán trọ, phát hiện đó làm mình choáng váng, biết về đâu khi tên còn không rõ, một đàn anh sơ giao khi ấy đã phải tiễn con nhỏ lần lượt từng con phố để nó tìm lại ảnh hình chỗ trọ mờ nhạt trong trí nhớ, qua Lương Văn Can nó vái thầm chị chủ nhà ôm bụng bầu vượt mặt vẫn ngồi ngay sảnh trước dù có đau bụng sinh, qua Hàng Chiếu rầu rĩ nghĩ con chó xù đứng thè lưỡi ngay thềm lúc mình rời khỏi đó, chắc đã vào ổ nằm rồi, qua Mã Mây ngượng với đàn anh muốn độn thổ cho xong khi tả chỗ mình “gần Bờ Hồ”, qua Hàng Bè tan nát nhìn đêm cứ sâu dần.
Sau này nhớ lại, không biết nhờ lục lạo từng con phố mà tìm ra chỗ trọ, hay bởi lời đàn anh an ủi rằng “phố đây chật nên chẳng lạc được đâu”, nhờ con chó xù vẫn thè lưỡi trước quầy lễ tân bởi nó làm từ đất nung, hay bởi chân bước lên một nắp cống khập khiễng mà nhớ ra, lúc đi mình từng giẫm lên đúng chỗ này, phải dùng dằng một chút vì bã kẹo cao su dính đế giày. Khách sạn ở ngay đó, bên lề trái.
Sau này, vẫn thường có một ý nghĩ kỳ cục nếu đêm đó mình không tìm thấy chỗ trọ, chắc mình vẫn đi mãi đi mãi, đôi chân cứng đến gõ vào kêu vang, da lòng chân dày lên đến mức mình bỏ giày cũng được, và thời gian mài mòn vùng thùy não khiến mình quên thứ mình đang tìm kiếm, đi thì đi vậy thôi, qua những mùa gió, những châu lục xa xôi, đến lúc nào đó mình chạm tay vào bề mặt se lạnh của chân trời.