Ca sĩ Ngọc Minh Idol: Tự hào là người Việt Nam
Một ngày lúc này của ca sĩ Ngọc Minh bắt đầu từ 4 giờ sáng, kết thúc vào khoảng 12 giờ đêm, miệt mài không ngừng nghỉ trong việc hỗ trợ giúp đỡ các bệnh nhân đang điều trị, bệnh viện dã chiến, y bác sĩ, người lao động nghèo trong khu cách ly, phon...
Từ Cuộc thi Thần tượng âm nhạc Việt Nam - Vietnam Idol 2007, ca sĩ Ngọc Minh nhanh chóng trở nên nổi tiếng và cũng không ít tai tiếng. Lúc này, nhiều người từng biết đến một ca sĩ bướng bỉnh, có phần ngỗ ngược xưa, không khỏi bất ngờ khi thấy một Ngọc Minh mới khác.
Thức dậy vào lúc bốn giờ, ca sĩ Ngọc Minh tự tay nấu ăn và khoảng mười rưỡi, Minh đưa cơm lên bệnh viện Đại học Y dược cho các bệnh nhân hóa trị. Xong việc, Minh vòng về, kiểm tra cần đi đến những điểm cách ly, bệnh viện, khu điều trị nào để đưa máy thở, đồ ăn, dụng cụ y tế. Buổi chiều, Minh đến bếp nấu 3.000 - 4.000 suất, lấy đồ ăn… cùng mấy chục xe khác, tỏa đi khắp các ngả trong thành phố, phân phối đến nơi cần. Đến tối, khi có tin nhắn cần giúp đỡ, hỗ trợ từ các bệnh viện, Minh lại tiếp tục lên đường, chở theo dụng cụ y tế và máy thở. Từ nguyên liệu đồ ăn, dụng cụ y tế, máy thở… Minh thường tự bỏ tiền, trực tiếp làm. Minh bảo, anh luôn mang cảm giác nợ ân tình rất nhiều với mảnh đất này, nơi đã cho anh mọi thứ mong cầu, thương Hà Nội, quê hương của anh, và bao người dân lâm vào hoàn cảnh không may mắn, nên cố gắng hết sức, cũng thấy không thể nào đủ.
“Một anh người Việt sống bên Đức vô tình vào TP HCM, đúng đợt này rồi ở lại. Anh nói với tôi nên làm gì đó cho nơi này. Hai anh em cùng kết hợp với nhau, mỗi người tự chạy đồ ăn, bảo hộ y tế, máy thở. Mỗi lần gặp nhau chớp nhoáng, hai anh em trao đổi đồ đạc. Khi gặp chướng ngại, khó khăn thì thấy rõ lòng người thế nào. Cảm nhận điều vui nhất sướng nhất của tôi lúc này, được sinh ra là người Việt Nam”.
Minh bắt đầu câu chuyện, sau nhiều lần tôi đề nghị. Minh vốn không thích nói gì về bản thân hay trả lời phỏng vấn. Một hôm, hơn 12 giờ đêm, Minh vừa về tới nhà, cần ăn ngay, do bận quá, cả ngày anh chưa kịp ăn gì.
Minh kể, anh không có nhiều kỉ niệm ở Việt Nam, vì được sinh ra tại nước Tiệp. Từ bé, anh trưởng thành và sống trong một trường Tây, vì vậy quen với văn hóa phong cách sống như thế. Khi bé thỉnh thoảng về Việt Nam, nên Minh thấy bỡ ngỡ và xa lạ.
Lên 8 tuổi, ba mẹ bắt tập đàn. Minh rất ghét âm nhạc, ghét đàn, vì thầy giáo nghiêm khắc. Minh tự hỏi sao phải đánh những nốt như thế này rồi khóc. Lâu dần, anh bắt đầu yêu đàn, yêu âm nhạc. Ở nhà, ba mẹ vẫn dạy anh về văn hóa Việt Nam. Rồi nghe các bài hát bolero một cách vô thức nhưng lại dần dần ngấm vào trong anh. Từ âm nhạc, Minh thấy gắn bó và yêu quê hương đất nước.
Lên cấp 2, bước vào tuổi mới lớn, cái tôi, cái bản năng trỗi dậy nên Minh rất quậy, sống tự nhiên, ngỗ ngược, không sợ gì cả. Gia đình không biết làm thế nào tốt hơn, nên cho Minh về Việt Nam. Về Hà Nội, Minh vẫn chỉ thích chơi. Vào Nhạc viện, Thầy Quang Thọ nói, “Cậu hát mà cửa kính rung lên, lẽ ra phải đi học kèn”. Còn thầy Trung Kiên bảo: “Nên học hát chứ, vì hơi khỏe”. Thi vào Nhạc viện, Minh đỗ thủ khoa, thầy Trung Kiên nhận dạy dỗ kèm cặp. Tình yêu thương của thầy Trung Kiên làm Minh dần thay đổi tính cách tích cực hơn. Cảm động với những gì thầy mang tới, Minh yêu thầy như bố.
Năm 2007, Ngọc Minh tự quyết định vào TP HCM tham gia Vietnam Idol. Một thân, một mình, Minh vượt qua vòng một, đến được vòng cuối cùng và đạt giải 3. Mọi thứ đến quá nhanh, vật chất, sự nổi tiếng, kiếm tiền dễ dàng, Minh lại trượt vào trong lối sống tiêu cực. Năm 2009, khi cảm thấy quá trống rỗng, bế tắc về tinh thần, Minh quyết định trở ra Hà Nội…Rồi như có gì thôi thúc anh tìm tới cửa Phật, tự dưng Minh nghĩ tới chùa Hương. Anh một mình đi lên chùa Hương gặp thầy Thích Minh Hiền và nhắn tin cho mẹ: “Con đi, khi nào ngoan thì về”.
Thầy Thích Minh Hiền làm lễ quy y, thọ ngũ giới cho Minh. Anh được ở phòng dành cho chú tiểu, giường là miếng ván ghép lại. Đêm đầu tiên, cảm giác khó ngủ, thanh gỗ cứng dội vào lưng, nhưng nghĩ người khác ngủ được thì mình cũng phải ngủ được. Minh dần học thích nghi, tấm chiếu vào mùa hè, tấm nệm mỏng vào mùa đông. Qua một năm sống trong chùa, Minh càng tự hiểu bản thân, thả ra môi trường nào cũng sống được với bản năng rất mạnh.
Ở chùa Hương, từ dậy sớm quét sân, đến thọ trai phải được thực hiện một cách cẩn trọng nghiêm trang, đúng lễ nghi, hết sức hoàn hảo. Nếu có sơ suất thì phải làm lại. Minh đảm nhiệm việc bê đồ lễ, nhang đèn từ Thiên Trù lên Động Hương Tích với lời Thầy dạy, “Mỗi bước đi là chánh niệm”, “Thực hành pháp qua từng bước chân”. Vào mùa Xuân, Minh ngồi viết sớ, đứng trực ở trước Tam Bảo, xếp đồ lễ giúp cho khách hành hương.
Sau một năm, suy nghĩ của Minh chín chắn hơn. Hiểu vì sao mẹ luôn dạy, cần biết yêu thương người khác. Cũng tự thấy bên trong vẫn có tình yêu thương nhưng chưa đủ trí tuệ. Đồng thời, có thời gian bình lặng để nhìn lại bản thân mình, hiểu thấu bản thân đã mất những gì, có những gì, cần làm những gì cho tương lai. Anh quyết định rời Chùa, về phố.
Năm 2012, công ty của của Minh muốn anh thi Chương trình “Tôi là người chiến thắng”. Nghĩ lâu lâu rồi chưa hát, nên Minh đồng ý. Đứng trước giám khảo là nghệ sĩ Hoài Linh và ca sĩ Siu Black, như thể không gian cuộc thi Viet Nam Idol kia được tái tạo lại, nhưng Minh biết, anh đứng đây thi với tâm thế và con người đã hoàn toàn khác xưa. Trận bán kết được truyền hình trực tiếp, điểm thi của Ngọc Minh và Quốc Thiên tương đồng với nhau, rất tự nhiên, Minh quyết định nhường lại vé vào chung kết cho Quốc Thiên, và dành tặng số tiền từ cuộc thi mang lại cho Ca sĩ Siu Black, khi đó đang vướng vào khó khăn tài chính.
Sau cuộc thi, Minh chọn ở lại TP.HCM. Mỗi ngày qua, Minh thực hành việc cho đi cái nhỏ để dần có thể cho đi cái lớn. “Nếu mình không bớt đi ích kỷ, điều gì cũng nghĩ cho bản thân trước tiên thì làm sao sống vì người khác. Điều này không dễ dàng đâu, phải học từ từ, làm bắt đầu những thứ nhỏ nhất. Cái nhỏ làm được thì mới đến cái lớn hơn”, Minh chia sẻ. “Bất cứ lúc nào có cơ hội trả ơn cho cuộc đời là tôi làm. Tôi không chỉ người giúp mà cả người không quen. Tôi luôn nghĩ, mọi thứ tôi đang có đều từ những người đó mà ra.”.
Ngọc Minh đã có những chuyến đi Trường Sa. Anh đến với các chiến sĩ và nhân dân trên đảo, để hát cho mọi người nghe, để chia sẻ những câu chuyện, tâm tình và giúp đỡ những gì có thể. Ngoài ra, anh còn tham gia các chương trình mổ tim nhân đạo dành cho trẻ em. Những trẻ em được mổ tim xưa, giờ cũng đã trưởng thành. Ở nơi đâu cần sự hỗ trợ, là Minh lại có mặt.
Cuối năm 2019, Minh từ Ấn Độ, đi Nepal và quay trở về Việt Nam. Nghỉ Tết xong thì dịch tới. Bắt đầu từ đó, với lòng mong muốn sẵn sàng tham gia hỗ trợ người dân, y tế, Minh góp mọi thứ mà bản thân có thể, và âm thầm làm. Đợt dịch thứ tư bùng phát, Minh cảm thấy cần phải lan tỏa tinh thần tích cực, tình cảm yêu thương, nên anh đưa các hình ảnh, câu chuyện mà bản thân trải qua lên trang cá nhân.
Đi vào khu phong tỏa, cách ly, Minh cẩn thận đeo kính, khẩu trang, quần áo bảo hộ trắng kín mít. Sau ba ngày, anh lại cẩn trọng làm xét nghiệm. Âm tính, lại yên tâm làm việc cật lực. Thời gian này, Minh hốc hác, mỏi mệt vì thiếu ngủ, nhưng không vì thế mà chần chừ khi có tin nhắn cần sự hỗ trợ. “Mỗi lần đến với người dân, nhìn họ nhận đồ ăn bằng hai tay trân trọng, tôi lại chảy nước mắt. Những vất vả tan biến. Nỗi sợ hãi về dịch bệnh cũng không còn”, anh chia sẻ.
Đã chứng kiến nhiều cuộc đời bất hạnh, Minh tự nhủ, cần phải sống một cách có ích. Với anh, cuộc chiến, nhất là với dịch bệnh lần này thì không thể tránh được những đau thương và hi sinh, nhưng lại vô cùng ý nghĩa.