Cách nào đưa nghệ thuật Việt ra thế giới?
“Giờ chúng ta có cơ hội, bởi thế giới đang quan tâm đến nghệ thuật đương đại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam”, nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh nhìn nhận về việc đưa nghệ thuật đương đại Việt ra thế giới.
Đúng nơi, đúng người, đúng thời điểm
Nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh kể lại câu chuyện xung quanh triển lãm đầu tiên của ông diễn ra ở New York (Mỹ) vào năm 1989 khi ông mới hơn 20 tuổi. Bộ tác phẩm này được Lê Quang Đỉnh thực hiện với suy nghĩ: “Tôi tự hỏi gốc gác của mình đứng đâu trong đó?”. Cũng từ đây, nghệ sĩ đã sáng tạo ra kỹ thuật tạo hình dựa trên kỹ thuật thủ công truyền thống của Việt Nam, các tác phẩm được tạo nên bằng những mảnh tranh cắt và đan lại với nhau.
Thời điểm Lê Quang Đỉnh thực hiện bộ tác phẩm này cũng cùng lúc diễn ra cuộc đàm luận quy mô lớn về bản sắc của những người thiểu số. “Tác phẩm của tôi đã được đưa vào cuộc thảo luận này”, Lê Quang Đỉnh cho biết. Và nhờ đó, tác phẩm cũng như cái tên Lê Quang Đỉnh đã gây chú ý trong giới mỹ thuật tại Mỹ, mang đến nhiều cơ hội tiếp sau cho ông. Nghệ sĩ cho rằng mọi việc đã rất thuận lợi nhờ “đúng nơi, đúng người, đúng thời điểm”.
Nghệ sĩ Hà Mạnh Thắng thực hiện triển lãm cá nhân vào năm 2008 tại Singapore. “Đó là những bước đầu tiên của tôi ra thị trường nước ngoài”, nghệ sĩ cho hay và nói thêm: “Đất nước này dành tình yêu đặc biệt với mỹ thuật Việt Nam. Ngoài ra, văn hóa giữa hai nước cũng có nhiều điểm tương đồng”. Trước khi triển lãm diễn ra, một nửa số tác phẩm của nghệ sĩ Hà Mạnh Thắng đã được bán hết.
Nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh cho rằng vào thời điểm nghệ sĩ Hà Mạnh Thắng có triển lãm tại Singapore cũng là lúc cả Singapore và Hồng Kông đang rất quan tâm đến mỹ thuật đương đại Việt Nam, lý do là nền mỹ thuật đương đại này còn mới, có nhiều sự đặc biệt, giá tác phẩm cũng khá “mềm”. Hơn nữa, vào lúc đó Singapore đang “đấu” với Hồng Kông vị trí trung tâm mỹ thuật của vùng Đông Nam Á và châu Á. Ông Đỉnh cũng đánh giá cơ hội để nghệ thuật Việt ra thế giới đang có nhiều, tuy nhiên lại vướng vào nhiều vấn đề còn tồn tại một cách chủ quan lẫn khách quan.
|
Cần quảng bá mạnh mẽ
Khoảng thời gian 1995 - 1997, nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh đi đi về về giữa Việt Nam và Mỹ. Vào thời điểm đó, Việt Nam thiếu tin tức về nghệ thuật đương đại trên thế giới, đồng thời thế giới cũng không có mấy tin tức về nghệ thuật đương đại của Việt Nam. Từ những năm 2000, mọi thứ bắt đầu cởi mở hơn. Tuy nhiên, đến giờ, giới mỹ thuật thế giới vẫn chỉ có những thông tin ít ỏi về nghệ thuật đương đại tại Việt Nam. “Chúng ta cần làm sao đẩy mạnh thông tin ra bên ngoài. Vấn đề phức tạp của nghệ thuật đương đại Việt Nam chính là chưa biết quảng bá ra thế giới”, nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh bày tỏ.
Bên cạnh đó, cả nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh và nghệ sĩ Hà Mạnh Thắng đều có chung quan điểm: Một trong những yếu tố cần để quảng bá nghệ thuật đương đại Việt Nam ra thế giới một cách chuyên nghiệp là nghệ sĩ Việt phải biết định vị bản thân. Nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh lấy ví dụ, có nghệ sĩ ở trong nước bán tác phẩm giá hàng trăm ngàn đô la, nhưng khi bước ra thị trường nước ngoài thì không ai biết nghệ sĩ đó là ai. “Không có tác phẩm được sưu tầm ở bảo tàng nào, không có nhà sưu tầm, giám tuyển nào biết tới, nhưng khi ra nước ngoài nghệ sĩ vẫn đòi giá tác phẩm là trăm ngàn đô la thì làm sao được”, ông Đỉnh nói và cho rằng cần có nhiều hơn nữa những nhà nghiên cứu mỹ thuật đương đại thế giới đến Việt Nam để giúp nghệ sĩ trong nước đánh giá vị trí của họ, đồng thời đưa những nghệ sĩ tiêu biểu của Việt Nam ra nước ngoài.
Sàn Art do nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh đồng sáng lập và điều hành từ năm 2007 đến nay đã tạo ra mạng lưới như vậy nhưng quy mô còn hạn chế. “Trong tương lai, Trung tâm nghệ thuật đương đại VCCA sẽ làm việc đó”, nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh cũng đang là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của VCCA chia sẻ.
Ngoài ra, theo nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh, hạ tầng cơ sở ở Việt Nam chưa đạt được mức có thể hỗ trợ cho nghệ sĩ từng bước đi lên và bước ra khỏi Việt Nam. “Ở châu Âu hay Mỹ, có nhiều không gian khác nhau cho các nghệ sĩ. Chẳng hạn, với những nghệ sĩ mới ra trường chưa được ai biết đến có thể tìm tới những không gian nhỏ phi lợi nhuận. Nhà nước cấp kinh phí cho những không gian này để hỗ trợ những nghệ sĩ mới. Chính từ những bước đầu đó mới giúp nghệ sĩ dần dần có kinh nghiệm và đi những bước cao hơn, đến những không gian tốt hơn”, ông Đỉnh nói và chia sẻ thực trạng buồn là ở Việt Nam gần như hoàn toàn thiếu vắng sự hỗ trợ của nhà nước cho những không gian nhỏ và lớn.
Sau nhiều lần đưa tranh đến hội chợ quốc tế, họa sĩ Bùi Thanh Tâm cho rằng để đưa nghệ thuật Việt Nam đến với thị trường nghệ thuật chung của khu vực thì trước hết ngay thị trường trong nước cũng phải phát triển giao dịch mua bán tác phẩm nghệ thuật đương đại, đồng thời phải tăng uy tín trong việc đảm bảo chất lượng tác phẩm. Ngoài ra, theo ông Tâm, nghệ sĩ Việt cũng phải biết “vượt khó”. “Vị thế nghệ thuật đương đại của Việt Nam chưa so được với nhiều nước trong khu vực, bởi vậy, nghệ sĩ Việt muốn bán được tác phẩm thì tác phẩm của mình buộc phải xuất sắc, vượt trội hơn tác phẩm của những nghệ sĩ cùng trang lứa trong khu vực”, ông Tâm nhìn nhận.
Theo Thanh Niên https://thanhnien.vn/van-hoa/cach-nao-dua-nghe-thuat-viet-ra-the-gioi-1367749.html Copylink