Chuyển đổi số báo chí: “Đấu” với “ông lớn” mạng xã hội hay vượt lên chính mình?
Báo chí cần phải chuyển đối số, một vấn đề không mới. Tuy nhiên, còn không ít tư duy cho rằng, chuyển đổi số báo chí với mục tiêu là đấu với các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Twitter... vì những “ông lớn” này đã “cướp cơm chim” không ít trong những năm qua, đặc biệt là về doanh thu quảng cáo.
Báo chí cần phải chuyển đối số, một vấn đề không mới. Tuy nhiên, còn không ít tư duy cho rằng, chuyển đổi số báo chí với mục tiêu là đấu với các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Twitter... vì những “ông lớn” này đã “cướp cơm chim” không ít trong những năm qua, đặc biệt là về doanh thu quảng cáo.
Chuyển đổi số báo chí không chỉ là số hoá nội dung
Vẫn đang có nhầm tưởng rằng, chuyển đổi số báo chí có nghĩa cứ dẹp báo in và chuyển sang báo, tạp chí điện tử là xong. Tuy nhiên, trên thực tế, chuyển đổi số báo chí không có nghĩa và cũng không bắt buộc ngay một lúc cơ quan báo chí phải “kết liễu” số phận của các báo, tạp chí in. Bởi mỗi loại hình, dù đang thịnh hành hay sa sút, vẫn còn đối tượng độc giả riêng, cần thiết, chứ không hoàn toàn đã mất hết vai trò, ít nhất là tính tới thời điểm hiện nay. Vấn đề là, chuyển đổi số sẽ giúp cho các báo, tạp chí in cơ cấu lại bộ máy theo hướng tinh gọn để thích nghi với bối cảnh mới, với quy trình dựa vào sự hỗ trợ mạnh mẽ của các nền tảng công nghệ kỹ thuật số để hoạt động năng động và hiệu quả.
Nhà báo công nghệ gạo cội Phạm Hồng Phước cho rằng, chuyển đổi số báo chí không phải chỉ là số hóa tờ báo và đưa nó lên Internet. Nó cũng không phải chỉ là số hóa về nội dung như báo điện tử. “Chuyển đổi số báo chí là đưa toàn bộ hoạt động của cả một tòa soạn vào môi trường số hóa toàn diện trên nền tảng công nghệ. Mặc dù toàn bộ các khâu trong một tòa soạn đều được số hóa và kết nối, nhưng quan trọng sống còn vẫn là mảng nội dung. Và thực chất, việc số hóa toàn bộ tòa soạn cũng nhằm mục đích chính là phục vụ cho nội dung, làm ra một tờ báo hiệu quả hơn. Trên nền tảng công nghệ, tờ báo sẽ là đa phương tiện (multi- media), đa hình thức, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và đặc biệt là có tính tương tác với bạn đọc cao hơn” - nhà báo Phạm Hồng Phước bày tỏ quan điểm.
Chuyên gia về lĩnh vực truyền thông - marketing số Nguyễn Khoa Hồng Thành - hiện là Thành viên Ban Giám đốc Công ty truyền thông iSobar - nhấn mạnh đến 6 điểm quan trọng trong chuyển đổi số báo chí. Thứ nhất và cũng tiên quyết là phải thay đổi tư duy báo giấy và cả báo điện tử. Nội dung quan trọng hàng đầu nhưng phải thiết lập được các kênh phân phối đa dạng như phiên bản báo in, báo điện tử, video, mạng xã hội, ứng dụng trên di động (mobile application)...
Thứ hai là mỗi cơ quan báo chí, mỗi tòa soạn phải chọn lựa được một chiến lược chuyển đổi số phù hợp với tổ chức chứ không có một mô hình áp dụng chung cho tất cả.
Thứ ba là trong quá trình chuyển đổi số, văn hóa và cách thức làm việc cũng sẽ điều chỉnh theo.
Thứ tư là việc áp dụng công nghệ và dữ liệu để tạo giá trị cho bạn đọc và khách hàng (công ty quảng cáo, các nhãn hàng).
Thứ năm, chuyển đổi số cũng phải giúp các cơ quan báo chí đa dạng hóa nguồn thu để tồn tại và phát triển.
Và thứ sáu, cũng là điểm quan trọng nhất, chuyển đổi số phải giúp một tòa soạn tạo ra được những giá trị nội dung khác biệt.
Một cơ quan báo chí, tòa soạn tạo được giá trị nội dung khác biệt thì chắc chắn có thể tồn tại được lâu dài, phát triển bền vững nhờ vào việc thu hút bạn đọc, từ đó kéo theo các giá trị kinh tế.
Không cần quan tâm các "ông lớn", chỉ cần vượt qua chính mình
Chuyển đổi số báo chí, với rất nhiều yếu tố cần phải làm, nhưng chỉ là đủ khi tạo ra được nội dung hay, có giá trị khác biệt tạo ra hướng đi riêng biệt luôn có tập độc giả riêng, sâu nhưng cũng đủ để lan tỏa rộng.
Theo thạc sĩ về quản trị kinh doanh Tuyết Mai - phụ trách marketing cho một thương hiệu công nghệ Châu Âu tại Việt Nam, thực ra báo chí chuyển đổi số không nhất thiết là để đấu với các “ông lớn” mạng xã hội như Facebook, Google/YouTube, Twitter... bởi hai bên là hai loại hình khác nhau cho dù có một số nét tương tự. Tuy nhiên, thông tin của mạng xã hội dù có thể đưa nhanh thế nào, lan truyền mạnh và rộng ra sao, dư luận xã hội ngày nay cũng đã thấm đòn hệ lụy của tin tức mạng xã hội vì có rất nhiều tin giả, thiếu tính xác minh và kiểm chứng, cách đưa tin thiếu trách nhiệm, thậm chí cố tình sai lệch và xuyên tạc...
Trong khi đó, báo chí thông tin bất cứ vấn đề nào cũng phải qua xác minh bởi đó là quy trình nghiệp vụ. Vì thế, cho dù người đọc có đọc qua, nghe qua thông tin gì đó qua Facebook, họ cũng cần tìm đọc lại trên báo chí để xem tính xác thực, các thông tin cụ thể hơn được phản ánh tiếp nối ra sao, thậm chí theo vệt có đầu có đũa.
Đề cập một cách cụ thể hơn, thạc sĩ Tuyết Mai cho rằng, một cơ quan báo chí, một tòa soạn chuyển đổi số phải là tổng thể. Đó là cả tòa soạn hoạt động trên nền tảng các giải pháp, ứng dụng kỹ thuật số, trong đó ứng dụng nhiều công nghệ mới thời nay như AI cùng với Big data (dữ liệu lớn) để phân tích, gợi mở, đề xuất nội dung cho độc giả sát với hành vi, thị hiếu và sở thích của họ nhất.
Đối với phóng viên, từ lâu đã không cần đến thao tác tác nghiệp với giấy và bút mà đã chuyển sang máy tính xách tay, máy tính bảng, thậm chí viết tin, quay video bằng smartphone rồi xử lý bằng các phần mềm và chuyển về tòa soạn.
Tuy nhiên, phóng viên chuyển đổi số ngày nay cần “đa-zi-năng” các kỹ năng tác nghiệp, sử dụng thuần thục các loại thiết bị, các kỹ năng đa phương tiện, có thể xây dựng hệ sinh thái ứng dụng xung quanh mình để phân phối các sản phẩm báo chí của bản thân cũng như cần cập nhật các nền tảng, ứng dụng truyền thông mới như podcast chẳng hạn.
Theo một nghiên cứu từ Australia cách đây vài năm khi xu thế chuyển đổi số báo chí bắt đầu, ước tính một phóng viên trong trạng thái “cần và đủ” phải rành rẽ 19 kỹ năng, trong đó có những kỹ năng tưởng chừng như chẳng liên quan nhưng lại có thể sẽ cần sử dụng đến trong nhiều tình huống. Đặc biệt, phóng viên thời chuyển đổi số cần có khả năng sản xuất đa dạng các loại hình sản phẩm, xây dựng nhiều kênh phân phối tin tức, sản phẩm cho chính mình và còn góp phần hỗ trợ được tòa soạn.
“Chuyển đổi số báo chí chỉ thành công nếu như phục vụ được cả tòa soạn lẫn bạn đọc, cả hai đều hưởng được các lợi ích. Chuyển đổi số báo chí chính là chuyên nghiệp hóa báo chí trong kỷ nguyên kỹ thuật số và Internet đang bùng nổ” - nhà báo Phạm Hồng Phước nhấn mạnh.
“Chuyển đổi số báo chí không nhất thiết để đấu với các “ông lớn” mạng xã hội quốc tế và cũng không cần làm điều đó. Chuyển đổi số báo chí phải bắt đầu từ xu thế và nhu cầu thực tại của mỗi tờ báo để chọn mô hình phù hợp nhất, qua đó giúp mang đến lợi ích thiết thực cho bạn đọc và khách hàng, còn cơ quan báo chí thì có thể hoạt động hiệu quả về nghiệp vụ chuyên môn từ đó giúp cải thiện được nguồn thu từ kinh doanh. Đấu với chính mình, làm cho chính mình mạnh lên mới là giải pháp chính vì sứ mệnh phục vụ công chúng với nguồn thông tin chất lượng” - thạc sĩ Tuyết Mai cho biết.