Monday, May 21, 02:05 PM

Chuyển đổi số - Giải pháp then chốt cho doanh nghiệp du lịch trước đại dịch Covid-19

Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu đối với mọi lĩnh vực kinh tế, hoạt động này cũng đang diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt, thậm chí được coi là yếu tố quyết định để doanh nghiệp du lịch tồn tại được hay không trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Chuyển đổi số - Giải pháp then chốt cho doanh nghiệp du lịch trước đại dịch Covid-19
Chuyển đổi số - Giải pháp then chốt cho doanh nghiệp du lịch trước đại dịch Covid-19

Tối ưu hoá trải nghiệm

Chuyển đổi số trong ngành du lịch có thể hiểu là sự chuyển dịch từ mô hình kinh doanh, tiếp thị truyền thống sang tập trung vào khách hàng theo mô hình chuỗi giá trị số (Digital value chain) dựa trên dữ liệu. Khác với mô hình truyền thống, hoạt động kinh doanh du lịch thời kỳ 4.0 dành sự tập trung nhiều hơn vào khách hàng và theo mô hình chuỗi giá trị số (Digital value chain), được chia thành 3 khâu: Thu thập dữ liệu về sản phẩm, khách hàng, địa điểm; chuyển các dữ liệu này thành các hiểu biết sâu sắc (insights) và chuyển các hiểu biết đó thành các hành động cụ thể.

Chuyển đổi số - Giải pháp then chốt cho doanh nghiệp du lịch trước đại dịch Covid-19
Chuyển đối số là con đường tất yếu để doanh nghiệp du lịch ứng phó trước những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra

Theo ông Vũ Văn Tuyên, CEO Travelogy Việt Nam, hiện các ứng dụng công nghệ giúp doanh nghiệp du lịch tối ưu hóa nhân sự, dễ dàng quản lý hệ thống, gia tăng hiệu suất công việc và nâng cao năng lực cạnh tranh. Không chỉ áp dụng trong quản lý kinh doanh, công nghệ còn tạo ra sự kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, tạo ra sự minh bạch và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, do khách hàng hiện đại đang có xu hướng tìm kiếm sự tiện lợi để tiết kiệm thời gian. Vì vậy, trải nghiệm tương tác, booking dịch vụ du lịch tiện lợi mọi lúc mọi nơi chính là mong muốn của họ. “Việc tối ưu hoá trải nghiệm của người dùng và các hoạt động của doanh nghiệp bằng cách cho phép khách hàng được truy cập liên tục các dữ liệu đa dạng để nắm bắt sản phẩm và dịch vụ sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu khách hàng một cách thuận lợi, tiết kiệm thời gian nhất” - ông Tuyên nhấn mạnh.

Trước tác động của dịch Covid-19, ngày càng nhiều doanh nghiệp tìm kiếm, xây dựng những kênh giao tiếp với khách hàng của mình một cách gần gũi và hiệu quả. Quá trình lưu trữ dữ liệu, kiểm soát chất lượng và cả hoạt động thanh toán, phục vụ, tương tác với khách hàng cũng được thực hiện hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ. Ông Vũ Văn Tuyên - cho rằng, ở những điểm chạm này, các giải pháp công nghệ liên tục phát triển giúp cho sự chuyển đổi ngày càng trở nên nhanh chóng hơn. Sự thay đổi này vô tình đã và đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi trong cách thức các doanh nghiệp du lịch hoạt động, điều mà trước đây họ chưa thực sự quan tâm đúng mức về việc chuẩn bị và thích ứng.

Ngoài ra, đại dịch Covid-19 đang làm xoay chuyển mọi hoạt động của ngành du lịch, vì vậy, nhằm đáp ứng được nhu cầu tìm kiếm thông tin, trải nghiệm địa điểm du lịch trên internet của du khách, trước và trong chuyến đi, nhiều địa điểm du lịch hoặc các công ty đã xây dựng tour ảo hay tour tương tác nhằm mô phỏng địa điểm du lịch thông qua các hình ảnh, video, các yếu tố đa phương tiện khác như hiệu ứng âm thanh, âm nhạc hoặc các bản tường thuật, giới thiệu, các văn bản. Điều đó đã giúp cho du khách có thể hiểu rõ hơn về địa điểm sắp tham quan và kích thích được cảm hứng cho chuyến du lịch của mình trong tương lai.

Tiếp tục đổi mới sáng tạo

Đến thời điểm hiện tại, trên 95% doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng, khoảng 20 - 30% doanh nghiệp du lịch có nguy cơ phá sản do đại dịch Covid-19. Sự tàn phá của Covid-19 cho thấy, nhiều nền tảng quản lý và kinh doanh truyền thống không đủ khả năng chống lại dịch bệnh và buộc doanh nghiệp phải thay đổi cách thức quản lý cũ thông qua việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Đồng thời, đây chính là một trong những giải pháp then chốt để doanh nghiệp chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động, tạo ra những sản phẩm mới lạ, độc đáo.

Ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - khuyến nghị: các doanh nghiệp du lịch cần nhanh chóng chuyển đổi số, xây dựng hệ thống thông tin về khách, về sản phẩm và dịch vụ; đề xuất các giải pháp, tính toán chi phí, điều hành dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu một cách khoa học mới có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường. Khi du lịch chưa thể trở lại trạng thái hoạt động bình thường, các doanh nghiệp du lịch có thể tập trung vào việc cải tạo cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực (trực tuyến) và từng bước thực hiện chuyển đổi số. Bên cạnh đó, phải duy trì hệ thống, giữ lực lượng nòng cốt để có thể sớm quy tụ guồng máy hậu Covid-19.

Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch, Tổng giám đốc Thiên Minh Group - cũng nhấn mạnh, Covid-19 buộc du lịch phải chuyển mình, thậm chí tăng tốc chuyển đổi số. Minh chứng là, năm 2020, ngành kinh tế xanh bị ảnh hưởng, nhưng nền tảng du lịch trực tuyến ivivu.com của Thiên Minh tăng trưởng mạnh cả về lượng truy cập và sản phẩm bán ra. Doanh nghiệp du lịch phải không ngừng đưa ra sản phẩm, dịch vụ mới phù hợp với nhu cầu thị trường nội địa. Không chỉ trước mắt, mà về lâu dài, doanh nghiệp cần biết cách tạo ra sản phẩm đặc thù, có giá phù hợp, định vị tốt thị trường nội à phải phát triển thành hệ thống sản phẩm.

Nhờ công nghệ số, Lux Group – đơn vị quản lý hệ sinh thái du lịch cao cấp đã không ngừng lớn mạnh. Từ giai đoạn đầu vận hành hệ thống, công cụ số đã tạo ra cơ hội lớn, nguồn lực vô hình và vô cùng lớn, giúp doanh nghiệp này rút ngắn và giảm thiểu được rất nhiều khoảng cách cho phát triển, và giúp giảm được rất nhiều chi phí trong tổ chức, xúc tiến, kết nối với khách hàng. CEO Lux Group – Phạm Hà - chia sẻ, qua kết nối của internet, qua thương mại điện tử, qua xúc tiến du lịch trực tuyến, chính các nhà làm du lịch của Việt Nam mới thực sự gia tăng được tốt hơn các nhu cầu, nắm tốt hơn đặc điểm tâm lý và thói quen tiêu dùng du khách để hoàn thiện các phân khúc, các khu vực khách tiềm năng và phát triển dịch vụ một cách phù hợp. "Dịch bệnh rồi sẽ qua đi, ai rồi cũng sẽ khác, chúng ta phải mới, đổi mới sáng tạo, từ hệ thống, tư duy con người đội nhóm và marketing để thích ứng với mọi biến động và không ngừng phát triển"- ông Hà cho hay.

Trong bối cảnh hiện tại, để quá trình chuyển đổi số thanh công, ông Vũ Văn Tuyên cho rằng, dưới sự thay đổi chóng mặt của công nghệ hiện nay, trước khi cân nhắc việc áp dụng chuyển đổi số, các lãnh đạo doanh nghiệp cần có một tâm thái bình tĩnh để tìm ra vấn đề nhức nhối nhất của doanh nghiệp dựa trên sự thấu hiểu quy trình kinh doanh và bối cảnh thị trường hiện tại. Ngoài ra, tâm lý khách hàng nên được coi là trọng tâm để phác thảo ra một lộ trình chuyển đổi số cho phù hợp, vì sau cùng, doanh thu và quản lý tinh nhuệ vẫn luôn là cái đích của mọi doanh nghiệp du lịch.

Được biết, Tổng cục Du lịch cũng đang có kế hoạch triển khai dự án Trung tâm điều hành du lịch thông minh với nhiều ứng dụng công nghệ hiện đại, dễ dàng kết nối với du khách; đồng thời phối hợp với các hãng viên thông hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện chuyển đổi số. Tuy nhiên, ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch - nêu rõ, chuyển đổi số chỉ thật sự tác động sâu rộng đến du lịch khi có hệ sinh thái dựa vào chuyển đổi số. Các chủ thể, gồm điểm đến, doanh nghiệp, dịch vụ, tài nguyên du lịch… cùng đồng hành, hợp lực tạo ra một môi trường thống nhất. Đặc biệt là sự sẵn sàng, hợp tác của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch. Đây là các đối tác chính, đồng hành với Nhà nước, giúp các chiến lược, kế hoạch được cụ thể thông qua sản phẩm, số hóa cơ sở dữ liệu.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

hoa-qu10995nh
Theo Công Thương https://congthuong.vn/chuyen-doi-so-giai-phap-then-chot-cho-doanh-nghiep-du-lich-truoc-dai-dich-covid-19-158098.html Copylink