Con đường gốm sứ Hà Nội - Bài 1: Đã trùng tu nhưng 'đâu vẫn hoàn đấy'
Được xem là một công trình ý nghĩa dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, giờ đây con đường gốm sứ ở Hà Nội đang xuất hiện nhiều vết nứt, mảng bong tróc lớn dù đã trùng tu đến hai lần. Tình trạng này tiếp diễn không chỉ gây mất mỹ quan đô thị m...
Do ý thức người dân
"Con đường gốm sứ" ven sông Hồng dài 6 km, diện tích khoảng 6.500 m2, là bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới. Được hoàn thiện từ năm 2010, nhân Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, “con đường gốm sứ” vốn thuộc địa bàn quản lý của 3 phường Phúc Xá, Phúc Tân và Chương Dương.
Sau gần 4 năm, bức tranh gốm sứ tái hiện dòng chảy lịch sử Việt Nam với nhiều hoa văn đặc trưng, tiêu biểu… đã và đang xuất hiện nhiều điểm hư hỏng, xuống cấp, các mảnh gốm bị bong tróc nham nhở, những vết nứt kéo dài. Tình trạng người dân đốt rác quanh khu vực gây ố đen, mất thẩm mỹ.
Ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, tình trạng hư hỏng, rạn nứt xuất hiện kéo dài từ đầu "Con đường gốm sứ" đến cuối đoạn đường. Đặc biệt khu vực ngay ngã tư giao nhau giữa Trần Quang Khải – Lò Sũ là nơi xuất hiện nhiều vết nứt lớn, thậm chí có nơi bị rơi rụng một số mảnh tranh gốm. Không những thế tại đoạn khu vực gần chợ Long Biên, con đường gốm sứ bị xâm lấn trở nên nhếch nhác, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến người dân đi bộ và gây mất mỹ quan đô thị.
Dù đã được trùng tu đến 2 lần (2015 và 2017) theo chỉ đạo của thành phố Hà Nội thế nhưng tình trạng trên vẫn tiếp tục tái diễn. Tình trạng này tiếp diễn không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn làm xấu đi hình ảnh của Thủ đô trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế.
Từng được coi là có giá trị thẩm mỹ đem lại cho bộ mặt thủ đô, “con đường gốm sứ” ven sông Hồng ngày nay đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nổi cộm.
Bất bình trước việc xuống cấp trầm trọng của công trình có giá trị văn hóa, lịch sử, nhiều người dân sinh sống quanh khu vực phường Chương Dương, Hà Nội bày tỏ sự thất vọng trước sự xuống cấp của công trình.
Vốn là người dân sinh sống lâu năm quanh khu vực lại có tình yêu đặc biệt với những giá trị văn hóa của người Việt, ông Trọng Lân (60 tuổi, phường Chương Độ, Hà Nội) chỉ biết than thở trước sự xuống cấp của cả công trình.
“Tôi cảm thấy thất vọng mỗi lần đi qua “con đường gốm sứ" của Hà Nội, một không gian công trình mang giá trị văn hóa như vậy mà bốc mùi hôi hám, nhếch nhác, những mảng gốm lắp ghép thì bong tróc và vỡ vụn, thật là đáng tiếc”, vừa quan sát những mảng bong tróc trên tường ông Lân vừa nói.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND Phường Chương Dương xác nhận tình trạng trên tồn tại trên địa bàn quản lý của phường. Ông Vĩnh cho biết, thực tế "con đường gốm sứ" nhếch nhác vốn xuất hiện từ lâu mặc dù phường đã có biện pháp khắc phục thế nhưng vẫn không thể “cứu” được toàn bộ công trình.
Lý giải cho việc khó cứu được cả “con đường gốm sứ”, ông Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng tình trạng nhếch nhác diễn ra chủ yếu xuất phát từ ý thức của người dân, du khách. “Việc người dân tha phương từ xa đến đây và những du khách không có ý thức bảo vệ công trình nghìn năm đã khiến tình trạng nhếch nhác dù được duy tu song đâu vẫn hoàn đấy”, ông Vĩnh nói.
Hằng năm, bức tranh gốm sứ dài nhất thế giới vẫn được các cơ quan quản lý bảo trì đều đặn, những vết nứt, bong tróc vẫn thường xuyên được chắp vá. Tuy nhiên có một “vết thương” mà các cơ quan chức năng đành phải “bó tay”, xuất phát từ ý thức của mỗi người.
Nỗ lực “cứu” công trình
Thông tin với PV, ông Vĩnh chia sẻ, nhằm hạn chế tình trạng người dân trên khu vực không có ý thức bảo vệ công trình có giá trị nghìn năm, UBND phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của mỗi người thông qua nhiều phương tiện khác nhau từ các cuộc họp, nhóm thông tin chung trên địa bàn đến treo biển cấm, banner tuyên truyền…
Cũng theo Chủ tịch UBND Phường Chương Dương, đối với những trường hợp vi phạm, đơn vị quản lý sẽ đưa ra mức xử phạt cho từng trường hợp, chủ yếu là xử phạt hành chính. Mức xử phạt thấp nhất đối với trường hợp gây mất mỹ quan đô thị trên “con đường gốm sứ” là 750.000đồng/đối tượng, mức phạt cao nhất lên đến 5 triệu đồng/đối tượng vi phạm.
Thực tế theo báo cáo xử phạt 6 tháng đầu năm, UBND phường Chương Dương ghi nhận 4 trường hợp vi phạm và đã đưa ra mức xử phạt phù hợp. Cụ thể, qua quá trình kiểm tra, rà soát, UBND phường Chương Dương phát hiện 4 đối tượng có hành vi vứt rác thải sinh hoạt lên vỉa hè, lòng đường không đúng quy định.
Trong khi đó, thông tin với báo chí, lãnh đạo phường Phúc Tân cho biết, khu vực quản lý thuộc địa bàn phường đều cho kiểm tra thường xuyên và không phát hiện hư hỏng, nứt nẻ. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận của phóng viên lại hoàn toàn trái ngược. Vậy, có hay chăng việc đùn đẩy trách nhiệm trong việc bảo vệ "con đường gốm sứ" (!?). Phải chăng đây là nguồn cơn dẫn đến việc "con đường gốm sứ" dù đã trùng tu đến 2 lần song vẫn xuống cấp trầm trọng?
Năm 2015, công trình “con đường gốm sứ” được trùng tu lần thứ nhất. Khi đó, do chỉ dừng ở việc vá lại một số đoạn nên con đường vẫn tiếp tục xuống cấp.
Hai năm sau (vào năm 2017), Hà Nội giao Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội làm chủ đầu tư bảo dưỡng con đường này với tổng mức đầu tư gần 2,6 tỷ đồng. Đây là đợt trùng tu lần thứ 2 và được giao cho công ty Tân nghệ thuật Hà Nội thi công.
Theo khảo sát của đơn vị thi công, những chỗ bong tróc tập trung nhiều ở cửa khẩu Long Biên và một số đoạn đầu cầu Chương Dương. Ngoài ra, dọc con đường gốm sứ cũng xuất hiện nhiều điểm bong tróc dài, nếu không tu sửa chỉ một thời gian nữa sẽ sụt cả mảng lớn.