Cuộc đời thi sĩ “Áo lụa Hà Đông” có gì khiến danh ca Phương Dung "vỡ mộng"?
"Chân dung cuộc tình" tập 2 kể về thi sĩ Nguyên Sa. Những tình khúc phổ thơ Nguyên Sa bên cạnh câu chuyện chân thật về người thi sĩ được rút ra từ chính hồi ức của danh ca Phương Dung sẽ tái hiện với khán giả.
"Chân dung cuộc tình" tập 2 kể về thi sĩ Nguyên Sa. Những tình khúc phổ thơ Nguyên Sa bên cạnh câu chuyện chân thật về người thi sĩ được rút ra từ chính hồi ức của danh ca Phương Dung sẽ tái hiện với khán giả.
Cuộc đời thi sĩ Nguyên Sa
Thi sĩ Nguyên Sa tên thật là Trần Bích Lan, sinh tại Hà Nội. Ông là nhà thơ, nhà báo, và là một giáo sư triết học nổi tiếng.
Năm 1949, ông du học Pháp và ở tại Provins. Năm 1953, ông đậu tú tài Pháp và lên Paris để ghi danh học triết tại Đại Học Sorbonne. Thời gian du học ở Pháp, có nhiều buổi chia ly đã trở thành nguồn cảm hứng để Nguyên Sa viết thành các bài thơ nổi tiếng.
Từ thập niên 70 trở đi, tên tuổi Nguyên Sa bừng sáng trong giới âm nhạc khi những bài thơ của ông được các nhạc sĩ phổ nhạc. Nổi bật nhất là các tình khúc của Ngô Thụy Miên với thơ Nguyên Sa như: Áo lụa Hà Đông, Tuổi 13, Tình khúc tháng sáu, Paris có gì lạ không em?...
Tại chương trình, MC Minh Đức cũng kể về nội dung trong cuốn hồi kí của Nguyên Sa. Trong đó, ông trải lòng cuộc hôn nhân với người vợ tên Nga, đặc biệt là về đám cưới nghèo của hai người khi ở Pháp. Ca khúc "Paris có gì lạ không em" (thơ Nguyên Sa, nhạc Ngô Thụy Miên) được viết thời điểm Nguyên Sa sang Pháp du học và gặp gỡ định mệnh của đời ông là bà Trịnh Thúy Nga.
Năm 1956, hai ông bà về nước. Nguyên Sa mang một Paris với “sông Seine, tháp Eiffel, những cặp tình nhân, giáo đường sương mù” viết lên những dòng thơ trong Paris có gì lạ không em?.
Nhà thơ Nguyên Sa sống một cuộc đời lặng lẽ gắn với triết học, thi ca nhưng những khúc nhạc cất lên từ những lời thơ tuyệt đẹp của ông đã đến được đến với công chúng gần xa, làm đẹp thêm những tâm hồn yêu thơ mến nhạc.
Phương Dung kể về Nguyên Sa
Xuất hiện trong "Chân dung cuộc tình", danh ca Phương Dung kể một kỷ niệm với nhà thơ Nguyên Sa: “Chồng của Phương Dung là bà con với bên ngoại của anh Nguyên Sa. Giới trẻ thập niên 60 tôn sùng thi sĩ, nhạc sĩ. Nhiều nữ sinh thời ấy thường chuyền tay nhau những áng thơ của Nguyên Sa.
Tôi cũng như bao nữ sinh mơ mộng về thần tượng. Ngay từ cái tên đẹp Nguyên Sa và qua bài thơ Áo lụa Hà Đông, tôi tưởng tượng người thi sĩ ấy một chàng trai phong nhã, đẹp trai, cao ráo nhưng đến khi tôi gặp ông ngoài đời thì như bong bóng vỡ đầy tay. Thần tượng trong lòng tôi sụp đổ bởi ông không phải là người đẹp trai như tôi tưởng tượng”.
Bà kể năm 1985, bà có cơ hội gặp Nguyên Sa: “Anh ấy biết tôi là bà con nên đến thăm tôi. Lần đầu gặp gỡ, trong lòng tôi đặt câu hỏi. Đây là nhà thơ Nguyên Sa sao trời?".
Bà khẳng định Nguyên Sa không giống như trong tưởng tượng, nhưng bà vẫn yêu áng thơ của ông ấy: “Tôi không yêu anh như yêu người tình mà đó là tình yêu của fan với thần tượng. Lần gặp gỡ đó không làm thay đổi cảm nhận của Phương Dung với những bài thơ của Nguyên Sa. Anh là giáo sư triết học nhưng cách nói chuyện của không có khô khan mà nhẹ nhàng như những vần thơ. Lối nói chuyện làm cho nhiều người phụ nữ “say nắng” - Phương Dung tiết lộ.
"Chân dung cuộc tình" phát sóng trên đài THVL1.