Thursday, Jul 22, 09:07 AM

Di sản công nghiệp: Đánh thức tiềm năng

Trong thời gian tới, một số nhà máy trong nội đô Hà Nội sẽ phải di dời nhằm góp phần tạo thêm quỹ đất cho khu vực nội thành xây dựng các công trình công cộng, đảm bảo hạ tầng xã hội, tạo cảnh quan kiến trúc và văn minh đô thị. Sau khi di dời dây chuyền sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội đô, phần “vỏ” nhà máy công nghiệp hoàn toàn có thể bảo tồn như một di sản, đồng thời tạo ra những không gian sáng tạo mới cho Thủ đô.

Di sản công nghiệp: Đánh thức tiềm năng
Di sản công nghiệp: Đánh thức tiềm năng
di-san-c244ng-nghiep-d225nh-thuc-tiem-nang_1.jpg
Không gian sáng tạo Complex1 (Tây Sơn, Đống Đa) được xây dựng trên nền xưởng in cũ.

Dấu ấn của những di sản công nghiệp

Mới đây, HĐND TP Hà Nội đã thông qua danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn TP Hà Nội (đợt 1) gồm 9 cơ sở nhà, đất do các doanh nghiệp (Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Công ty cổ phần và Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) hiện đang quản lý, sử dụng phải di dời theo quy hoạch.

Cụ thể: Công ty TNHH MTV In Báo Hà Nội Mới; Nhà máy Bia Hà Nội – Tổng Công ty cổ phần Bia–Rượu–Nước giải khát Hà Nội; Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long; Công ty In Báo Nhân dân Hà Nội; Công ty TNHH MTV In và Thương mại Thông tấn xã Việt Nam; Nhà máy xe lửa Gia Lâm – Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội; Tổng kho xăng dầu Đức Giang; Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Nông nghiệp; Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam.

Những nhà máy này đã mang nhiều giá trị như những di sản đại diện cho sự phát triển của xã hội và đô thị trong một giai đoạn lịch sử. Đây là những công trình đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa, đô thị hóa, công nghiệp hóa ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Một số nhà máy còn đóng vai trò khai sinh cho một ngành công nghiệp, có kiến trúc hiện đại, đẹp nhất ở Hà Nội và miền Bắc trong thời điểm được xây dựng như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Nhà máy Bia Hà Nội...

Giới chuyên gia đánh giá, việc di dời các nhà máy là di dời nguồn gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, áp lực giao thông và dây chuyền sản xuất ra khỏi khu vực nội đô, còn lại phần “vỏ” của nhà máy có thể bảo tồn một phần với những công trình mang tính biểu tượng để giữ lại những dấu ấn, giá trị về lịch sử, văn hóa. Đó chính là giá trị phi vật thể của di sản công nghiệp để tạo ra những không gian sáng tạo có giá trị.

di-san-c244ng-nghiep-d225nh-thuc-tiem-nang_2.jpg

Thực tế, sau khi di dời, thay vì với mục đích ban đầu đặt ra là ưu tiên không gian xanh, tạo quỹ đất xây dựng công trình an sinh xã hội, thì hàng loạt chung cư, cao ốc lại mọc lên khiến Thủ đô càng thêm ngột ngạt. Những di sản công nghiệp có giá trị chưa được đánh giá đúng và bị “xóa sổ” không còn dấu vết như nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo (Hà Nội, nhà máy Dệt 8/3 (Hà Nội) giờ đây cũng bị thay thế bởi một khu cao ốc…

Nói về vấn đề này, KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, những nhà lập quy hoạch Thủ đô phải trả lời cho người dân Hà Nội được biết là có bao nhiêu nhà máy đã di dời, nhường lại cho không gian xanh, không gian công cộng hạ tầng xã hội như cam kết của các bản quy hoạch đặt ra?

Đánh thức để bảo vệ và phát triển

Theo nhiều chuyên gia, thay vì phá bỏ tất cả rồi nhồi nhét bằng những cao ốc làm quá tải đô thị thì Thủ đô nên giữ lại một phần hoặc toàn bộ nhà máy cũ để làm chứng nhân lịch sử một thời. Cùng với đó, các nhà máy cũ có thể được chuyển đổi thành không gian hoạt động nghệ thuật, sáng tạo, khởi nghiệp…

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội khóa XV nhận định: “Trong bối cảnh hiện nay, các khu chứa đựng dấu ấn của một giai đoạn lao động ở các đô thị có thể trở thành địa điểm khai thác du lịch bởi nó mang bản sắc riêng của địa phương. Việc giữ gìn các khu di sản công nghiệp ấy giúp chúng ta lưu giữ được ký ức, bản sắc và đặc biệt nó không tạo ra áp lực đô thị hóa. Đó là giải pháp tốt để chúng ta xây dựng thành phố đáng sống hiện nay.”

Việc di dời các nhà máy ra khỏi nội đô không có nghĩa là xóa bỏ hoàn toàn mà nhằm tạo điều kiện phát triển tốt hơn. Phần vỏ của nhiều nhà máy ngoài giá trị về lịch sử, kiến trúc, văn hóa… còn có giá trị về không gian cần ứng dụng vào các chức năng có ích khác, đó chính không gian sáng tạo, không gian công cộng, không gian văn hóa nghệ thuật... đây là cơ hội để đem lại nhiều lợi ích cả về kinh tế, văn hóa, đô thị.

di-san-c244ng-nghiep-d225nh-thuc-tiem-nang_3.jpg
Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long là một trong 9 nhà máy sẽ di dời trong đợt tới.

Còn theo KTS Trương Ngọc Lân - Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng), bên cạnh việc xây dựng các khu nhà ở đơn thuần, chủ đầu tư của các khu đô thị đã bắt đầu đi tìm dấu ấn riêng để tạo nên giá trị gia tăng cho công trình của mình. Nếu không gian sáng tạo, dựa trên một phần di sản công nghiệp trở thành hạt nhân, là điểm nhấn làm nên nét khác biệt của khu đô thị mới hình thành thì ngoài những giá trị về văn hóa mà cộng đồng được thụ hưởng, còn mang lại những giá trị kinh tế cho chính các khu đô thị đó.

Tiềm năng di sản công nghiệp ở nước ta là rất lớn. Nếu đầu tư quy hoạch, xây dựng và phát huy tốt, các khu di sản công nghiệp sẽ là “mũi nhọn” cho sự phát triển công nghiệp văn hóa, một bước đi quan trọng hướng đến phát triển bền vững. Điều quan trọng nhất là có nhận thức và đánh giá đúng về vai trò, ý nghĩa của di sản công nghiệp, nhất là nhận thức của những người làm chính sách, để từ đó có những chính sách phù hợp tạo đòn bẩy nhằm đánh thức tiềm năng và phát huy có hiệu quả những giá trị của di sản công nghiệp.

Phạm Sỹ
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/di-san-cong-nghiep-danh-thuc-tiem-nang-5691825.html Copylink