Di tích núi Đọ: Di sản bị lãng quên
Được khai quật từ những năm 60 của thế kỷ trước, di chỉ Núi Đọ tại Thanh Hóa là minh chứng cho một nền văn hóa sơ kì đồ đá cũ. Đồng thời, đây còn là cụm thắng tích được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1962. Tuy nhiên, tron...
Di tích bị xâm hại nghiêm trọng
Di tích Núi Đọ nằm trên địa bàn ba xã: Thiệu Tân (huyện Thiệu Hóa), Thiệu Vân và Thiệu Khánh (thành phố Thanh Hóa), là nơi hợp lưu của sông Mã và sông Chu. Nhiều nhà khoa học đã xếp di chỉ Núi Đọ vào sơ kỳ đồ đá cũ, giai đoạn phát triển đầu tiên của loài người, cách ngày nay khoảng 12.000 năm.
Qua 4 lần khai quật khảo cổ từ năm 1960 đến nay với 2.500 hiện vật bằng đá các loại tìm được, đó là những minh chứng cho một nền văn hóa sơ kì đồ đá cũ, chứng minh cho vùng đất ven sông Mã, sông Chu là một trong những cái nôi của loài người.
Không những thế, đây còn là quần thể các thắng tích nổi tiếng của Thanh Hóa như Chùa Vồm, Bàn chân Tiên, chùa Đọ… Với những giá trị to lớn của mình, năm 1962, cụm di tích Núi Đọ đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia với tổng diện tích đất được khoanh vùng quy hoạch và bảo vệ là 34.736 ha. Tuy nhiên, sau nhiều năm, cụm di tích này không những không phát huy được giá trị di sản của mình mà còn bị các cơ quan chức năng “bỏ quên”, thậm chí bị xâm hại một cách thô bạo.
Có mặt tại khu di tích Núi Đọ, chúng tôi được tận mắt chứng kiến sự hoang tàn của cụm di tích cấp Quốc gia này. Xung quanh chân núi Đọ là các khu dân cư mọc san sát. Nhà ở của người dân xây dựng theo lối tự phát, “mạnh ai nấy xây”, điều này chứng tỏ trong một thời gian dài, di tích không có sự quản lý của các cơ quan chức năng.
Men theo con đường bê tông trơn trượt, lầy lội dẫn lên khu chùa Đọ, không còn nhận ra đâu là dấu tích của một ngôi chùa cổ đã tồn tại ngót trăm năm trước. Thay vào đó là ngôi chùa nhỏ mới được dựng lại trên khu nền cũ, đơn sơ đến nghèo nàn, thanh u.
Hai bên cổng tam qua, nhà dân đã xây tường rào choán hết cả không gian của chùa. Bên trong, sư trụ trì ốm yếu và một vài phật tử đang ngồi tư lự, mặc khách đến, đi.
Rời khu chùa Đọ, chúng tôi tìm mãi mới thấy đường sang khu thắng tích Cồn chân Tiên. Đường dẫn lên Cồn chân Tiên là một con đường bê tông nhỏ vừa một người đi dài khoảng 300m bị cây dại phủ kín, rêu phong. Tuy nhiên, thay vì dẫn vào Cồn chân Tiên thì con đường dẫn thẳng vào một nhà dân và biến mất.
Sau một hồi loay hoay cùng với sự chỉ dẫn của chủ nhà, chúng tôi mới tìm được đường vượt hàng rào đến vị trí có bàn chân Tiên. Thắng tích nằm giữa khu vườn được anh Đỗ Văn Thoan - thôn Phú Ân, phường Thiệu Khánh quây rào kiên cố bằng lưới B40.
Theo quan sát của chúng tôi: Trên mặt một phiến đá cao khoảng 2 m, chiều rộng khoảng 3 m, hình bán nguyệt, các dấu tích in hình một bàn chân khổng lồ, lún sâu vào bề mặt đá đã không còn nguyên vẹn...
Ông Đỗ Xuân Chinh, thôn Phú Ân, phường Thiệu Khánh cho biết: Gia đình ông và nhiều hộ dân khác trong xã ra đây định cư từ những năm 1990, mọi hoạt động xây cất nhà cửa, san hộ đều diễn ra bình thường mà không thấy có ai đến nhắc nhở là xây dựng trên đất di tích đã được quy hoạch.
“Nói thật, nếu các anh không tìm đến hỏi han thì chúng tôi cũng không nghĩ đây là di tích được xếp hạng cấp Quốc gia!”, ông Chinh thản nhiên nói.
Thiếu kinh phí và buông lỏng quản lý
Được biết, vào tháng 3/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực Hàm Rồng - Núi Đọ thuộc vành đai xanh phía Tây Bắc thành phố Thanh Hoá.
Khu vực quy hoạch Hàm Rồng - Núi Đọ sẽ là khu đô thị Công viên di sản, với quy mô, tầm vóc quốc gia, quốc tế hướng tới trở thành Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Trao đổi với chúng tôi về thực trạng di tích Núi Đọ đang bị xâm hại nghiêm trọng, ông Nguyễn Đình Tiến, Phó Chủ tịch xã Thiệu Vân, thành phố Thanh Hóa cho biết: Hiện, tại khu vực di tích Núi Đọ có khoảng gần 200 hộ dân của 3 xã sinh sống. Trong đó riêng Thiệu Vân có khoảng 65 hộ. Các hoạt động như xây cất nhà cửa, công trình phụ trên đất di tích của người dân vẫn diễn ra rất bình thường.
Thậm chí tại xã Thiệu Tân, chính quyền còn buông lỏng để người dân sử dụng trên khu vực bảo vệ của di tích. “Chúng tôi đã nhiều lần làm văn bản kiến nghị về tình trạng của di tích lên trên nhưng không có kết quả. Đáng lẽ ngay khi công nhận là di tích cấp Quốc gia, tỉnh phải công bố quy hoạch và có chế tài xử lý cứng rắn để bảo vệ di sản. Trong khi đó, thẩm quyền, chức năng của xã thì không cho phép xử lý mạnh tay với các trường hợp vi phạm. Những lý do này đã khiến cụm di tích bị xâm hại nghiêm trọng mà không được bảo vệ”, ông Tiến nói.
Cũng nói về vấn đề này, bà Phạm Thị Thọ, chuyên viên Phòng VHTTDL thành phố Thanh Hóa cho biết: “Để bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích Núi Đọ, cái khó khăn nhất vẫn là chế tài xử lý những tồn tại và kinh phí xây dựng, trùng tu lại các hạng mục đã xuống cấp. Riêng với các vấn đề mà các anh cung cấp, chúng tôi sẽ kiểm tra cụ thể lại thông tin từ phía cơ sở. Vì công tác quản lý được giao về cho từng tiểu ban quản lý tại địa phương”.