‘Địa chấn’ của Xuân Quang
Với những người làm báo, Xuân Quang là cái tên quen thuộc, từng “làm mưa, làm gió” trên báo chí một thời. Thời đó là những năm 90 của thế kỷ trước. Khi ấy, báo in ở thời hoàng kim. Và những bài viết của nhà báo Xuân Quang trên trang phóng sự Báo L...
Bất ngờ, không chỉ bởi cuốn sách được làm chỉn chu, đẹp, sang, mà quan trọng hơn nhận ra một điều: Xuân Quang vẫn còn nặng tình với báo chí.
Công việc bây giờ của anh - Trưởng ban Truyền thông và Marketing Tập đoàn Geleximco - khiến cho nhịp viết đã bị ngưng, bị đứt đoạn nhưng cầm “Địa chấn” trên tay, hẳn Xuân Quang không chỉ thấy một thời thanh xuân máu lửa, dấn thân, mà tôi tin, anh sẽ viết trở lại, để làm nên những cơn “địa chấn” mới.
Ở lần xuất bản này, cuốn sách tập hợp 70 phóng sự, ghi chép được tác giả sắp xếp theo thứ tự thời gian. Nhìn kỹ những ghi chú cuối bài, có thể thấy đó là một đoạn đời rất quan trọng của nhà báo Xuân Quang, trải dài trong 25 năm, trải rộng ở các vùng miền, ở trong nước và cả ở nước ngoài.
Thời kỳ ấy, Xuân Quang được đánh giá là một trong những cây bút phóng sự xuất sắc của làng báo. Gần một nửa phóng sự của anh là những hành trình “lao vào điểm nóng”, từ biên cương đến hải đảo, từ động đất đến sóng thần…
Bước chân anh đã trải hầu khắp dải đất hình chữ S cũng như hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Anh đã đoạt nhiều giải thưởng Báo chí Quốc gia, trong số đó có phóng sự "Vượt sóng dữ Trường Sa" in trong tập sách này.
Nhà báo Trần Đức Chính - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhà báo & Công luận, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Lao Động từng nhận xét rằng, đội ngũ các cây bút phóng sự trong làng báo chí kể ra cũng không ít, nhưng Xuân Quang xứng đáng xếp vào “topten”.
“Xuân Quang thuộc nhóm nhà báo “chân dài”, đôi lúc tung bờm như ngựa hoang, rồi lại suy tư, dằn vặt với sự đời còn lắm éo le. Có nhiều phóng sự Xuân Quang không đưa vào tuyển tập này. Tôi nhớ đã hơn một lần ngòi bút anh đam mê với đời, với số phận những con người đầy trắc trở. Ở mảng đề tài ấy, nhà báo Xuân Quang đã hành nghề như một văn sĩ.
Cái thời trai trẻ, anh em phong hàm “Trịnh công tử” cho anh. Xuân Quang sau này đã (rất tiếc) bị “trói chân” vào công việc của người làm biên tập, tổ chức tờ báo, của một ông quan báo; sau này thậm chí còn ra làm doanh nghiệp, nghề báo chỉ là thứ yếu.
Nhưng với xuất thân cử nhân Ngữ văn, tin rằng Xuân Quang sẽ và đủ sức “chế” được những phóng sự hay và đẹp, như cuộc đời này còn nhiều cái hay, cái đẹp cần khám phá và lên tiếng…”, nhà báo Trần Đức Chính bày tỏ.
Xuân Quang tập trung dành nhiều tâm huyết cho phóng sự và có “thương hiệu” riêng với 3 lợi điểm: Gen gia đình, môi trường đại học và đặc biệt là sau tờ khởi sự được chuyển sang tờ báo uy tín bậc nhất lúc bấy giờ: tờ Lao Động với trùng trùng điệp điệp đội quân viết có số má. Hồi ấy Lao Động khổ to, riêng phóng sự được “rành rành định phận” nửa trang lớn, thành một trong những “địa chỉ” đọc không thể bỏ.
Trang báo đó nuôi lớn những Vĩnh Quyền, Đặng Bá Tiến, Huỳnh Dũng Nhân, Trần Đăng, Nguyễn Quang Vinh, Lưu Quang Định, Ngô Mai Phong, Đỗ Quang Hạnh, Lê Thanh Phong… Và đương nhiên lứa trẻ có những Xuân Quang, Nguyễn Tri Thức, Hoàng Văn Minh, Đỗ Doãn Hoàng, Quảng Hà, Thanh Hải…
Quang giỏi trong việc tạo không khí cho phóng sự, không thuần túy số liệu, thông tin mà luôn có cảnh huống. Dẫn dắt câu chuyện là những nhân vật thực - như hòa nhuyễn, khi đan cài, lúc trung tâm; khi nhân vật của báo chí, lúc lại ngỡ như trong truyện. Âu cũng là thành công khi anh “đẩy” được người đọc vào chốn hư chiêu. Đọc thấy hay, thú vị mà không cần phải định rõ tính thể loại.
Nhà báo Trần Nhật Minh
(Trưởng ban Văn học Nghệ thuật - Đài Tiếng nói Việt Nam)