Độc đáo tục nuôi ông Voi
Hội đình Trà Cổ (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) được khai hội từ ngày 10/7. Tuy Đình làng Trà Cổ ở gần khu vực biên giới nhưng nơi đây còn lưu giữ nhiều tập tục văn hóa truyền thống của người dân Việt. Trong đó có tục nuôi “ông Voi” để chầu Thần Ho...
Ông Đám, ông Voi
Ông Nguyễn Văn Thêm, 69 tuổi trú tại Khu Nam Thọ, Trà Cổ là Thủ từ của Đình Trà Cổ cho biết: Theo tín ngưỡng lâu đời của người dân Trà Cổ, ông Voi được coi là linh vật của thần. Ông Voi chính là con heo được phân công cho người nuôi dưỡng. Theo tục lệ, mỗi khi kết thúc hội, làng Trà Cổ họp làng chọn ra 12 gia đình được nuôi ông Voi.
Lễ hội Đình Trà Cổ ở TP Móng Cái tỉnh Quảng Ninh được tổ chức hàng năm vào ngày 30/5 và 1/6 âm lịch với hai phần Lễ và Hội. Trong đó, tục thi “Ông Voi” là một nghi lễ chính được duy trì thường niên, trở thành nét riêng có độc đáo của Lễ hội Đình Trà Cổ…
Những người được chọn nuôi ông Voi được gọi là ông Đám để chuẩn bị cho Lễ hội năm sau. Đứng đầu 12 ông Đám gọi là cai Đám. Cai Đám là người khoẻ mạnh, biết làm ăn, có đạo đức và lối sống lành mạnh, gia đình con cái thuận hoà, không vướng việc tang. Mỗi người chỉ được làm ông Đám một lần trong đời.
Cai đám sẽ chỉ đạo các ông Đám nuôi ông Voi chu đáo. Ông Đám, bà Đám phải nuôi một ông Voi trong 1 năm cho đến khi lễ hội kết thúc được gọi là ông Đám đương nhiệm. Những người làm ông, bà Đám được dân làng cực kỳ tôn trọng. Được dân làng hỗ trợ, giúp đỡ mỗi khi nhà ông bà Đám gặp khó khăn…
Theo quan niệm của tổ tiên người làng Trà Cổ, gia đình nào làm tốt công việc nuôi ông Voi sẽ được tài lộc, mạnh khoẻ, ăn nên làm ra, bình an, may mắn. Trước đây, người Trà Cổ chỉ làm nghề biển. Trước những hiểm nguy của sóng gió người dân chỉ mong được bình an trở về sau mỗi chuyến ra khơi.
Ngay từ đầu năm, mỗi ông Đám sẽ mua một con heo giống và được đưa ra Đình làm lễ. Mỗi ông heo được đánh số thứ tự, đặt tên và được cấp sắc. Sau đó các ông Đám phải bốc thăm nhận nuôi 1 trong 12 ông Voi đang để tại đình làng. Ngay sau khi cấp sắc và đưa về nhà, những con heo không gọi là lợn, là heo nữa mà được gọi là ông Voi.
Ông Voi được chăm sóc chu đáo, ăn ngon, ngủ màn để tránh muỗi, được thăm khám, tiêm vắc xin đầy đủ và chăm sóc, nâng niu, tôn trọng như thành viên trong nhà… Khi đón ông Voi về nuôi, gia đình ông Đám phải làm lễ, cầu khấn ông Voi phù hộ cho gia đình cũng như phải hứa chăm sóc, nuôi ông Voi tử tế để không ốm, đau bệnh tật, gia đình gặp tang gia hoặc xấu nhất là ông Voi “đi sớm” mà không kịp chầu ở hội làng vào tháng 6 hàng năm…
Những ngày toát mồ hôi hột….
Bà Đám đương nhiệm Vũ Thị Nền, 33 tuổi (chồng là Nguyễn Văn Toàn, cũng từng là ông Đám) trú tại Đông Thành, Nam Thọ Trà Cổ chia sẻ: Từ khi đón ông Voi về nuôi dưỡng là cả nhà lo nơm nớp. Thức ăn của ông Voi là gạo sạch, rau sạch, cá sạch. Đồ ăn phải sạch sẽ, tắm rửa thường xuyên. Đêm phải mắc màn để ông Voi không bị muỗi đốt.
Trong những ngày tháng nuôi ông Voi, gia chủ phải giành phần lớn thời gian chăm sóc. Đi có việc về muộn phải xin phép, còn có người ở nhà thì ông Voi phải được ăn đúng giờ. Về muộn phải làm lễ xin lỗi ông. Khẩu vị ông Voi không ông nào giống ông nào và thay đổi thường xuyên.
Có thời điểm ông thích ăn cá. Có ông chỉ ăn cá đắt tiền, rán giòn. Rán chưa đủ độ giòn, thơm, ông không ăn. Cháo nấu với rau phải sạch, nếu bẩn là ông giận. Có những thời điểm, ông Voi bỏ ăn mấy ngày. Tìm mọi cách mà ông không chịu ăn. Gia đình rất lo lắng. Tìm hiểu mãi không hiểu vì sao ông bỏ ăn.
Hóa ra có người lỡ miệng gọi ông Voi là ông lợn. Thế là cả nhà phải làm lễ, lên đình xin Thánh, Thần tha tội rồi về nhà xin lỗi ông, nịnh mãi ông mới ăn lại… Có nhà Đám, chỉ vì vợ chồng, bố mẹ cãi mắng nhau, ông cũng giận, bỏ ăn.
Khi ông Voi nuôi được 3, 4 tháng đã nặng hơn 100 kg, lúc này nhà Đám mệt và lo lắng nhất. Các ông Voi đột nhiên thay đổi tính tình. Các ông Voi không ăn nhiều nữa mà ăn uống có chọn lọc. Đồ ăn không còn làm gạo, rau, cá nấu như cháo nữa. Các ông thích ăn bánh ngọt Chocopie, hoặc các loại bánh cao cấp, ăn chuối, ăn trứng…
Nếu gia chủ không cho ăn những thứ ông thích, ông bỏ ăn. Có ông Voi ăn liền tù tì 15 ngày chuối chín. Chuối phải được bóc vỏ đút vào miệng. Đến ngày 16 ông không ăn chuối nữa. Đưa cái gì vào ông cũng không ăn, ông bà Đám sợ, lại phải ra Đình làm lễ. Phải khấn, xin mãi, ông mới chịu ăn. Khi ông Voi ốm phải mời thú y đến tiêm, chữa…
Bài học của tiền nhân
Những ngày trước Lễ hội Đình làng Trà Cổ, người viết được nhiều người dân, ông Đám cho đi tham quan, gặp các ông Voi. Ông nào cũng to, nặng từ 180-190kg. Cá biệt có ông lên tới 250kg. Trước đó, có năm có người nuôi được ông Voi nặng tới hơn 300 kg. Khi người lạ vào chỗ ông Voi nằm, phải xin phép để được cho vào thăm. Chụp ảnh cũng phải xin phép không là ông giận. Nhiều người lạ vào mà thấy ông ăn, ông cũng giận.
Có lẽ, hình ảnh mà người viết thấy xúc động nhất chính là, ngày rước các ông Voi ra Đình. Lễ hội tổ chức vào mùa hè, nắng chang chang. Sau hành trình dài trên đường dài rước các ông về Đình. Nhiều ông mệt. Các ông bà Đám thay nhau tiếp nước lọc, bóc bánh cho ông Voi ăn tiếp sức. Trò chuyện, động viên như nói chuyện với con người. Có người nghĩ đến ngày ông chầu Thánh thì thương, rơm rớm nước mắt…
Chị Triệu Phương Yến, 29 tuổi có chồng là Nghiêm Văn Cương 34 tuổi trú tại Nam Thọ, Trà Cổ là ông bà đám năm 2021 của Đình Trà Cổ cùng nhau đẩy ông Voi lên Đình. Trên đường đi tới Đình, ông Đám liên tục tiếp nước cho ông Voi sợ ông nóng, khát. Chị Yến cho biết, khi đưa ông Voi về chầu ở sân Đình Trà Cổ ngày 9/7, cả nhà rất vui vì ông Voi mạnh khỏe. Nhưng những đứa trẻ thì buồn. Cả một năm chăm sóc, nâng niu, kính trọng, ông đã là một thành viên của gia đình.
Bà Lương Thị Tạm, 87 tuổi, trú tại khu Tràng Vỹ, Trà Cổ cho biết: Thời chiến tranh, cả làng Trà Cổ phải sơ tán. Lễ hội và tập tục nuôi ông Voi phải ngừng lại. Lễ hội này mới được khôi phục lại hơn 10 năm nay.
Cầu mong bình an, may mắn luôn là ước vọng của người dân vùng biển trước đầu ngọn sóng dữ dằn. Không chỉ thế, mở Hội là để biết ơn tới ông, cha đã mở đất lập làng, nhớ về nguồn cội. Nuôi ông Voi không chỉ là để có lễ vật cúng Thần. Biết đâu đó lại là một bài học để đời của tiền nhân. Chúng ta yêu quý, trân trọng, kiên nhẫn chăm chút và có tình cảm sâu đậm với một con vật được coi là linh vật của thần. Thì tại sao, con người với nhau không thể kiên nhẫn, sẻ chia, yêu thương nhau. Có lẽ, nhờ tinh thần đó, người dân Trà Cổ đã tồn tại được bao đời trước bão gió, phong ba miền biên ải…