Sunday, Jun 21, 03:06 PM

Du lịch nhiều vùng miền rục rịch khởi động

Trong bối cảnh chưa thể thu hút du khách từ mọi miền đất nước do dịch Covid-19 vẫn lây lan, nhiều địa phương đã nới lỏng một số hoạt động dịch vụ du lịch nhằm thu hút khách từ chính địa phương mình. Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm an toàn được đặt lên hàng đầu.

Du lịch nhiều vùng miền rục rịch khởi động
Du lịch nhiều vùng miền rục rịch khởi động

Mở cửa nhưng phải an toàn

Từ hôm nay (ngày 13/6), Hải Phòng mở cửa trở lại nhiều hoạt động dịch vụ, du lịch. Tuy nhiên, các khu, điểm du lịch được hoạt động trở lại chỉ phục vụ cho người đang sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố Hải Phòng, phải tuân thủ các biện pháp về phòng chống dịch bệnh. Cơ sở lưu trú được hoạt động trở lại nhưng chỉ phục vụ người lao động đến làm việc với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố, không tiếp nhận người đến từ vùng dịch, đồng thời phải tuân thủ quy định về phòng chống dịch bệnh.

Du lịch nhiều vùng miền rục rịch khởi động
Nhiều địa phương đã mở cửa hoạt động dịch vụ du lịch trở lại

Trước Hải Phòng, nhiều địa phương đã qua 14 ngày không có dịch cũng cho phép một số hoạt động đang tạm ngưng được mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới, trong đó có nhiều hoạt động liên quan đến du lịch.

Quảng Nam là tỉnh đầu tiên cho phép tắm biển và một số hoạt động trở lại tại 4 địa phương là Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc và thành phố Hội An sau thời gian tạm dừng do đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát. Quảng Ninh cũng đã mở cửa trở lại các khu, điểm du lịch, di tích, danh thắng, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, cơ sở dịch vụ, tổ chức đón du khách nội tỉnh. Sơn La tạm thời cho phép hoạt động trở lại đối cơ sở lưu trú khách du lịch, homestay, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, quán ăn, cơ sở làm đẹp, trung tâm thể dục, thể thao…

Nhiều địa phương khác cũng đang tính đến phương án nới lỏng một số dịch vụ, do tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát chặt chẽ.

Tuy hoạt động dịch vụ được nới lỏng, nhưng các địa phương đều chú trọng vấn đề bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, với phương tiện vận tải, nhiều địa phương quy định, mỗi xe không được chở quá 50% số ghế theo thiết kế và không được vượt quá 20 người/xe. Xe khách giường nằm phải đảm bảo chở đúng số người cho phép và không vượt quá 30 người/xe, kể cả lái, phụ xe. Đồng thời thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người tham gia vận tải hàng hóa, vận chuyển vật tư. Đối với cơ sở kinh doanh, dịch vụ như: Điểm truy cập internet công cộng, rạp chiếu phim, cơ sở massage, dịch vụ thẩm mỹ, phòng tập thể hình, thể dục dụng cụ; các chợ đêm, địa điểm phục vụ vui chơi, giải trí; dịch vụ, nhà hàng, ăn, uống… khi trở lại hoạt động phải kèm theo điều kiện như ký cam kết phòng, chống dịch, đeo khẩu trang, khai báo y tế, đảm bảo giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi tiếp xúc…

Theo ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam - đây là giải pháp hữu hiệu trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang lây lan tại nhiều địa phương tư miền Bắc tới miền Nam.

Thí điểm "hộ chiếu vắc xin”

Cùng với việc đảm bảo an toàn công tác phòng chống dịch, nới lỏng một số dịch vụ để phát triển kinh tế, mới đây, nhiều địa phương đề xuất cho thí điểm áp dụng “hộ chiếu vắc xin” với khách lưu trú ngắn ngày, chỉ chơi golf, nghỉ dưỡng không di chuyển.

“Hộ chiếc vắc xin” hay "hộ chiếu miễn dịch" là khái niệm đã sớm xuất hiện trong đại dịch, cho phép những người được cho là miễn nhiễm với Covid-19 có thể tự do di chuyển. Khi vắc xin ra đời, ý tưởng về loại hộ chiếu đặc biệt này bao gồm thêm cả ý nghĩa chứng nhận khả năng miễn dịch của người sở hữu hộ chiếu. Hiện trên thế giới đã có một số nước đang thử nghiệm mô hình này.

Về vấn đề "hộ chiếu vắc xin", theo thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Thủ tướng đã có chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét biện pháp phòng, chống dịch phù hợp khi triển khai "hộ chiếu vắc xin". Tuy nhiên, "hộ chiếu vắc xin" vẫn là vấn đề đang được nhiều nước nghiên cứu, thảo luận. Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, báo cáo, đề xuất Chính phủ xem xét quyết định thời điểm phù hợp, với quan điểm an toàn cho người dân được đặt lên hàng đầu, bởi các loại vắc xin không có loại nào đạt hiệu quả 100%. Mặt khác, "hộ chiếu vắc xin" chỉ có hiệu quả khi trong nước đạt được miễn dịch cộng đồng (nghĩa là 70% dân số được tiêm chủng). Do đó, khi áp dụng "hộ chiếu vắc xin", chúng ta phải xem xét và có những thông tin đầy đủ để áp dụng, triển khai đảm bảo hiệu quả và an toàn.

Nhiều chuyên gia về dịch tễ cũng phân tích, việc áp dụng “hộ chiếu vắc xin” với một số điểm du lịch cần được tính đến, nhưng nguyên tắc đảm bảo hết sức chặt chẽ, nếu không quản lý chặt, có thể làm lây nhiễm dịch ra cộng đồng.

Theo lãnh đạo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): Chúng tôi đang nghiên cứu các quốc gia trên thế giới áp dụng như thế nào để đưa ra một số mô hình, thử nghiệm “hộ chiếu vắc xin” tại các khu vực nhỏ như sân golf, hoặc khu du lịch nhỏ trong nước.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

thanh-t12304m
Theo Công Thương https://congthuong.vn/du-lich-nhieu-vung-mien-ruc-rich-khoi-dong-158882.html Copylink