Du lịch tiếp tục “đóng băng”
Làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19 khiến ngành du lịch một lần nữa "chao đảo". Riêng trong tháng 5, hơn 90% khách hủy tour. Nhiều nhà hàng, khách sạn tiếp tục không có khách…
Doanh thu bằng 0
Khi đợt dịch lần thứ 3 lắng xuống, cả nước chung sức thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch, đảm bảo an toàn tại các cơ sở lưu trú, điểm đến; cộng với nhiều giải pháp kích cầu du lịch; đặc biệt Việt Nam triển khai tiêm vaccice phòng Covid-19... nhờ đó, lượng khách du lịch trong tháng 4/2021 có sự tăng nhẹ. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 4 tháng đầu năm ước tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ngay khi vừa có những tín hiệu tích cực thì dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến ngành du lịch đã khó nay lại khó hơn.
Nhiều điểm du lịch vắng bóng du khách |
Thống kê của Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, hiện có khoảng 80 - 90% doanh nghiệp du lịch tạm thời đóng cửa, dừng hoạt động. Tại nhiều địa phương, hoạt động du lịch cũng gần như “đóng băng” trong tháng 5. Thanh Hóa là một ví dụ điển hình. Mặc dù đang trong mùa cao điểm du lịch hè nhưng tất cả các cung đường dẫn đến bãi biển Sầm Sơn vắng bóng du khách; hàng loạt khách sạn, nhà hàng trên địa bàn thành phố biển đồng loạt đóng cửa, khiến ngành du lịch Sầm Sơn chịu tổn thất nặng nề.
Chủ khách sạn Dragon tại TP. Sầm Sơn cho hay, để chuẩn bị cho mùa cao điểm du lịch hè, công ty đã sửa chữa, nâng cấp lại khách sạn với chi phí lên đến hàng tỷ đồng. Nhưng khi dịch bệnh bùng phát, dù đúng mùa du lịch song lượng khách đến và lưu trú tại khách sạn hầu như không có. Theo tính toán của chủ khách sạn, nếu không có dịch, doanh thu trong mỗi khách sạn Dragon sẽ đạt tầm 7 tỷ đồng/tháng, nhưng hiện nay mọi thứ xem như bằng không.
Cùng chung cảnh như Dragon, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú ở TP. Sầm Sơn cho biết, doanh thu trong tháng 5 gần như bằng không. Tháng 6 và tháng 7 vẫn còn là ẩn số khi mà dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Là địa phương có bờ biển đẹp, cùng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, Đà Nẵng hy vọng lấy lại đà tăng trưởng mạnh cho ngành công nghiệp không khói bắt đầu từ tháng 5 thì cũng lụi tàn. Theo ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP. Đà Nẵng, chỉ có khoảng 11,9% doanh nghiệp ở đây cho biết có thể cầm cự vốn đến hết năm 2021. Trong thời gian qua, 90% doanh nghiệp đã thực hiện cắt giảm nhân sự; 61.6% giảm quy mô hoạt động; 37,5% doanh nghiệp thay đổi phương thức kinh doanh; 92% doanh nghiệp tiếp tục thắt lưng buộc bụng…
Thay đổi để thích nghi
Theo thống kê, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải… là những ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Tuy nhiên, qua chia sẻ của nhiều doanh nghiệp cho thấy, khác với những lần trước, đợt dịch mới này không khiến doanh nghiệp bất ổn tâm lý mà họ nhận thức được rõ hơn bộ máy vận hành, phương pháp kinh doanh dịch vụ đang dần già nua, khiến cho những giải pháp tối ưu quy trình kinh doanh, điều hành, kế toán và quản lý trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Vì vậy, nhiều công ty đã xây dựng tour ảo hay tour tương tác nhằm mô phỏng địa điểm du lịch thông qua các hình ảnh, video, yếu tố đa phương tiện khác như hiệu ứng âm thanh, âm nhạc hoặc các bản tường thuật, giới thiệu, văn bản. Điều này giúp kích thích du khách đăng ký tour nhiều hơn.
Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp lữ hành cũng nhanh chóng chuyển hướng để thích nghi trong điều kiện mới; lên kế hoạch chuẩn bị sản phẩm, chương trình tour tuyến, chờ đến khi tình hình dịch được kiểm soát.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị Lux Group, dịch bệnh rồi cũng sẽ qua đi nhưng khả năng phục hồi của các doanh nghiệp khiến những người trong ngành băn khoăn. Bởi ngành đã chảy máu chất xám, cạn kiệt vốn và phải ít nhất 4-5 năm nữa, thị trường quốc tế mới có thể phục hồi như năm 2019. Nếu không có chính sách phù hợp cho cả thị trường nội địa và quốc tế, chắc chắn du lịch Việt Nam sẽ bị tụt hậu so với các nước trong khu vực.