Gìn giữ không gian làng
Giờ đây, ngoại thành Hà Nội đã mở rộng hơn thời điểm năm 2008 rất nhiều, do sáp nhập tỉnh Hà Tây. Cái được của thành phố khi mở rộng là phát triển kinh tế, đời sống người dân được nâng lên. Song có những cái mất đi một cách âm thầm là văn hóa làng...
Cần lắm những không gian xanh
Ở làng, chùa, đình, miếu... là những thiết chaế văn hóa quen thuộc, quan trọng đối với người dân và ở nhiều nơi, công tác bảo tồn khá tốt. Nhưng cũng chẳng ít nơi di tích bị lấn chiếm, xuống cấp mà không được trùng tu. Hiện nay, người dân, không chỉ ở trung tâm Hà Nội mà vùng ngoại thành cũng đang chịu áp lực từ quá trình đô thị hóa, tăng dân số. Theo thời gian, các thực thể văn hóa, những nét đẹp làng quê như cổ thụ, cổng làng, giếng làng, tường rào cây duối hoặc ôrô cứ mất dần. Thay vào đó là những công trình bê tông ngột ngạt.
Theo tìm hiểu thực tế tại nhiều ngôi làng ngoại thành, không gian cảnh quan như ao hồ, giếng làng (gồm cả giếng khơi, giếng đào dạng ao), hệ thống cây xanh, thư viện hay ni sinh hoạt văn hóa đã không được quan tâm. Khi không quan tâm gìn giữ, mở rộng thì các không gian ấy sẽ bị chen lấn bởi nhà cửa, quán ăn. Điều đó thật bất lợi cho làng, cảnh quan và cả con người sống ở đó. Khi không gian thiên nhiên bị thu hẹp, cái ngột ngạt, nắng nóng sẽ tăng lên từng ngày.
Yêu quê và văn hóa làng ngoại thành, nên tôi thường tìm về những nơi còn giữ được khá nhiều vẻ đẹp, như làng Cựu (huyện Phú Xuyên), Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), Cự Đà (huyện Thanh Oai), Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm)… vốn đã đi vào thơ, nhạc, họa, nhiếp ảnh và thường xuyên được khách thập phương tới tham quan. Mỗi lần về đó, tôi cảm thấy gần gũi và chậm lại. Như nhiều bạn trẻ tìm về các làng cổ chụp ảnh tâm sự rằng về làng là để tìm lại làng, văn hóa làng, được nói chuyện với những người già râu tóc bạc phơ, ngồi đánh cờ bên hiên nhà cổ, gặp các ông già vẫn chăm bẵm những hàng cây, những chậu cảnh và nhất quyết gìn giữ nếp nhà cổ để lưu lại cho con cháu. Có lần, đến là Cựu (Phú Xuyên) tôi được trò chuyện với ông Nguyễn Văn Giáp, người giữ ngôi nhà kiến trúc Pháp cổ kính. Ông Giáp tâm sự: “Giữ nếp nhà, chúng tôi được nhiều thứ. Đó là giữ được nếp nhà cha ông truyền lại, với không gian quen thuộc từ tấm bé của tôi. Nhiều năm qua các đoàn khách, đoàn nghệ thuật đến thăm, nhiều bạn trẻ rất xinh đẹp đến chụp hình. Nhà tôi phải có giá trị gì đó thì người ta mới đến”!
Tìm hồn làng, tôi thường tận dụng cơ hội về làng Cơ Giáo, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín). Những ngôi nhà thiết kế dạng biệt thự được bố trí trong không gian vườn cây xanh mướt. Những chiếc cổng uốn cây, những con ngõ sạch sẽ nhỏ duyên dáng được điểm trang bởi cây cảnh, sẽ khiến chúng ta nhận thấy đây là không gian đáng sống.
Mau chóng nhập cuộc
Cách đây hơn chục năm, tôi đã viết cho Cơ Giáo cuốn lược sử về làng và trân quý cách mà người dân gìn giữ không gian làng. Các gia đình đều có thể tự tạo ra không gian trong khuôn viên gia đình, trang trí cổng, làm sạch đường làng, dọn vệ sinh định kỳ. Đó là cách đóng góp chung, theo kiểu… “đẹp từ nhà ra ngõ”. Nhiều gia đình có khiên viên đẹp, cổng đẹp thì toàn bộ các con đường, ngõ đều đẹp. Anh Nguyễn Văn Giang, một trong những người làm nên thương hiệu cây cảnh Cơ Giáo, cho biết: “Không gian làng quê đáng sống là điều chúng ta có thể làm được. Mỗi người dân đều có thể làm và cùng chung tay vì môi trường ấy”.
Hay tại huyện Chương Mỹ, xã Trường Yên còn giữ được 20 nếp nhà cổ và nhiều giếng cổ. Giếng cổ là không gian sinh hoạt của người dân. Người ta vẫn ra giếng lấy nước, giặc giũ, trò chuyện, hóng mát. Từ không gian vật chất trở thành không gian tinh thần. Khi đó người dân có điều kiện gặp gỡ, chia sẻ về công việc, cách giáo dục con cháu, làm cuộc sống tốt đẹp hơn. Ở làng Yên Trường, xã Trường Yên có một trong những tấm gương làm “xanh” làng là ông Trịnh Nhân Kỳ, với công trình cổng và hàng rào được đan bện bằng cây ô-rô. Từ năm 1992 ông Kỳ bắt tay vào công việc. Gia đình ông vẫn giữ được nếp nhà cổ, trong khuôn viên sân gạch ông kê nhiều chậu cây cảnh. Trước nhà cổ là ao làng lớn, ông nghĩ làm một chiếc cổng hình cổng chùa hướng ra đó sẽ tạo ấn tượng. Trong mấy năm đó ông Kỳ cũng thấy lác đác ở các làng quê, có hộ trồng ô-rô nhưng họ làm không đẹp. “Đây là loài khó sống nên phải chăm sóc rất khéo thì mới sống và lên đều nhánh. Trải qua nhiều năm trời trồng tỉa, cuối cùng tôi cũng có một hệ thống hàng rào tạm ưng ý. Và để thực hiện ý tưởng làm chiếc cổng mô phỏng cổng chùa, tôi tích cực nuôi, uốn cây và tác động tích cực bằng chất hữu cơ để chúng có thể mọc dài theo đúng ý. Để người dân hào hứng thì chính quyền cơ sở phải nhập cuộc, có những kế hoạch cụ thể bởi họ là những người có khả năng kết nối”, ông Kỳ nói.
Nhưng không phải ở ngôi làng ngoại thành nào cũng may mắn như thế. Nhiều nơi rất chật chội. Không ít nhà khoa học về làng vùng ngoại thành, họ rất ngạc nhiên khi thấy hệ thống giao thông chằng chịt, manh mún, chật hẹp. Ao hồ, giếng làng cũng bị lấp, chia lô để làm nhà. Họ ngạc nhiên khi chính quyền địa phương tự hào đưa ra những con số về tỷ lệ nhà kiên cố, nhà hai ba tầng tăng dần theo từng năm. Họ sửng sốt khi địa phương nhấn mạnh tính hiện đại, tính đô thị của làng quê, coi đó là minh chứng cho sự phát triển, văn minh.
Một trong những địa phương mà xưa kia là ngoại thành đã trải qua quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, đó là Xuân Đỉnh. Ông Dương Văn Tân, cán bộ văn hóa-xã hội phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) cho biết: “Nhiều không gian như cổng làng, cổng xóm, giếng đã bị lép vế trong dòng chảy cuộc sống. Làng cũng còn rất ít hộ còn giữ được những cây hồn xiêm lâu năm. Xưa nhà cổ và những khuôn vườn nhiều hồng xiêm là không gian sinh hoạt văn hóa độc đáo. Ngày xưa gia đình nào có đám hiếu, đám hỷ thì anh em xúm vào, mỗi người một tay một chân để làm cỗ trong khuôn vườn. Nhưng nay thì người ta ra nhà hàng tổ chức và đi thuê người làm dịch vụ”.
Theo bà Chu Thu Hường, Viện Bảo tồn di tích (Bộ VHTTDL), bảo tồn không gian văn hóa làng không thể theo hướng “mô hình hóa”, “bảo tàng hóa” làm đóng băng một ngôi làng. Nếu các cơ quan chức năng giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, tôi tin người dân làng Cự Đà hay Đường Lâm… sẽ được người dân ủng hộ cao. Còn TS Lê Quỳnh Chi (Khoa Kiến trúc - Quy hoạch, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội), người cùng một nhóm đã và đang thực hiện dự án bảo tồn làng Cựu, xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên), cho hay: “Cố gắng giữ những nếp nhà cổ và mang đến sức sống mới cho ngôi làng là việc nên làm. Chính quyền địa phương đã rất ủng hộ chúng tôi thực hiện dự án bảo tồn và phát triển làng nghề may - du lịch Cựu. Tôi tin không gian làng sẽ được giữ gìn ổn định”.
Trước sự đô thị hóa phát triển ngày càng mạnh mẽ, để viết tiếp những huyền thoại về vùng đất văn hiến trong thời đại mới, người Hà Nội cần nỗ lực bảo tồn, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa. PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm (Viện Nghiên cứu văn hóa), người có nhiều năm nghiên cứu về sự biến đổi làng ven đô, nêu quan điểm: “Trong quá trình đô thị hóa có những thách thức, đánh đổi. Chính quyền và người dân phải nhận rõ những điều đó để có giải pháp hạn chế, ngăn ngừa. Một việc cấp thiết trước mắt, đó là các cơ quan chức năng cần có các phương án bảo tồn. Để từ đó, các ngôi làng phát triển không chỉ với những ngôi nhà cao, khang trang, mà còn có nhiều khoảng xanh, nơi chốn sinh hoạt văn hóa, thể hiện sự gắn kết giữa con người với môi trường sinh thái”.