Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo: Kể chuyện về Bác Hồ bằng sự thấu hiểu và thấu cảm
“Muốn kể về Bác có khả năng thuyết phục mọi người, tôi lòng dặn lòng phải thuyết phục chính mình trước đã, bản thân mình có xúc động, có tin yêu, thì mới có khả năng truyền sự xúc động, tin yêu đó đối với những người khác” - Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo đón tôi tại căn phòng làm việc của ông trên phố Quốc Tử Giám (Hà Nội) – Căn phòng nhỏ nhưng yên tĩnh và ngập tràn những cuốn sách. Trước hành lang hẹp, ông còn khéo léo thu xếp chăm vài chậu cây nho nhỏ…
“Ngày Bác Hồ mất, trong đoàn giáo viên đến dự Lễ tang Bác Hồ, được nghe điếu văn và di chúc của Người, tôi xúc động không cầm được nước mắt. Khao khát được tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Bác, bắt đầu từ đây và cứ thế cháy bỏng cùng năm tháng” - Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo thư thả chia sẻ về cơ duyên dẫn ông trở thành học giả nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo lời Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, với tất cả đam mê, ngưỡng mộ, suốt những năm tháng là thầy giáo dạy văn ở Hà Nội, rồi sang học tập, trau dồi tại nước Nga, hay khi là Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương… ở đâu, ông cũng dành trọn tâm sức, trí tuệ, tình cảm để tìm hiểu về Bác - Người cha già vĩ đại của dân tộc.
Từ chỗ được học hỏi, tiếp cận những tư liệu, hình ảnh, các câu chuyện về tư tưởng, cuộc đời của Bác Hồ, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo càng thêm hiểu, thêm trân trọng và tự hào về Vị lãnh tụ giàu lòng yêu nước, thương dân, luôn nung nấu ý chí đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước, dân tộc. Đặc biệt, càng tìm hiểu, ông càng nhận ra sự sâu sắc, tầm nhìn thấu tiến trình lịch sử cũng những tư tưởng độc đáo, tiến bộ của Bác Hồ.
Bác Hồ thăm hỏi nhân dân xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc (12/2/1956). (Ảnh tư liệu) |
Ghi nhớ lời căn dặn của Bác về việc cần thiết phải “Bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ sau” và mong muốn ngày càng có nhiều người biết đến tầm nhìn cũng như nỗi lòng của Bác, từ những năm 1990 của Thế kỷ trước, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo đã bắt đầu công việc đặc biệt của mình, đó là “Kể chuyện về Bác Hồ”.
Mang những câu chuyện về Bác đến với đồng bào, nhân dân và cán bộ, chiến sĩ trong cả nước và kiều bào nước ngoài. Ở đâu, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo cũng được đón nhận với tình cảm nồng ấm, quý trọng. Nhiều người bất ngờ, ngạc nhiên, thậm chí xúc động chảy nước mắt trước những câu chuyện giản dị và chân thực về Bác qua giọng kể của Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo.
“Tôi có vinh dự được nghe Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo kể chuyện về Bác hai lần. Vẫn là các câu chuyện hướng đến tinh thần học tập và làm theo Bác, nhưng bằng chất giọng truyền cảm, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo dẫn chứng từng việc cụ thể của Bác - Bác nói ra sao? Người hành động như thế nào? Xuyên suốt những câu chuyện, luôn là hình ảnh Bác dành trọn tình thương yêu, sự quan tâm, chăm lo cho dân, cho nước. Lần nào nghe, tôi và các đồng đội cũng bị cuốn hút vô cùng - như mình đang được thấy Bác, chứng kiến Bác làm và có lúc thương Bác muốn khóc....” – anh Lê Đăng Khoa – cán bộ Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau chia sẻ.
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo giới thiệu cuốn sách “Tìm hiểu phương pháp Hồ Chí Minh” - một trong những cuốn sách được ông dày công thực hiện |
Để những câu chuyện về Bác “sống” cùng năm tháng và tiếp tục trở thành những bài học ý nghĩa giá trị đối với đời sống người dân, động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ, định hướng cho sự nghiệp phát triển của đất nước…, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo cho rằng: Quan trọng nhất là phải chân thành, nếu thiếu chân thành có thể mất niềm tin. Chính vì vậy, để truyền đạt sâu sắc những câu chuyện về Bác, mấy chục năm qua, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo đã dày công sưu tầm tài liệu, liên hệ thực tiễn để có được sự minh triết và giản dị trong cách kể chuyện. Mỗi buổi kể chuyện có thể kéo dài từ 1 đến 3 giờ đồng hồ, nhưng để có được những giây phút trò chuyện lắng đọng như vậy, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo đã phải dành gần trọn cuộc đời nghiên cứu và chiêm nghiệm, từ những câu chuyện nhỏ đời thường, đến cả hành trình tìm đường cứu nước gian khổ của Hồ Chủ tịch.
“Mục tiêu cuộc sống của Bác là phục vụ nhân dân, Tổ quốc. Là nhà chính trị lỗi lạc, danh nhân văn hoá Thế giới nhưng Người quan tâm tới mọi tầng lớp trong xã hội. Chính vì vậy, đến với lực lượng quân đội, nông dân, giáo viên, bác sĩ, nhà báo, công nhân hay đồng bào dân tộc thiểu số, cụ già, em nhỏ… Tôi đều có những câu chuyện chân thực và xúc động để chia sẻ cùng mọi người” - Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo bộc bạch. Có lẽ, chính sự chân thành của người kể chuyện cùng tình cảm mênh mông của Bác đã giúp cho những câu chuyện về Bác, dẫu được nhắc lại, vẫn khiến người kể, người nghe xúc động, bồi hồi…
Hơn 40 năm nghiên cứu về cuộc đời sự nghiệp của Bác Hồ và gần 30 năm đi kể chuyện về Bác, bước chân của Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo đã đến với mọi miền đất nước. Đây cũng là cơ hội để ông thấy rõ thực tiễn, hiểu sâu sắc hơn tư tưởng tiến bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, ông càng nhận ra sự cần thiết và ý nghĩa của việc truyền đạt những điều Bác mong muốn để nhân dân lắng nghe, thấu hiểu và học tập Bác.
Ở tuổi 78, sức khoẻ của Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo đang dần yếu đi, ông không còn đi được xa, được nhiều như trước kia… nhưng chưa ngày nào ông ngừng việc đọc, nghiên cứu và viết lách. Kể về học trò của mình - những người đang nối tiếp ông kể lại những câu chuyện xúc động về Bác Hồ - Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo trầm tư: “Tôi vẫn dặn lòng, dặn với các học trò: nghiên cứu về Bác, nói về Bác phải làm sao đạt được hai chuẩn mực. Một là thấu hiểu, hai là thấu cảm. Tức là ngoài hiểu về mặt lý trí, phải hòa vào trong tình yêu, tình thương, nỗi lòng, tâm trạng của Bác. Đừng bao giờ nghĩ Bác là thần thánh, bởi Bác vĩ đại nhưng cũng là một con người bằng xương bằng thịt, có niềm vui, có nỗi khổ như chúng ta. Kể chuyện về Bác để người nghe xúc động và muốn học tập theo Bác – đó là thành công và cũng là hạnh phúc!”.