Monday, Apr 22, 07:04 AM

Họa sĩ Lê Lam: Nét vẽ từ tâm

Từ những năm kháng chiến chống Mỹ, tôi may mắn được nhìn ngắm một bức tranh nổi tiếng của họa sĩ Lê Lam. Ngày ấy tôi đi xem triển lãm tranh tại Câu lạc bộ Thống Nhất ở 79 phố Hàng Trống (Hà Nội). Đó là triển lãm tranh của các họa sĩ ở “tuyến đầu T...

Họa sĩ Lê Lam: Nét vẽ từ tâm
Họa sĩ Lê Lam: Nét vẽ từ tâm
hoa-si-l234-lam-n233t-ve-tu-t226m_1.jpg
Bức tranh “Dừng lại” của họa sĩ Lê Lam.  

Thế rồi đập vào mắt tôi là một bức tranh sơn dầu khổ lớn có hình ảnh một người phụ nữ mặc bộ bà ba đen, quấn khăn rằn trên mái tóc, đứng dang tay trước mũi súng của chiếc xe bọc thép. Người phụ nữ  mảnh mai cứng cỏi đứng dưới một bầu trời đầy mây nhuốm khói bom, chi chít máy bay trực thăng... Cả thân hình mềm mại của chị đang giăng ra để ngăn những chiếc xe tăng, xe bọc thép tiến vào đồng lúa xanh tươi đang trổ bông no ấm. Bức tranh có tên “Dừng lại!” Ấn tượng về bức tranh mang tinh thần đối đầu mạnh mẽ của người dân Nam bộ với đội quân xâm lược Mỹ đã sáng ngời trong tâm hồn tôi cho đến ngày được gặp gỡ tác giả bức tranh - họa sĩ Lê Lam. Khi được biết bức tranh đó có nguyên mẫu là chị Tư Cào ở Long An tôi càng cảm phục họa sĩ đã đi đến tận vùng đất chiến sự nóng bỏng để sáng tạo nên những bức tranh bất hủ.

Họa sĩ Lê Lam tên thật là Vũ Quốc Ái, quê ở xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội. Dòng tộc ông có truyền thống khoa bảng, cụ tổ của dòng tộc là người đỗ đạt cao thời Lê - Trịnh. Nối theo truyền thống gia đình ông vào nghiệp họa sĩ. Năm 1950 ông theo học trường Mỹ thuật kháng chiến ở Việt Bắc.  Khi ra trường họa sĩ Lê Lam làm việc tại một số cơ quan báo chí. Những năm ấy ông đã vẽ nhiều tác phẩm bằng các chất liệu sơn dầu, thuốc nước, khắc kẽm, mực nho...

Năm 1955, trong Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc lần thứ nhất, họa sĩ trẻ Lê Lam đã có 4 tác phẩm được trưng bày và 1 tác phẩm được giải nhì của cuộc triển lãm. Năm 1958 Lê Lam được cử đi học Đại học Mỹ thuật ở Liên Xô. Khi trở về nước ông đã có triển lãm cá nhân đầu tiên với bộ tranh “ Từ tuyến đầu tổ quốc “ (20 bức) và bộ tranh Kiều (12 bức).

Lê Lam đã là người đã có tên trong danh sách đi tu nghiệp ở nước ngoài nhưng niềm khao khát được tham gia chiến đấu vì thống nhất đất nước đã thôi thúc ông xung phong đi tuyến đầu. Cuối năm 1965, ông lên đường vào Nam bộ nhận công tác tại Phòng Mỹ thuật Giải phóng miền Nam Việt Nam. Những năm tháng lặn lội sáng tác khắp các vùng đất miền Nam chẳng những đã khiến tài năng của họa sĩ Lê Lam phát triển rực rỡ mà còn khiến ông có dịp gặp gỡ với các bậc tài danh. Họa sĩ Lê Lam và nhà văn Sơn Tùng đã quen biết nhau từ những năm chiến tranh ác liệt đó.

Năm 1982 tác phẩm “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng ra đời và được công chúng cả nước vô cùng mến mộ. Họa sĩ Lê Lam đã là người sớm cảm nhận giá trị độc đáo của tác phẩm “Búp sen xanh” bởi ông có tình tri kỷ với nhà văn Sơn Tùng từ thời chiến tranh đầy thử thách. Họa sĩ Lê Lam rất khâm phục bậc tài danh Văn Cao với những bức minh họa đen trắng tuyệt tác cho tiểu thuyết “Búp sen xanh”.

Nhưng, họa sĩ Lê Lam người có tài vẽ tranh màu nước lại nảy ra một ý tưởng sáng tác mới. Ông muốn vẽ một cuốn sách tranh màu cho trẻ em từ cuốn “Búp sen xanh”. Ý tưởng rất đẹp của họa sĩ Lê Lam được NXB Kim Đồng ủng hộ và quyết tâm thực hiện.

hoa-si-l234-lam-n233t-ve-tu-t226m_2.jpg
Họa sĩ Lê Lam (1931-2022).  

Năm 1987, 20 năm sau khi vẽ bức tranh nổi tiếng “Dừng lại!”, họa sĩ Lê Lam (ở tuổi 56) bắt tay vào một tác phẩm khác cần nhiều công phu hơn, đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn: Đó là vẽ một cuốn sách tranh màu từ cuốn tiểu thuyết “Búp sen xanh”. Là người từng lăn lộn ở thực địa chiến trường sáng tạo nên những bức tranh đậm sắc đời sống sinh động, họa sĩ Lê Lam có nguyện vọng được đến thăm quê hương Bác Hồ và những địa danh đã xuất hiện trong tác phẩm “Búp sen xanh”.

Khi ấy NXB Kim Đồng đang mong có một cuốn sách chất lượng cao hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1990), bởi vậy ông Nguyễn Thắng Vu - Giám đốc NXB Kim Đồng đã quyết định đầu tư cho họa sĩ Lê Lam và nhà văn Sơn Tùng một chuyến đi đặc biệt. Ngày ấy, tôi là một cán bộ trẻ mới về công tác ở nhà xuất bản được vài năm được cử đi phụ giúp anh Nguyễn Văn Tân - Trưởng phòng biên tập sách Truyền thống, người biên tập chính cuốn “Búp sen xanh” và cũng sẽ là biên tập chính cuốn sách tranh màu sắp ra đời từ cuốn “Búp sen xanh”.

Thuở đó xe đi công tác là chiếc U oát mui bạt, gió miền trung thổi ào ạt suốt đường, nóng hừng hực. Thế mà ai cũng mạnh khỏe vui vẻ. Nhà văn Sơn Tùng là thương binh, một nửa người tay chân cử động khó khăn, họa sĩ Lê Lam, anh Nguyễn Văn Tân, Nguyễn Văn Bính đều là những người cao tuổi. Thế mà tất cả quên hết mệt nhọc chỉ vui với công việc.

Tôi thực sự ngạc nhiên nhận thấy họa sĩ Lê Lam rất khiêm tốn. Ông tự biết mình là người Bắc Bộ nên ông rất chăm chú nghe nhà văn Sơn Tùng giới thiệu những nét riêng độc đáo của Nghệ An và miền Trung. Đứng trên bờ sông Lam, ngắm nhìn những đoàn thuyền buồm, họa sĩ nhận ra thuyền buồm Nghệ An khác với thuyền buồm Hạ Long. Nhà văn Sơn Tùng giới thiệu cho họa sĩ Lê Lam và mọi người cùng biết cánh buồm Nghệ An có hình nhọn như cánh én nên người ta thường gọi là “Buồm cánh én” khác với cánh buồm Hạ Long (Quảng Ninh) có hình xòe rộng như cánh dơi nên được gọi là “Buồm cánh dơi”.

Đi thực tế là như vậy! Họa sĩ cũng như nhà văn rất cần những chi tiết thực, chi tiết sống động sẽ thể hiện vùng đất, nguồn cội gia đình và cả thời đại lịch sử của nhân vật chính. Khi bước chân đến ngôi nhà thời thơ ấu của Bác Hồ ở làng Sen (Kim Liên - Nam Đàn), họa sĩ Lê Lam để ý ngay đến cánh cổng tre. Thật may mắn khi ấy cánh cổng còn nguyên dạng như thời đầu thế kỷ.

Họa sĩ nhìn ngắm cái cổng tre và nói: “Từ cánh cổng này, một cậu bé đã ra đi và trở thành một vĩ nhân! Mình sẽ vẽ cánh cổng này ở bìa sách!” Nhà văn Sơn Tùng gật gù tâm đắc với họa sĩ Lê Lam, tác giả “Búp sen xanh” đã từng viết rằng: “Các bậc thiên tài không có sẵn. Chính truyền thống gia đình quê hương là khởi thủy tạo nên tính cách đầu tiên của mỗi con người và đi vào đời…”

Cứ như vậy họa sĩ và nhà văn cùng hòa hợp cảm xúc và nảy ra những ý tưởng sáng tạo của nghệ thuật tạo hình.

Họa sĩ Lê Lam là người vẽ theo trường phải hội họa hiện thực, lấy hiện thực xã hội và những vấn đề có thực của con người làm đối tượng sáng tác. Hơn thế, ông tìm ra vẻ đẹp của con người trong hiện thực. Người phụ nữ chít khăn mỏ quạ, mặc áo nâu vá vai, mặc váy đụp dưới nét vẽ của họa sĩ Lê Lam sẽ hiện ra vô cùng đẹp đẽ như  bức tranh bà Hoàng Thị Loan thân mẫu Bác Hồ ngồi bế con trai lúc mới sinh còn ẵm ngửa.

Không chỉ tôn vinh vẻ đẹp của con người, họa sĩ Lê Lam còn thể hiện được nội tâm tình cảm và không khí của xã hội trong từng bức tranh. Hình ảnh cậu bé Côn đem gạo cho người ăn mày ở kinh thành Huế trong cảnh sông Hương ảm đạm gợi cho người xem không khí u ám ở đầu thế kỷ XX của nước Việt.

Họa sĩ Lê Lam là người đi thực tế cẩn thận ký họa rất kỹ các nguyên mẫu, đồng thời ông là người đọc tinh tường cảm thụ văn học sâu sắc từng trang của tác phẩm “Búp sen xanh”. Ấy thế mà ông không bị ngợp trong tư liệu. Cuốn tiểu thuyết dài gần 400 trang (khổ 13 x19cm) thuật lại quãng đời từ lúc sinh ra đến khi rời bến Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ đã được họa sĩ Lê Lam thâu tóm lại trong 25 trang tranh thành cuốn sách tranh “Từ làng Sen”.  Họa sĩ đã nắm bắt được từng trang “cộc mốc” trong cuộc hành trình của nhân vật bé Côn, chàng thiếu niên Nguyễn Tất Thành tới anh Ba trên bến Nhà Rồng.

Viết về họa sĩ Lê Lam - người đã cống hiến tài năng hội họa của mình cho sự nghiệp của dân tộc trong hàng chục năm qua, tôi chỉ xin kể về một tác phẩm độc đáo của ông trong rất nhiều tác phẩm khác, đã để lại cho công chúng hôm nay và mai sau.

Tháng 3/2022

l40418-ph40418ng-li40418n
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/hoa-si-le-lam-net-ve-tu-tam-5683921.html Copylink