“Kết bè vượt bão” giúp doanh nghiệp du lịch trụ vững trong đại dịch Covid-19
Sau 3 đợt dịch Covid-19 bùng phát trong nước khiến cho ngành du lịch gần như tê liệt, hàng nghìn doanh nghiệp đóng băng hoạt động, người lao động mất việc làm. Tuy nhiên, trong khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều cách làm mới để duy trì nội lực v
Ông Nguyễn Tiến Đạt- Giám đốc Công ty Du lịch AZA Travel đã có cuộc chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về những khó khăn và cách để ngành du lịch cũng như doanh nghiệp trong ngành này vượt bão trước đại dịch Covid-19.
Đến nay, tác động của dịch Covid-19 đã làm cho các doanh nghiệp dịch vụ du lịch gần như cạn “nội lực”. Theo ông, những chính sách hỗ trợ, “giải cứu” ngành du lịch cũng như doanh nghiệp trong ngành của Chính phủ đã kịp thời?
Có thể nói, sau 3 đợt dịch, ngành du lịch gần như tê liệt, thống kê sơ bộ 90% doanh nghiệp (DN) lữ hành tạm đóng cửa, nhân sự rơi vào tình trạng thất nghiệp, nhiều lao động không thể trụ nổi và chuyển đổi ngành nghề. Thực trạng này thật sự đáng lo ngại, bởi trong tương lai khi du lịch phục hồi, sẽ khó có được nguồn nhân sự chất lượng như trước đây.
Trong quá trình dịch Covid-19 diễn ra, hầu hết DN lữ hành buộc phải cắt giảm chi phí không cần thiết, thu hẹp lại văn phòng, giảm chi phí cố định; linh động trong bố trí nhân sự. Trước khó khăn chung của DN, trong đó có DN trong ngành du lịch, Chính phủ đã sớm có những quyết sách để hỗ trợ. Tuy nhiên, với DN trong ngành du lịch việc được tiếp cận và hưởng các chính sách hỗ trợ là chưa nhiều.
Du lịch Việt Nam cần có chiến lược phát triển đường dài nhằm ứng phó với các biến động |
Thực tế, hiện tác động của dịch gây khó khăn chung toàn bộ nền kinh tế, vì vậy, mỗi DN chúng tôi đều nhận thức rằng, quan trọng nhất là cả xã hội chung tay giữ cho dịch không tái diễn, đây là cơ sở quan trọng để người dân yên tâm đi du lịch. Và chúng tôi hiểu, nguồn lực của nhà nước cũng có hạn, khó có thể hỗ trợ toàn bộ cho DN. Theo đó, các DN đều nâng cao tinh thần vượt khó, tìm cơ hội kinh doanh trong giai đoạn khó khăn, trước hết là để tồn tại sau đó là hướng tới phát triển lâu dài, bền vững.
Tuy vậy, cộng đồng DN trong ngành vẫn mong muốn có những chia sẻ, tiếp sức từ nhà nước, và đang tiếp tục có đề xuất Chính phủ triển khai một số hỗ trợ, như tạo thuận lợi về thủ tục vay vốn, xem xét chính sách trợ cấp tháo gỡ khó khăn cho lao động bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch; tiếp tục gia hạn tiền điện, thuế đất cho DN du lịch; giảm thuế VAT xuống 5% nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, qua đó để giúp DN có nguồn lực để kích cầu thị trường.
Năm 2020, thị trường nội địa là đòn bẩy cho phát triển du lịch, trong đó các chương kích cầu du lịch nội địa đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Vậy, có cách làm sáng tạo nào ông đánh giá cao?
Khi xác định thị trường nội địa là điểm tựa chính, thì ngay trong cái khó buộc phải ló cái khôn, nhiều DN đã sớm thay đổi phương thức kinh doanh; nhanh nhạy nghiên cứu xu hướng của thị trường, nhu cầu của người Việt theo tình hình mới, như trước đây du khách có xu hướng đi tour trọn gói, dài ngày giờ chủ yếu chọn tour tự do, ngắn ngày. Đồng thời, để kích cầu, DN không ngừng liên kết các đơn vị cung ứng hàng không, khách sạn, du thuyền để có giá hợp lý nhất cho du khách, tăng cường chuyển đổi số trong marketing, quảng bá sản phẩm để tạo sức hấp dẫn với du khách.
Ngoài ra, qua 3 đợt dịch, lĩnh vực du lịch cũng đã xuất hiện một số cách làm mới thích ứng với bối cảnh, thể hiện tinh thần vượt khó của DN và được thị trường đón nhận, đánh giá cao. Như một số DN đã tổ chức tour đi Quảng Bình bằng tàu hỏa, làm mới các điểm đến phổ thông như tổ chức tour tham quan di tích Hỏa Lò, Hoàng Thành Thăng Long vào buổi đêm. Riêng AZA Travel chúng tôi cũng đã tổ chức tour đi tìm kho báu tại làng cổ Đường Lâm, nhằm biến một điểm đến cũ thành một điểm đến mới lạ, hấp dẫn thông qua việc tổ chức các trò chơi dân gian cho du khách có thể khám phá làng cổ một cách thú vị nhất.
Ông Nguyễn Tiến Đạt- Giám đốc Công ty Du lịch AZA Travel |
Tuy nhiên, ngoài những nỗ lực của DN để chống chọi với khó khăn, vẫn có những rào cản trong quá trình hợp tác giữa DN và các điểm đến, địa phương. Như, ở các địa phương họ đưa ra chương trình kích cầu tương đối ngắn, không đủ để DN thiết kế sản phẩm, quảng bá và bán ra thị trường. Mặt khác, một số DN dịch vụ địa phương khi thấp điểm đều đưa ra chương trình kích cầu, tuy nhiên khi hết dịch lại tăng giá, phá bỏ các cam kết với lữ hành. Một số khách sạn, khu vui chơi giải trí do bị thiếu chi phí, nhân sựnên chất lượng không được đảm bảo, ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách.
Một số bất cập đó cho thấy vấn đề liên minh, liên kết giữa các doanh nghiệp, địa phương, cơ quan quản lý cần phải được cải thiện, bởi đây là yếu tố quan trọng để ngành du lịch phát triển bền vững. Xin ông cho biết thêm một số định hướng về vấn đề này?
Chúng ta thường hay nói “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”, phải nhận thấy rằng, tính liên minh, liên kết của ngành du lịch là điểm nghẽn chưa thể tháo gỡ. Thực tế cho thấy, khi thị trường tốt thì mạnh ai nấy làm, tuy nhiên khi dịch Covid-19 xảy ra mới thấy rõ tinh thần "kết bè vượt bão" mới thật sự ý nghĩa, quan trọng. Theo đó, DN, địa phương, cơ quan quản lý cần có những hoạt động chung, đưa ra các hình thức liên minh, liên kết hỗ trợ xây dựng sản phẩm, khai thác thị trường; cung cấp dịch vụ theo chuỗi cung ứng, hàng không, lữ hành, khách sạn, điểm đến.
Trong bối cảnh khó khăn chung của du lịch toàn cầu, du lịch Việt Nam hiện được đánh giá là điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới, là điểm đến đáng mơ ước của nhiều du khách. Với lợi thế này, chúng ta cần sớm cải thiện tính liên kết trong ngành để tạo dựng được những sản phẩm chất lượng để khi mở cửa thị trường khách quốc tế sẽ tăng được tính cạnh tranh, để du khách hài lòng khi trải nghiệm.
Bên cạnh đó, ngành du lịch cần chuẩn bị công tác marketing về điểm đến hấp dẫn, an toàn; thúc đẩy truyền thông số, truyền tải hình ảnh chân thực, có những hoạt động du lịch hấp dẫn tới bạn bè quốc tế. Ngoài Việt Nam, hiện có nhiều quốc gia về cường quốc về du lịch, như Thái Lan, Singapore đang có bước truyền thông quảng bá, đưa ra cách thức để thu hút du khách, Việt Nam cũng không nên chậm trễ. Đặc biệt, nhanh chóng tái cấu trúc lại thị trường, quan tâm thị trường mang lại doanh thu cao, tránh phụ thuộc vào thị trường cụ thể, nhằm tạo sự ổn định cho toàn ngành.
Tour tham quan Hoàng Thành Thăng Long - một sản phẩm mới được nghiên cứu, xây dựng trong đại dịch nhằm kích cầu thị trường của DN lữ hành |
“Hộ chiếu vaccine” đang được nhiều quốc gia xem như giải pháp quan trọng để mở biên, từng bước bình thường hóa, phục hồi hoạt động du lịch quốc tế trong kỷ nguyên Covid-19. Quan điểm của ông về giải pháp mở cửa thị trường này?
Về hộ chiếu vắc-xin Covid-19, tôi nghĩ đây là ý tưởng hay, giúp người có giấy chứng nhận tiêm vắc-xin Covid-19 được tạo thuận lợi trong việc đi lại. Tuy nhiên để áp dụng hộ chiếu vắc-xin Covid-19 vào thực tế cần có tổ chức tầm quốc tế như WTO để họ nghiên cứu về mặt khoa học, loại trừ các rủi ro. Đối với Việt Nam để triển khai áp dụng hộ chiếu vắc-xin Covid-19 trước mắt theo tôi là hết sức khó khăn.
Theo dự báo của các chuyên gia, để Việt Nam các quốc gia tiêm phòng vắc-xin Covid-19 cho người dân phải mất một thời gian dài. Trước tình hình đó, chúng ta có thể nghiên cứu tạo hành lang bong bóng du lịch, chọn quốc gia có kiểm soát dịch tốt, không có ca lây nhiễm trong cộng đồng để cho công dân nước đó quay lại du lịch ở điểm đến được lựa chọn và có khả năng kiểm soát được. Trên cơ sở đó tiếp tục mở rộng thêm.
Nếu theo chiều hướng tốt, hy vọng cuối năm 2021 chúng ta sẽ có du khách du lịch quốc tế đầu tiên, đến sang năm 2022-2023 khi dịch Covid-19 được kiểm soát trên thế giới, không còn là dịch bệnh quá nguy hiểm thì chúng ta sẽ khôi phục lại hoạt động du lịch quốc tế.
Xin cảm ơn ông!