Wednesday, Mar 22, 05:03 PM

Làn gió mới cho nhạc kịch

Mặc dù xuất hiện ở Việt Nam từ khá lâu, nhưng nhạc kịch vẫn còn khá xa lạ với khán giả trong nước hoặc được biết đến với các tác phẩm của nước ngoài. Việc thời gian qua một số nhà hát mạnh dạn dàn dựng các vở nhạc kịch “thuần Việt” đang tạo nên là...

Làn gió mới cho nhạc kịch
Làn gió mới cho nhạc kịch
l224n-gi243-moi-cho-nhac-kich_1.jpg
Các diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ tập luyện.  

Đặt hy vọng vào “Sóng”

Sau một thời gian “đóng băng” bởi Covid-19, Nhà hát Tuổi trẻ vừa chính thức cho ra mắt vở nhạc kịch “Sóng”. “Sóng” được lấy cảm hứng từ cuộc đời thi sĩ Xuân Quỳnh và được ê kíp ấp ủ tạo nên một vở nhạc kịch hoàn toàn “vì cộng đồng”, lấy khán giả làm trung tâm. Đây là vở diễn nhạc kịch thuần Việt bởi ê kíp sáng tạo 100% là người Việt, cốt truyện đậm chất Việt. Kèm với đó, quy trình ra một vở nhạc kịch cũng được ê kíp tổ chức chuyên nghiệp ngay từ khâu casting diễn viên, đào tạo bài bản từ thanh nhạc, vũ đạo. Tất cả các công đoạn của vở diễn, từ tìm diễn viên, sáng tạo câu chuyện cho đến phát triển lời thoại, giai điệu, dàn dựng vũ đạo… đều được “đo ni đóng giày” sao cho gần gũi nhất với khán giả đương thời.

Đạo diễn Nguyễn Triều Dương chia sẻ “điều tôi đang đau đáu là sẽ làm “Sóng” trở thành vở nhạc kịch theo định nghĩa tôi biết, đảm bảo đưa tới khán giả câu chuyện chân thành nhất dựa trên một câu chuyện có thật. Nếu có con đường định hình trước thì đi dễ dàng hơn nhưng nếu chưa có sẵn khung thì vẫn có điểm thú vị là chúng ta có thể sáng tạo, hoán đổi các yếu tố để có sản phẩm tối ưu nhất”.

Cũng theo đạo diễn, nhạc kịch đang là làn sóng rất mới ở Việt Nam. Có nhiều nhóm tự phát, đang tự học và xây dựng. Có những đơn vị hoạt động hết công sức về nhạc kịch. Chúng ta cùng đang tạo tiền đề, nền móng để nhạc kịch phát triển ở Việt Nam. Thực tế với khán giả Việt Nam khó tính và điều đó rất hay. Chính đây là động lực để những người thực hiện phải tìm tòi, có cái mới để thu hút khán giả, mới cả trong dàn dựng, bối cảnh và cách diễn. “Tôi kỳ vọng “Sóng” thành công, là món ăn hoàn toàn mới, hấp dẫn khán giả”.

l224n-gi243-moi-cho-nhac-kich_2.jpg
Tấn Đạt (vai Từ Thức) và Thanh Nguyên (vai Giáng Hương) trong nhạc kịch “Chuyện tình nàng Giáng Hương”. Ảnh: Quang Định.  

Có thể nói, trong bối cảnh sân khấu Việt đang dần “sáng đèn” trở lại việc ra mặt vở nhạc kịch “Sóng” đang kỳ vọng sẽ tạo ra một “món ăn” vừa lạ, vừa mới cho công chúng yêu sân khấu. Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly bày tỏ, “ngay khi xem trích đoạn của vở nhạc kịch, tôi nghĩ ngay đến việc phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới. Chuyện làm một vở nhạc kịch “thuần Việt” vô cùng khó, vì chính tôi khi công tác tại Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cũng suy nghĩ rất nhiều: Rằng có làm được “thuần Việt” hay không, hay là làm lại mô hình tác phẩm lớn trên thế giới? Để hội tụ được suy nghĩ, góc nhìn của kịch nghệ, thơ ca, tư tưởng thuần Việt đòi hỏi cả ê kíp phải có sự sáng tạo đồng bộ.

Có thể nói đây là sự cố gắng lớn, là những bước đi đầu tiên của Nhà hát Tuổi trẻ đi vào mô hình nhạc kịch thuần Việt. Ở đây cũng là câu chuyện của sự bài bản khi phải có sự đồng bộ từ đào tạo dàn diễn viên. Vở diễn đã quy tụ được rất nhiều bạn trẻ tham gia và họ đã phải trải qua 9 tháng từ tập luyện, biểu diễn vô cùng khó khăn.

“Tôi phải gọi là công trình “Sóng” là bước đầu tiên để phát triển nhạc kịch “thuần Việt” trong tương lai” - bà Ly Ly bày tỏ.

l224n-gi243-moi-cho-nhac-kich_3.jpeg
Đóng chính trong vở nhạc kịch “Sóng” là diễn viên trẻ Thu Thảo và ca sĩ Lê Việt Anh. Ảnh: NHTT.  

Thương hiệu Việt cho nhạc kịch?

Thực tế cho thấy, việc ra đời các tác phẩm nhạc kịch thuần Việt đang đang là những “bước đi” khá tạo bạo nhằm tạo ra những phân khúc sáng tạo, đặc biệt là hướng tới đối tượng khán giả trẻ của các nhà hát thời gian. Ở Việt Nam, chúng ta đã có những vở nhạc kịnh có thể nói là kinh điển như “Cô Sao”, “Người tạc tượng” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Mới đây, Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh đã cho ra mắt vở “Dế mèn phiêu lưu ký”; sân khấu Idecaf với “Tiên nga”; nhóm Buffalo với loạt nhạc kịch “Chuyện tình nàng Giáng Hương”; Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long với vở “Hà Nội ngày tháng năm: Những thanh xuân rực rỡ” và “Hà Nội xưa và nay”; “Trại hoa vàng” của Nhà hát Tuổi trẻ...

Theo nhiều nghệ sĩ nhận định, nhạc kịch là hướng đi của sân khấu trong tương lai gần. Minh chứng rõ nhất về sự yêu thích của khán giả dành cho nhạc kịch khi có rất nhiều vở diễn thời gian qua đã “cháy vé”. Bởi nhìn một cách tổng thể nhạc kịch không quá cao cấp và kén người thưởng thức như opera. Loại hình nghệ thuật này hoàn toàn có thể ăn khách tại Việt Nam bởi có tính giải trí. Do đó, nếu tạo được sức hút và hưởng ứng nhiệt tình của khán giả thì loại hình nghệ thuật này có thể phát triển và “sống khỏe” tại Việt Nam.

Tuy nhiên, để những vở nhạc kịch mang thương hiệu Việt thực sự trở thành một thể loại có phong cách riêng, có những thành tựu bền vững, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của công chúng thì vẫn còn nhiều điều phải bàn. Thực tế, để dàn dựng một vở nhạc kịch đòi hỏi rất cao ở kỹ năng diễn viên, biên kịch, nhạc sĩ, biên đạo, đạo diễn, ánh sáng, âm thanh, trong khi điều kiện ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Để đảm nhận vai diễn, diễn viên phải hội tụ đủ ba yếu tố diễn xuất, vũ đạo và hát trực tiếp tốt.

Trong khi đó không phải nhà hát nào cũng có thể quy tụ được các thành viên xuất thân là diễn viên hoặc ca sĩ chuyên nghiệp và cũng không phải ai cũng hội tụ đủ ba yếu tố đó. Bên cạnh đó, ngoài các chất liệu từ văn học có sẵn thì nguồn kịch bản thuần Việt của nhạc kịch là vô cùng khan hiếm…

Hy vọng với những nỗ lực “vượt khó” của từng nhà hát, nhạc kịch Việt sẽ có nhiều cơ hội “cất cánh” không chỉ trong nước mà còn vươn tầm quốc tế trong thời gian tới.

minh-qu39105n
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/lan-gio-moi-cho-nhac-kich-5681366.html Copylink