Lê Lựu: Nghề văn, nghiệp báo
Trong một ngày mưa tháng 6, dù bộn bề công việc, vợ chồng tôi đã thu xếp về thăm nhà văn Lê Lựu khi ông được con gái mới đưa từ Trung tâm Văn hóa doanh nhân (319 Tam Trinh, Hà Nội) về quê ở xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Dù biết ông...
Với cánh văn chương báo chí, Lê Lựu vừa là tác giả vừa là nhân vật xuyên suốt mấy chục năm nay. Tôi đã đọc hàng ngàn trang ông viết và cũng đã viết trên trăm trang về ông.
Tôi may mắn được ông đọc những trang bản thảo đầu tiên của mình năm 1995. Lê Lựu phán ngay: “Hỏng! Cậu viết có văn mà không có chuyện. Đi ra biển chơi để tớ còn làm việc”.
Tôi lủi thủi đi ra nhưng không đến mức liều mình nhảy xuống biển. Rồi cái truyện Lê Lựu phán hỏng ấy lại được in trên Văn nghệ quân đội với cái tên “Nhánh sim rừng” mà đoạn kết trên hai mươi dòng hoàn toàn là của Lê Lựu. Lê Lựu thi thoảng về nhà tôi ở Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên chơi, rượu thịt chó với cánh lính chiến Trường Sơn, còn tôi đã đứt đoạn đi làm truyền hình năm thì mười họa mới xuất hiện truyện ngắn nhẹ hều đương nhiên Lê Lựu hoàn toàn không nhắc tới.
Văn chương thì Lê Lựu mặc kệ tôi, nhưng làm báo chí thì ông lại dạy nghề rất cẩn thận. Lê Lựu bảo: “Báo nuôi sống người. Cậu đã có vợ con, được làm truyền hình thì phải nuôi vợ con trước. Văn chương rồi sau hẵng tính. Tớ ngày trước khởi điểm làm báo bằng mẩu tin Trung đội diệt ruồi mà sống nhăn đến tận bây giờ”.
Bởi vậy, trong bài viết này, tôi xin kể vài câu chuyện Lê Lựu làm báo.
Ai cũng biết, Lê Lựu từng làm báo ở Quân khu 3 sau năm 1959 với nhiều phóng sự nóng hổi về bộ đội. Lê Lựu khi đó còn nổi tiếng hơn Tổng Biên tập Mai Vui và đã bắt đầu có những truyện ngắn đầu tiên in trên Văn nghệ quân đội như “Tết làng Mụa” và nổi tiếng với “Người về đồng cói”. Song ít ai biết, người rèn nghề báo Lê Lựu chính là nhà văn Từ Bích Hoàng. Vốn mê văn hơn báo, Lê Lựu viết một truyện có tên “Tôi định trốn” gửi về tòa soạn.
Truyện dây cà dây muống chẳng đâu vào đâu nhưng may thay được đích thân nhà văn Từ Bích Hoàng, khi đó là Phó Tổng Biên tập Văn nghệ quân đội đọc kỹ và đã viết một lá thư dài phân tích bảy điều chưa được của “Tôi định trốn”. Ông còn khuyên Lê Lựu hãy làm báo cho vừa sức. Thư có đoạn: “Trước mắt, đồng chí tìm đọc cuốn “Kinh nghiệm viết tin” của thông tin viên báo Quân đội nhân dân. Trong đó, người ta hướng dẫn cụ thể sáu yếu tố của một cái tin. Cứ theo hướng dẫn sẽ viết được tin cho đơn vị. Chúc đồng chí viết được tin”.
Thế là Lê Lựu theo lời thầy viết tin, viết bài cho báo Quân khu. Thừa thắng xông lên viết cho báo Quân đội nhân dân và Đài Phát thanh Quân đội. Nhờ thế mà hạ sĩ Lê Lựu được về báo Quân khu 3, được đi dự Đại hội Đoàn toàn quân năm 1961. Kể từ đó, Lê Lựu viết cật lực cả báo cả văn. Sau này, khi trở về mái nhà văn chương số 4, mấy lần nhà văn Từ Bích Hoàng, khi đó đã lên Tổng Biên tập cứ nhắc mãi với Lê Lựu: “Chết! Chết! Sao tớ lại bảo cậu dừng viết văn để học viết tin được nhỉ? Chuyện đó có thực không?”
Lê Lựu là tay cự phách với nhiều thể loại báo chí: phóng sự; ký sự; bút ký... rất sống động và có một giọng văn riêng. Những ngày ông viết “Người cầm súng” (tập truyện ngắn, 1970); “Phía mặt trời” (tập truyện ngắn, 1972); “Mở rừng” (tiểu thuyết, 1976)... là những ngày đi thực tế tại các trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn ác liệt. Ông đã viết nhiều bài báo và được Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên hết sức khen ngợi.
Đã nhiều lần, vị Tư lệnh “cấm” ông và nhà thơ Phạm Tiến Duật xuống các trọng điểm đang bị bắn phá. Nhưng với bản tính con nhà báo, Lê Lựu vẫn nhiều lần trốn xuống với bộ đội, thanh niên xung phong. Nhiều bài viết nóng hổi khét lẹt mùi đạn bom đã tới tay bạn đọc. Cũng bởi vậy, tiểu thuyết “Mở rừng” mới ăm ắp tư liệu chiến trường mà nhiều khúc đã được Lê Lựu chuyển vào các bài báo từ trước đó.
Lê Lựu mê làm báo đến mức, ông luôn đọc thuộc các bài báo, thậm chí là truyện ngắn, tiểu thuyết của mình với những dãy số trong vô vàn sự kiện. Đừng có thi đọc thuộc báo hoặc tiểu thuyết với Lê Lựu bởi sẽ cầm chắc thua cuộc. Chính bởi vậy, chỉ có Lê Lựu mới dễ dàng thực hiện được việc xuất bản báo bằng miệng và sau này thu vào băng cát sét để bán. Chuyện có thật mà như bịa này chắc còn nhiều người biết.
Đó là cuộc đi Mỹ năm 1988 của ông. Khi đó, tới được nước Mỹ đã là chuyện không thể tin nổi. Lê Lựu từng phải nằm ở Bangkok ba tuần để chờ thủ tục Visa. Mãi rồi cũng tới được nước Mỹ. Không khí từ phía người bại trận là rất nặng nề. Thế mà, nhà văn chiến binh Lê Lựu đã bằng kế sách “xuất bản báo miệng” mà thu hút, hấp dẫn và thu phục được hàng nghìn, hàng vạn đối tượng đến nghe. Mỗi bài nói của Lê Lựu ở nơi ông đến đều là những bài báo sắc sảo đã được chuẩn bị kỹ lưỡng trong đầu óc. Ông nói say sưa từ con số đến con người, từ tinh thần đến vật chất.
Ông đúng là một Hemingway ở chiến trường. Cái chất thông tấn của một người làm báo từ tấm bé đã cứu Lê Lựu khỏi những bàn thua trông thấy. Càng kỳ lạ hơn, ông đã liên tiếp ghi những bàn thắng thần thánh vào lưới đối phương. Các cuộc “xuất bản báo miệng” của Lê Lựu người nghe kéo đến đông nghịt. Vốn là một đất nước thực dụng, người ta bèn nghĩ ngay ra việc in thành băng đĩa để bán cho những người không kịp tới nghe. Hàng vạn băng cát sét được tung ra lập tức hết nhẵn. Lại tái bản. Lại hết sạch. Đến nỗi Lê Lựu chưa kịp về nước thì những băng cát sét ghi các cuộc nói chuyện của ông đã về nước rồi. Người trong nước còn khao khát hơn nhiều. Lại sao chép và bán cho người nghe vô hồi kỳ trận.
Công cuộc xuất bản báo miệng của Lê Lựu bây giờ đã trở thành huyền thoại mà những hậu sinh sau ông không thể học tập theo được.
Đây lại nói về Lê Lựu làm báo ở Văn nghệ quân đội.
Với máu báo chí sẵn có của các nhà văn quân đội từng làm báo ở chiến trường, cuối những năm 90, Văn nghệ quân đội được cấp trên đồng ý cho ra tờ Phụ san khổ rộng 16 trang rất hoành tráng. Mới đầu, mọi người tưởng ngon ăn, ai cũng hào hứng. Song cánh nhà văn làm báo là chúa tùy tiện. Lúc thì thừa truyện, thừa thơ, thừa bài hỉ hả nhàn nhã. Nhưng đã ở dạng báo phải khác tạp chí, phải có nhiều chuyên mục và nhất là phải cập nhật đời sống của bộ đội, của nhân dân, những sôi động của xã hội mang tính thời sự. May sao khi đó, mọi người nhớ đến Lê Lựu từng nhiều năm làm báo Quân khu cùng các nhà văn từng làm báo khác đã xúm tay đẩy tờ báo lên cao vót một cách thần kỳ.
Tờ Phụ san Văn nghệ quân đội “tia ra” hàng vạn bản, đôi lúc cùng nổi trội hơn “thân sinh” của nó khiến ai nấy rất vui mừng. Vui nhất có lẽ là Lê Lựu bởi ông được giao quán xuyến mọi việc, từ cái tin nhỏ bằng bao diêm tới những bút ký, ghi chép, phóng sự nóng bỏng thời cuộc đều có đóng góp của ông. Có những đợt báo ra cấp tập, Lê Lựu rời nhà tới ở hẳn cơ quan. Nhiều người đã đồ rằng, trong khoảng thời gian này, chính là Lê Lựu đã rèn nghề cho nhà thơ Trần Đăng Khoa cách thức làm báo. Chuyện này hư thực ra sao có khi phải hỏi lại chính Lê Lựu.
Câu chuyện làm báo của nhà văn Lê Lựu đã thêm bước ngoặt mới khi ông gây dựng, phát triển Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam. Cuộc này Lê Lựu kiêm luôn chức Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Doanh nhân Việt Nam và các số tạp chí liên tục ra đời rất hoành tráng. Các bài viết, phỏng vấn tướng lĩnh, các bộ trưởng, lãnh đạo các ngành nghề, bí thư, chủ tịch các tỉnh thành mà phần nhiều được đích thân Lê Lựu thực hiện cùng các thư ký đã cho thấy tài năng làm báo của ông. Càng tài ở chỗ, Lê Lựu thường chuẩn bị sẵn đề cương ở trong đầu rồi cứ thế đọc xong câu nào thành văn câu đó.
Có những lúc phải trích dẫn Nghị định, Thông tư… Lê Lựu đều thuộc như cháo chảy càng là chuyện lạ đời. Hàng chục số tạp chí Văn hóa Doanh nhân Việt Nam đã trở thành nét đặc sắc trong làng báo suốt thời gian Lê Lựu làm Tổng Biên tập. Âu cũng là một cách đóng góp của Lê Lựu với làng báo, cũng là vẻ đẹp riêng của nhà văn.
Tôi ngồi mãi bên ông, nhà văn Lê Lựu giờ nằm thiêm thiếp, đôi mắt nhắm nghiền, hơi thở khe khẽ như đã từ lâu bỏ mặc xung quanh. Trong buổi trưa ngồi cùng chị Lương - con gái nhà văn, tôi nói rằng Lê Lựu là một người hạnh phúc.
Xưa nay, nhiều người cho rằng ông quá lam lũ, cơ cực, đắng cay, khúc khuỷu trên suốt chặng đường đời có lẽ còn chưa thấu đáo chăng? Lê Lựu từ bé đã được độc lập làm người lính, độc lập làm báo, làm văn, độc lập mở mang sự nghiệp, lại còn được bao nhiêu người xúm vào nghe ông nói, các thế hệ đua nhau đọc tác phẩm của ông, các lãnh đạo lắng nghe và tạo điều kiện vật chất, tinh thần cho ông... Tóm lại là muốn sao được vậy thì cơ cực nỗi gì? Lê Lựu đích thực là một người hạnh phúc!
Và Lê Lựu vẫn nằm kia, im lặng. Những gì cần nói ông đã nói hết bằng tác phẩm. Với ông, báo chí hay văn chương đều thăm thẳm nỗi người.