Làm báo về văn hóa văn nghệ: Viết hay không khó!
Không tính số ít báo chuyên ngành chưa chắc gây chú ý, thì nội dung văn hóa văn nghệ, thú vị thay, cũng xuất hiện trong hầu hết các tờ báo khác nhau, nhất là báo điện tử , và thu hút lượng lớn người đọc. Nhưng chính sự rộng mở và dễ dàng dung chứa bài vở mà văn hóa, tiếc thay, lại bộc lộ không ít vụng về, thậm chí tạp nham, ít gây suy ngẫm trong bối cảnh báo chí truyền thông đang rất cần những góc nhìn đa dạng, sâu sắc.
Không tính số ít báo chuyên ngành chưa chắc gây chú ý, thì nội dung văn hóa văn nghệ, thú vị thay, cũng xuất hiện trong hầu hết các tờ báo khác nhau, nhất là báo điện tử, và thu hút lượng lớn người đọc. Nhưng chính sự rộng mở và dễ dàng dung chứa bài vở mà văn hóa, tiếc thay, lại bộc lộ không ít vụng về, thậm chí tạp nham, ít gây suy ngẫm trong bối cảnh báo chí truyền thông đang rất cần những góc nhìn đa dạng, sâu sắc.
Nhiều tin tức, ít phân tích và nhận định
Như một mặc định lâu dài, so với các nội dung về chính trị, kinh tế-xã hội thì nội dung văn hóa văn nghệ vẫn thường bị coi là “kép phụ” trên khuôn khổ tờ báo. Bởi thế, có tờ gộp chung “văn hóa và giải trí” làm một, lại có tờ nghiễm nhiên coi giải trí và loanh quanh đâu đó trong thế giới showbiz, âm nhạc, điện ảnh, văn chương là văn hóa…
Mở một vài trang báo điện tử lớn, độc giả có thể bắt gặp muôn hình vạn trạng sự kiện, nhân vật, vấn đề được xếp vào nội dung văn hóa mà mức độ tinh lọc của chúng không thật rõ ràng. Đã đành, mọi sự trong đời sống đều là khía cạnh của văn hóa, nhưng, ngôi sao nào mang bầu, người đẹp nào diện váy xẻ ngực, minh tinh nào quyết tâm giữ bụng không mỡ, hay hotgirl nào vừa lộ clip... cũng đều có thể chiếm tin chính văn hóa? Hay, ở mức độ kịch tính hơn, những cuộc ly hôn của giới siêu giàu, những màn “khóa môi” và “hôn hụt” trên màn ảnh, những mỹ nhân sinh con ở tuổi ngũ tuần... liệu có đáng đặt vào tầm mắt của phóng viên văn hóa?
Thoạt tiên, những tin mới, tin “nóng” tràn lên mặt báo khiến độc giả cảm thấy đang có một đời sống văn hóa sôi động, phong phú. Nhưng thật ra, nếu quy gọn các tin bài này thì bản chất sự chú mục vẫn hướng về giới ngôi sao, hóng theo scandal và không ngần ngại gia giảm ngôn từ để hút độc giả. Tôi dám chắc những tin tức ấy sẽ không có tác động tích cực đối với hiểu biết của công chúng, trái lại, nó khiến báo giới mỏi mệt chạy đua tin tức và người đọc thì quá quen với một khẩu vị nhàn nhạt.
Trong khi quá nhiều tin tức thì những bài viết về văn hóa văn nghệ lại thường ít phân tích, bình luận. Nhiều bài báo cùng hào hứng đưa tin, cập nhật con số doanh thu phòng vé kỷ lục của một bộ phim Việt, con số lượt xem MV của ca sĩ, con số giá bán của một bức tranh... song rất ít bài đưa ra được phân tích, đánh giá và cắt nghĩa vì sao lại có hiện tượng đó. Nhiều bài báo cùng tỏ ngạc nhiên trước những biến tướng trong hoạt động livestream, từ thiện, quảng cáo... nhưng rút cuộc, phần đông dừng lại ở thông tin, mà không đẩy xa các phân tích thấu đáo để độc giả cũng vỡ lẽ hơn những gì đã, đang bất cập, tồn tại dai dẳng trong cấu trúc văn hóa, tâm tính người Việt.
Thiếu nhận định, bình luận thì tin tức dễ bị trôi đi, đồng thời, đóng kín nhu cầu muốn lắng nghe, đối thoại và tranh luận từ phía độc giả. Độc giả hoặc tự thấy tin tức nhàm chán, hoặc không còn mặn mà với trang báo xoàng xĩnh. Đấy là lúc họ tìm đến mạng xã hội. Tôi nghĩ, sức mạnh giúp mạng xã hội “cướp diễn đàn” trong nhiều vụ việc văn hóa-giải trí là bởi, chính ở đó, mỗi cá nhân đều cảm thấy “có tiếng nói”, bàn luận và đánh giá.
Quả thật, truyền thông mạng xã hội đang chứng tỏ khả năng đưa tin, cập nhật tin tức hằng ngày hằng giờ. Điều này khiến báo chí phải tính đến một độ lùi thích hợp để gây ấn tượng hơn nhờ khả năng nhìn lại, nghĩ lại các vấn đề, hiện tượng. Văn hóa lại càng cần nhìn lại, nghĩ kỹ thay vì vội vàng cuốn theo dòng sự kiện.
Đọc báo, với tôi, cũng là để xem tờ báo đó có thể kháng cự được bao nhiêu trước nhiều sự việc nhảm nhí, trời ơi đất hỡi vốn dĩ chỉ sớm nở tối tàn trên mạng xã hội. Viết về văn hóa, thành ra, rất cần sự khó tính ngầm của ngòi bút, đâu cần tận tụy quá mức với những cắc cớ thất thường và biểu hiện nhất thời.
Nhiều người viết, ít tác giả chuyên sâu
Có lẽ, bởi sự canh tranh tin tức mà báo điện tử không kịp dành “đất” cho những tác giả viết chuyên sâu. Tuy nhiên, trên báo in, các chuyên trang, chuyên đề văn hóa văn nghệ vẫn được duy trì và nhờ thế, phần nào giữ được ưu thế cả về mặt thông tin lẫn tri thức chuyên môn. Đáng tiếc, báo in ngày càng ít độc giả và như hệ quả tất yếu, dễ bị phân tâm bởi nỗi ngậm ngùi “viết hay cho ai đọc”! Thành thử, nhiều người viết, kể cả phóng viên lâu năm, cũng không tránh khỏi giây phút nản lòng.
Thiếu nhận định, bình luận thì tin tức dễ bị trôi đi, đồng thời, đóng kín nhu cầu muốn lắng nghe, đối thoại và tranh luận từ phía độc giả.
Viết về văn hóa văn nghệ, giống như các lĩnh vực khác, cần đến am hiểu chuyên môn nhất định. Viết về phim ảnh chẳng hạn, đâu chỉ điểm thông tin về diễn viên, đạo diễn, quay ở đâu, có “cảnh nóng” hay không. Điện ảnh có ngôn ngữ riêng của nó, nên người viết, ngoài dựa vào thông cáo báo chí, cần đọc ra, nhận xét ít nhiều thứ ngôn ngữ đó. Tương tự là ở âm nhạc, văn chương, hội họa... không phải cứ nhắc tên, điểm mặt, kể chuyện là xong. Dĩ nhiên, phóng viên chẳng thể là bách khoa thư, nhưng ý tôi muốn nhấn mạnh đến sự lao động, tìm tòi và nỗ lực của họ.
Tôi từng gặp vài phóng viên trao đổi, đối thoại với tôi về cuốn sách, bộ phim, tác phẩm văn học mới ra. Nhưng càng say sưa đối thoại, tôi tá hỏa nhận thấy họ chưa hề đọc hay xem chúng! Chưa kể, “cẩm nang Google” luôn là chỗ dựa tin cậy của không ít phóng viên mới vào nghề, nên ngay đến thông tin cơ bản vẫn bị sai lệch, nhầm lẫn. Ở bối cảnh tri thức mà nhiều độc giả cũng “thiên kinh vạn quyển”, tỏ tường báo chí nước ngoài, thì phóng viên càng chịu áp lực hiểu biết hơn. Người đọc sẽ thích thú, lưu tâm nếu họ đọc được quan điểm, bình luận của người viết chứ không chỉ là những kiến thức phổ thông cố tình làm đầy bài viết.
Các câu hỏi na ná, các chủ đề tương tự, tới hay lui cũng chừng ấy giọng điệu, là thực trạng phổ biến trong nhiều bài báo, trang báo về văn hóa văn nghệ. Có chăng chúng ta không thể đặt ra vấn đề “hóc hiểm”, mang chủ kiến và thái độ cá nhân hơn? Hay chính người viết ngày nay chỉ quan sát mà ít khi đằm mình trong mắt xích nào đó của văn hóa văn nghệ ?
Có thực tế là một số phóng viên đành phải viết văn hóa văn nghệ sau khi đã thử sức bất thành ở mảng nội dung kinh tế, giáo dục, y tế, chính trị. Quán tính “trái tay” này gây ảo tưởng rằng viết về văn hóa văn nghệ là... dễ dàng, ai cũng có thể viết và viết hay, dở thì văn hóa vẫn là... văn hóa, không đến mức “tai bay vạ gió”. Thực tình, tôi khó chấp nhận suy nghĩ đó. Sự kém quan trọng hay bị xem nhẹ khi viết văn hóa văn nghệ không phải vì nội dung này vô thưởng vô phạt, mà bởi chủ yếu người viết chưa đánh động nhận thức của chúng ta về giá trị, tác động, tính liên đới chặt chẽ của văn hóa đối với cộng đồng, với các lĩnh vực khác. Để văn hóa tồn tại lơ lửng ở đâu đó trong tư duy làm báo, thiển nghĩ, chúng ta đã tự bỏ qua một lăng kính soi chiếu thì hiện tại rõ nét hơn.
Đôi khi, trang báo văn hóa văn nghệ sẽ có cộng tác viên là chuyên gia góp chữ. Nhưng đóng góp này vẫn là ngắn hạn nên chẳng thể giải quyết căn cơ sự thiếu vắng cây bút thiện nghệ và sắc sảo của tờ báo. Tự học hỏi và thường xuyên bổ túc hiểu biết văn hóa văn nghệ của phóng viên chuyên trách sẽ đóng vai giải pháp lâu dài, hiệu quả.
Tôi không quá kỳ vọng nhưng vẫn tin nhiều nhà báo có thể trở thành chuyên gia trong khi viết về văn hóa. Bởi cái khó nhưng cũng là điểm hấp dẫn khi viết về văn hóa văn nghệ nằm ở động lực góp phần thúc đẩy cá nhân, xã hội sống hiếu tri, tử tế, nằm ở ước muốn đẩy lùi, xóa bỏ các tệ lậu và nhân rộng các nét đẹp văn hóa, văn minh. Như thế, khi viết hay về văn hóa văn nghệ thì cũng có nghĩa báo chí đã khơi dậy ở công chúng niềm khao khát thụ hưởng thế giới tinh thần chân thiện mỹ vốn dĩ bất biến của văn hóa.