Làng xã Bình Định thời Tây Sơn được tổ chức ra sao?
Tồn tại không dài trong lịch sử, nhưng triều Tây Sơn đã cơ cấu tổ chức làng xã khá hoàn chỉnh và chặt chẽ trên đất Bình Định.
Dựng cờ khởi nghĩa từ năm 1771, dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Nhạc, quân Tây Sơn đã làm chủ trên một phạm vi rộng lớn. Năm 1773, nghĩa quân Tây Sơn từ Tây Sơn thượng đạo kéo về hạ đạo, đánh chiếm phủ thành Quy Nhơn.
Đây là tòa thành được xây khá kiên cố, đến nỗi để chiếm được thành, Nguyễn Nhạc đã phải dùng khổ nhục kế cho quân nhốt mình vào cũi khiêng vào nộp cho quân Hoàng Ngũ Phúc và nửa đêm phá cũi ra cùng với nghĩa quân đánh úp. Đây là đại bản doanh đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.
Sau 5 năm (1773-1778) đóng quân tại đây, nhận thấy quy mô thành Quy Nhơn không đủ để xây dựng một vương triều, năm 1778 Nguyễn Nhạc đã quyết định dời sang thành Đồ Bàn và làm lễ tế cáo trời đất lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu là Thái Đức.
Tồn tại không dài trong lịch sử, nhưng trên đất Bình Định triều Tây Sơn đã cơ cấu tổ chức làng xã khá hoàn chỉnh và chặt chẽ. Đây là 6 bản đồ vẽ về làng xã Bình Định dưới thời Tây Sơn.
Bản đồ thứ 1
Ghi chú huyện từ Đức Phổ đến Hoài Nhơn, trong bản đồ này có chú thích tất cả 24 địa danh: 1.Từ Bến Đá đến chợ Bồ Đề (Hoài Thanh); 2.Từ chợ Bồ Đề đến Lễ Dương; 3.Bãi thuế Hồ Tiêu; 4.Xứ Bến Chữ Cây Mít; 5.Bến Đò Dinh Trà; 6.Nguồn Trà Dinh; 7.Thuế Trầu nguồn Trà Vân (có thể là An Lão); 8.Đạo Trại Ván; 9.Xã Bạch Câu; 10.Bến Đò Lại Dương (Lại Giang) Hoài Hương; 11.Chợ Bồ Đề (Hoài Thanh); 12.Huyện nha Bồng Sơn; 13.Quán Đồ Châu; 14.Quán Bến đá lớn; 15.Ruộng đất pha cá; 16.Quán Chân Đèo; 17.Địa dưới phủ Quy Nhơn (đèo Bình Đê); 18.Phố Thì Phú; 19.Cửa Thì Phú; 20.Cửa Tân Quan (cửa Tam Quan); 21.Ruộng; 22.Đò; 23.Đò; 24.Đò.
Ngoài những cái tên lạ ta chưa biết thì có những tên như chợ Bồ Đề (nay là Hoài Thanh) hay bến đò Lại Dương chắc là Lại Giang, cửa Tân Quang (hay Tam Quan) thì vẫn còn. Đây là vùng đất của thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) hiện nay.
|
Bản đồ thứ 2
1.Từ Quan Lan đến huyện Phù Ly; 2.Từ Phù Ly đến Quán Mới; 3.Nguồn Thạch Bàn; 4.Phường Câu Phái; 5.Quán Phù Ly; 6.Quán Làng Kỳ; 7.Nha huyện Phù Ly; 8.Quán Lam; 9.Kho Nước sâu; 10.Vũng Rô; 11.Cửa Đạm Thủy; 12.Núi Hoàn Lang; 13.Từ Đạm Thủy đến Nước Mặn. Qua tên các địa danh được ghi, tôi cho rằng phần lớn là đất Phù Mỹ (Bình Định) ngày nay .
|
Bản đồ thứ 3
Ghi các địa danh: 1.Từ đèo Bích Kê đến Quán Lam; 2.Phường Đồ Xức; 3.Xứ Đông Dài; 4.Đèo Bích Kê; 5.Chân đèo; 6.Quán Trà Ổ; 7.Quán Mông; 8.Khu dân cư Phường Mới, Phao Võng; 9.Đầm Phường Mới.
Những tên địa danh này hiện nay còn tên Đèo Bích Kê thuộc khu vực Đèo Nhông hay tên Trà Ổ cũng là những địa danh thuộc huyện Phù Mỹ (Bình Định).
|
Bản đồ thứ 4
Có tất cả 37 địa danh: 1.Từ An Thái đến Bà Quế; 2. Đê qua sông Ba; 3.Cổ tự rất thiêng; 4.Thôn Tây Sơn; 5.Ấp Kiên Thành; 6.Đèo Eo Gió; 7.Ấp Bách Khư; 8.Ấp Thạnh Mỹ; 9.Ấp Đông Phú; 10.Thành Bàn Xà; 11.Thành này chu vi 1 ngày đường; 12.Tam Tháp; 13.Cầu Lam; 14.Nay tạo dựng thành đồ vận chuyển ở đây, gọi là điện Minh Đức; 15.Truông Biều; 16.Phường Sen; 17.Trại Nhạc Trú; 18.Phường Lò Giấy; 19.Thập Tháp (Tháp Mười); 20.Gò Găng; 21.Quán Chợ; 22.An Thái; 23.Chợ Hôm (Cảnh Hàn); 24.Thuộc Thì Tú; 25.Huyện Nha Tuy Viễn; 26.Thuộc Thì Đôn; 27.Nha Phủ Quy Nhơn; 28.Núi Mô Ổ; 29.Chợ Mai; 30.Cầu Lớn; 31.Chợ Hôm Cảnh Hàn; 32.Miếu viên quan giữ thành; 33.Bãi Diêm Trường; 34.Cửa Thị Nại, tục gọi là cửa Nhà Mặn; 35.Từ Nước Mặn đến Cù Mông; 36.An Giá; 37.Đò.
Từ tên các địa danh cho ta biết bản đồ này bao quát cả một phạm vi rộng từ An Nhơn, Tây Sơn, Tuy Phước, Quy Nhơn (Bình Định) hiện nay. Những cái tên nay vẫn còn như Kiên Thành, Eo Gió, Chợ Cảnh Hàn, Thập Tháp, Gò Găng… Qua bản đồ biết được địa điểm của Nha Tuy Viễn, Nha Phủ Quy Nhơn. Đáng chú ý nhất qua bản đồ này cho ta thấy một cách cụ thể về hình hài của Phủ Thành Quy Nhơn được Chúa Nguyễn xây dựng ra sao và chính thời gian (1785) khi ông ghi chép lên hình hài của thành này cũng là lúc Nguyễn Nhạc biến nơi này thành đại bản doanh của mình.
|
Bản đồ thứ 5
Ghi 17 địa danh, những địa danh này chủ yếu vẫn là vùng đất thuộc An Nhơn, Phù Cát, Tuy Phước, Quy Nhơn (Bình Định) ngày nay: 1.Từ Gò Găng đến Tháp Mười; 2.Từ Quán Mới đến Gò Găng; 3.Ấp Cây Bằng; 4.Ấp Lý Thông; 5.Ấp Phước Lộc; 6.Ấp Trinh Tường; 7.Ấp Quán Mới. 8.Truông Cây Cày; 9.Tháp Con Gái; 10.Miếu thiêng; 11.Núi Hòn Đen; 12.Núi Vọng Phu; 13.Kho Càn Dương; 14.Hòn Cỏ… 17.Hòn Cân.
Những địa danh như Hòn Vọng Phu, Kho Càn Dương nay ở xã Cát Tiến, huyện Phù Cát (Bình Định); Gò Găng Tháp Mười (Thập Tháp), tháp Con Gái (tháp Phú Lốc) nay thuộc phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn; Hòn Cỏ, Hòn Cân nay là xã Nhơn Lý, TP.Quy Nhơn.
|
Bản đồ thứ 6
Trong bản đồ này có 12 địa danh, chủ yếu nằm ở phường Bùi Thị Xuân và xã Nhơn Lý của TP.Quy Nhơn, có địa danh thuộc tỉnh Phú Yên (như Đèo Xuân Đài, Cửa Cù Mông…).
Có thể nói, đây là những tư liệu quý về dư địa chí của Bình Định dưới thời thời Tây Sơn. Những tên đất, tên làng được thể hiện trong bản đồ cho thấy dưới thời Tây Sơn, cơ cấu tổ chức làng xã đã hình thành và được tổ chức khá chặt chẽ. Tất cả các bản đồ được vẽ theo lối tả thực rất sinh động. Quan trọng nhất là trong 6 bản đồ có Phủ thành Quy Nhơn dưới thời Tây Sơn được tác giả vẽ khá chi tiết.
Phủ thành Quy Nhơn được xây dựng nằm chính giữa, bao quanh là bờ thành vào tận sát núi, trước thành có cổng thành xây kiểu cổ lầu nằm trên khoảng đất rộng, vào bên trong là khu dân cư hay nhà các chức sắc làm việc trong thành. Trong khu này có chùa Phật và tháp cửu trùng đài. Trong cùng là thành Quy Nhơn được vẽ hình khối vuông, thành xây cao cổng xây kiểu vòm cuốn, chính giữa có cờ màu đỏ, quanh có rìa.
Bản đồ này được vẽ vào năm 1785, tức khi thành Quy Nhơn đã được Nguyễn Nhạc và anh em Tây Sơn làm đại bản doanh của cuộc khởi nghĩa, ở đây có tư liệu rất quan trọng và chân thực đó là màu cờ của Tây Sơn là màu đỏ.
Theo Thanh Niên https://thanhnien.vn/van-hoa/lang-xa-binh-dinh-thoi-tay-son-duoc-to-chuc-ra-sao-1355362.html Copylink