Monday, Dec 20, 03:12 PM

Lao động du lịch nỗ lực “giữ lửa” nghề trong đại dịch

Năm 2020 đang dần khép lại, ngành du lịch gần như không có nguồn thu từ khách quốc tế để bù đắp khoản doanh thu nội địa sụt giảm do dịch Covid-19. Đây là thực tế đầy khó khăn mà các doanh nghiệp và người lao động trong ngành đang phải đối diện và nỗ lực t

Lao động du lịch nỗ lực “giữ lửa” nghề trong đại dịch
Lao động du lịch nỗ lực “giữ lửa” nghề trong đại dịch

Xoay sở bám nghề

Tháng 12, nếu như các năm trước dịch vụ tàu, du thuyền tại vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) nhộn nhịp khách du lịch thì nay hàng loạt phương tiện phải nằm bờ vì không đủ lượng khách để vận hành tour. Tương tự, khu vực Hang Sáng, Hang Tối, thuộc quần đảo Cát Bà, Hải Phòng một - điểm đến thơ mộng vốn là chốn dừng chân quen thuộc của khách ngoại từ các du thuyền nay trở nên trầm lắng hơn hẳn; hàng dài kayak, thuyền nan neo đậu yên ắng. Không khí vắng vẻ của điểm đến này chỉ được khấy động vào dịp cuối tuần khi có các đoàn khách nội địa.

Lao động du lịch nỗ lực “giữ lửa” nghề trong đại dịch
Lao động du lịch tại điểm tham quan Hang Sáng, Hang Tối đang khá chật vật do ảnh hưởng của đại dịch

Khua mái chèo theo làn nước trong xanh đưa đoàn chúng tôi tham quan Hang Tối, anh Nguyễn Văn Nam – chèo đò tại Hang Sáng, Hang Tối - chia sẻ, kể từ đầu năm, công việc chở khách từ các du thuyền vào thăm quan Hang Sáng, Hang Tối bị ảnh hưởng rất nặng nề, lượng công việc sụt giảm gần như 70%. “Từ lúc Covid-19 xuất hiện, công việc ít, thu nhập cũng thấp hơn. Bình thường, mỗi ngày đông khách là 5-6 lần chuyến đò, nhưng nay chỉ trông chờ vào dịp vào cuối tuần, nhưng cũng chỉ có 1,2 chuyến. Trời lặng gió là phải tranh thủ đi đánh lưới, đi câu để có thêm thu nhập”- anh Nam bộc bạch.

Khi thị trường quốc tế dừng hoạt động, đại diện Du thuyền Indochine, Tập đoàn Hương Hải - cho biết, hãng đã xác định thị trường khách du lịch nội địa là nguồn khách chính, vì vậy, cho đến thời điểm này, nhờ các chính sách giá, dịch vụ phù hợp, linh hoạt với thị trường nên Indochine may mắn vận hành đều đặn. Cũng nhờ nỗ lực này của doanh nghiệp, anh Trần Quang Huy- nhân viên Du thuyền Indochine tâm sự rằng anh vẫn may mắn hơn những lao động khác trong ngành vì vẫn có việc để làm, dù thu nhập của anh cũng bị giảm gần 40%.

Cần mẫn, nhiệt tình và chu đáo với khách trong suốt hành trình sử dụng dịch vụ của Indochine, anh Trần Quang Huy gây không ít thiện cảm với du khách, như anh chia sẻ, bản thân anh em trong ngành mặc dù gặp khó khăn, song luôn tâm niệm và ý thức là cần chia sẻ, đồng hành với công ty vượt qua khó khăn; nỗ lực cao nhất mang đến dịch vụ chất lượng phục vụ du khách. "Sau cơn mưa, trời lại hửng nắng, hy vọng toàn ngành du lịch sẽ sớm vượt qua giai đoạn đầy thử thách, để lao động như chúng tôi tiếp tục được gắn bó, cống hiến với nghề"- anh Huy lạc quan.

Lao động du lịch nỗ lực “giữ lửa” nghề trong đại dịch
Anh Trần Quang Huy (thứ hai từ trái sang)- nhân viên Du thuyền Indochine giới thiệu điểm tham quan trong chương trình tour của Indochine với du khách

Tại Hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch vừa qua, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Vietravel - lo ngại, hiện rất nhiều hướng dẫn viên, người làm trong ngành du lịch có tay nghề, kinh nghiệm nhiều năm nhưng do công ty cắt giảm nhân sự, tạm ngừng hoạt động đã phải chuyển nghề, chạy xe công nghệ, bán hàng online… Nguy cơ khi dịch được kiểm soát tốt, ngành du lịch khôi phục lại sẽ khó có đủ nguồn nhân lực để đáp ứng.

Theo Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), Việt Nam có khoảng 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, chưa kể lực lượng lao động ở những mảng công việc có liên quan. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng nhân viên nghỉ việc tại các công ty du lịch ngày một tăng. Qua khảo sát, có tới 18% số doanh nghiệp đã phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% doanh nghiệp cho từ 50-80% nhân viên nghỉ việc; 75% doanh nghiệp có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với lao động bị mất việc làm.

Còn thống kê từ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, dịch Covid-19 đã khiến 31,8 triệu lao động mất việc làm hoặc nghỉ giãn việc, cắt giảm ngày công, trong đó có đến 40-60% là lao động ngành du lịch, 68,9% không còn được đảm bảo thu nhập; thiệt hại toàn ngành vào khoảng 23 tỷ USD (tương đương 530.000 tỷ đồng), tính đến quý III/2020.

Lao động du lịch nỗ lực “giữ lửa” nghề trong đại dịch
Dịch vụ chèo kayak tại Hang Sáng, Hang Tối "đợi" khách

Nỗ lực đợi nghề

Hiểu được nỗi lo của “người trong ngành”, mới đây, chuyên trang việc làm thêm Hoteljob.vn của Công ty TNHH MTV (Santa Santa Vietnam) phối hợp với fanpage Nghề khách sạn đã thực hiện khảo sát tình hình thực tế hiện tại của lao động ngành, về việc làm, thu nhập, tâm tư, nguyện vọng, góp ý… ở vai trò như “người bạn” cảm thông, chia sẻ khó khăn, vừa lấy đó làm tư liệu, cơ sở khách quan để có những giải pháp hỗ trợ và thay đổi kịp thời giúp nghề, nhân sự nghề tốt hơn.

Sau khoảng 3 ngày kêu gọi tham gia và thống kê kết quả, những “con số biết nói” dần lên tiếng. Theo đó, có 67,3% khách sạn đang hoạt động và 32,7% cơ sở còn lại vẫn đóng cửa; hơn 55% nhân viên khách vẫn có thu nhập từ nghề; hơn 65% số lao động ngành làm tạm nghề khác, từ công việc thuần lao động chân tay như công nhân, phụ hồ, phụ quán; việc thị trường như Youtuber, livestream bán hàng online cho đến những việc cần kỹ năng và trình độ như gia sư, phiên dịch…; hơn 50% cho biết tình hình cuộc sống, thu nhập đến nay đã tạm ổn hay vẫn bình thường; 79% nhân sự nghề tận dụng thời gian nghỉ dịch để học hỏi thêm, về kỹ năng nghề hay ngoại ngữ; thử làm công việc khác để tạo thu nhập và cải thiện vốn sống, kinh nghiệm làm việc; 61,5% muốn tiếp tục gắn bó với nghề để phát triển; 72,8% đánh giá triển vọng việc làm nghề năm 2021 sẽ phục hồi dần, số ít khác hy vọng ngành sẽ bật lên nhanh chóng…

Lao động du lịch nỗ lực “giữ lửa” nghề trong đại dịch
Dù khó khăn, song lao động ngành du lịch nói chung và khách sạn nói riêng đang quyết tâm gắn bó với nghề, với doanh nghiệp

Ông Lê Quốc Việt – Giám đốc Santa Vietnam - cho biết, dù không tiếp cận và triển khai thực hiện khảo sát đến toàn bộ nhân viên nghề khách sạn trên cả nước nhưng qua đây phần nào cũng đánh giá được tình hình tổng quan, cho thấy những tín hiệu tích cực ở mức trung bình - cao của nhiều người khi quá nửa tỷ lệ thống kê kết quả đều rơi vào những dữ liệu khả quan. "Đặc biệt, việc nhân sự ngành dành thời gian để học và trau dồi thêm, hoàn thiện kiến thức và kỹ năng nghề, quyết tâm “đợi nghề” và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, công việc cũng như niềm tin mãnh liệt về sự phục hồi trong tương lai gần mang ý nghĩa tuyệt vời, khích lệ tinh thần to lớn cho cả cộng đồng"- ông Việt bày tỏ.

Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 trên thế giới vẫn có những diễn biến phức tạp, vì vậy theo ông Lê Quốc Việt, nhân sự ngành khách sạn, du lịch sẽ bị ảnh hưởng lớn hơn ở chất lượng thay vì số lượng. Do du lịch sẽ hồi phục chậm và nhiều ngành khác cũng bị ảnh hưởng, đồng thời, ngành khách sạn, du lịch dùng nhiều lao động trẻ và là sinh viên nên vẫn duy trì được nguồn cung mới. Với những lao động, quản lý có tay nghề và kinh nghiệm thì khi bị bắt buộc chuyển nghề do dịch sẽ rất khó để hồi phục lại bình thường, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nhân sự hậu dịch.

Trong bối cảnh đầy thách thức của ngành du lịch, để có những thích ứng kịp thời, ông Lê Quốc Việt khuyến nghị, nhân sự du lịch nói chung và khách sạn nói riêng cần năng động, linh hoạt tìm các giải pháp ngắn và dài hạn. Đó là tìm kiếm các công việc tạm khác mà vẫn sử dụng đến kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của nghề. Để hỗ trợ việc này, hoteljob.vn đã cho ra mắt phụ bản lamthem.hoteljob.vn để giúp cộng đồng nhân sự nghề tìm kiếm việc làm liên quan, phù hợp khác trong xã hội.

Ngoài ra, người lao động trong ngành cần tích cực tranh thủ lúc này để học hỏi thêm về kiến thức, ngoại ngữ để hoàn thiện bản thân hơn. Lãnh đạo ngành du lịch, khách sạn và từng vị quản lý đơn vị cũng cần ý thức được những giải pháp giữ chân người lao động cũng như việc giữ lửa, truyền cảm hứng cho lực lượng lao động.

Lao động du lịch nỗ lực “giữ lửa” nghề trong đại dịch
Đại dịch Covid-19 cũng là phép thử để ngành du lịch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hướng tới sự phát triển bền vững

Dự báo về du lịch 2021, ông Lê Quốc Việt - cho rằng, sẽ vẫn dựa gần như hoàn toàn vào thị trường nội địa. Việc hồi phục sẽ phụ thuộc vào đặc trưng, tính chất của từng vùng miền. Dịp cuối năm sẽ là cơ hội tốt cho các khách sạn có dịch vụ tổ chức sự kiện ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các trung tâm phát triển; sau Tết là du lịch lễ hội, tâm linh, hè sẽ là vùng biển, núi... "Hy vọng khách du lịch quốc tế sẽ từng bước hồi phục từ cuối năm 2021 trở đi nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt và vắc xin phát huy hiệu quả cao. Đây cũng là cơ hội để lao động trong ngành thoát khỏi khó khăn"- ông Việt mong muốn.

Cho đến thời điêm này, như Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình từng chia sẻ, dịch Covid-19 là “phép thử” để các doanh nghiệp du lịch chú tâm tìm cách thay đổi nếu muốn tồn tại và phát triển. Đây cũng là cơ hội để các đơn vị “xốc” lại bộ máy, đánh giá, sàng lọc nhân viên, tổ chức tập huấn, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hướng tới sự phát triển bền vững.
hoa-qu3933nh
Theo Công Thương https://congthuong.vn/lao-dong-du-lich-no-luc-giu-lua-nghe-trong-dai-dich-150100.html Copylink