Mường Muổi và tôi
Tôi sinh ra ở Mường Muổi (hay còn được gọi là Mường Mỗi), cái tên cổ chỉ còn được nhắc đến bởi những người già và một dòng suối có tên Nậm Muổi. Khi lớn lên, có dịp đến các thư viện và đọc tài liệu, tôi biết nơi đây từng thuộc trấn Hưng Hóa. Sau n...
Ngày bé, chúng tôi hay đố nhau đứa nào dám bơi vào cái mó nước đen ngòm như miệng con cá lớn kia không. Đó là mó nước bản Bó. Người ta bảo ở Tây Bắc chỉ có mấy cái mó nước đẹp như thế. Nước từ trong núi chảy ra, vào mùa thu, mùa đông nước và sương hoà vào nhau trong màu trắng đục. Người Tây Bắc khỏe mạnh đến kì là, hình như từ khi sinh ra họ đã có chung nhịp sinh học với vạn vật, hòa nhập với mùa màng, nhất thể với ôn hàn của thời tiết. Trong tiết trời se lạnh ấy, những cô gái Thái đen vẫn ngâm mình trong nước và sương. Khi áp cón (tắm), họ khéo léo kéo chiếc váy qua đầu, người chìm xuống nước. Người chìm vào nước đến đâu, váy được trút bỏ đến đó để rồi cuối cùng giấu mình trong sự huyền ảo, kín đáo của nước và sương. Những cô gái trinh nguyên tựa như nhận được một phép màu tạo nên làn da trắng, đôi má hồng và đôi mắt lấp lánh.
Hẳn là, ai yêu mến Tây Bắc và cảm mến các cô gái Thái chắc sẽ biết bài thơ “Em tắm” của thi sĩ Bạc Văn Ùi: “Sao anh lại rình/ Trộm xem em tắm/ Da của em ngần trắng/ Da của ái của êm/ Tay của em lấm lem/ Tay của than của bụi/ Tay của rừng của núi/ Tay của đất của nương…”. Sau này tôi mới ngẫm ra, chỉ ở Mường Muổi của tôi ngày đó, trai gái mới tắm chung nguồn nước mà chẳng có gì ngần ngại. Người ta đâu có phải “trộm xem em tắm”, khi cùng hòa vào dòng nước như nguồn sữa của mẹ núi. Họ tắm và cười đùa, tuyệt nhiên không nghe ra một lời cợt nhả suồng sã. Và, khi mặc xiêm áo bước lên, họ lại vội vã trở về với thân phận, với cuộc sống của mình. Mó nước ở bản Pó ở nơi này như một ngày hội, một phong tục của nước, như để khắc sâu thêm câu ngạn ngữ Thái có tự thuở nào: “Xá ăn theo lửa/ Thái ăn theo nước/ H’mông ăn theo sương mù”...
Ngày trước, ngôi trường của tôi cũng nằm ở phía trên mó nước ấy. Gọi là trường nhưng thực ra chỉ là mấy căn nhà tre lợp gianh nằm quây quần theo hình chữ U. Sáng ra, sương mù đặc quánh, lẩn vào cả trong nhà, vây quanh khỏi bếp. Chúng tôi đút đầy túi khi thì nắm ngô rang, khi thì củ khoai nướng vội, đeo cái túi vải chéo vai vội vã chạy theo mấy đứa bạn tới trường. Nói là cùng đi học nhưng thực ra chúng tôi cũng chỉ nghe thấy tiếng của nhau. Đứa trước, đứa sau nhiều khi phải túm áo mới khỏi bị bỏ lại. Trong màn sương bao bọc, chỉ nghe được tiếng chó sủa vẳng ra từ phía xa, tiếng củi than nổ lép bép trong bếp của một nhà bên đường.
Đến Mường Muổi, người ta có thể sẽ thấy như bị bó chân bởi cơn mưa và rồi lại thấy mình may mắn vì điều ấy. Chuyện là, mưa ở đây miên man, đằng đẵng như khi ngồi nghe người già kể chuyện Chương Han vậy. Mưa kéo từ núi ra, mưa bủa vây có khi cả mấy tuần khiến cho khách với chủ thành tri kỉ bên bếp lửa lúc nào không hay.
Nhưng, Mường Muổi còn có sắc nắng vàng. Khi chiều về, đàn cò trắng lướt bay trên cánh đồng, trong tiếng mõ trâu khô khốc, người ta cảm nhận được trong nắng ấy một chút gì của mật ong, của lúa nếp, của rơm vàng. Ngày ít nắng nên nắng quý giá và huyền diệu. Chăn phà, suồng sựa (quần áo) đều được nhà nhà tranh thủ khoe sắc dưới nắng trước khi mặt trời về bên kia Khau Tú.
Tôi nhớ ngày đó Mường Muổi còn những bụi trúc, bụi mạy bông nằm xen với những tảng đá muôn hình rất đẹp. Văng vẳng trong nắng trưa là tiếng (hát) khắp của những cô gái Thái hái dâu. Họ hái dâu nuôi tằm, tằm nhả tơ vàng như nắng; họ hái bông trắng như mây để dệt vải nhuộm màu chàm. Ngày mai, chăn phà đã đủ, áo cóm đã lên hàng cúc bướm, họ sẽ đợi người thương đến chọc sàn xin làm rể. Người Thái đen ở đây sẽ tằng cẩu khi có chồng. Búi tóc cao ấy nói lên sự chung thủy, son sắt của người vợ, tựa như trong câu “chồng em áo rách em thương/chồng người áo gấm xông Hương mặc người” của người Kinh dưới đồng bằng. Nhưng, để được một cô gái tằng cẩu vì mình cả đời, người trai ấy phải qua thử thách để chứng tỏ sự chân tình. Trước hết là phải mài dao, mài cuốc cho bén. Người trai Thái đen nào cũng thạo mài dao, lưỡi bén và sắc lâu. Con dao mở đường đi nương, đi thăm nhau, cũng là nết ăn, nết ở. Nhìn vào đó biết người có đàng hoàng tử tế hay không? Người Thái có tục ở rể và đề cao người phụ nữ, có lẽ đó là một sự tiến bộ, văn minh nên cuộc sống gia đình ở đây rất êm ấm, không mấy khi có chuyện bạo hành hay ngược đãi vợ.
Mường Muổi có một ngọn núi cao có tên là Khau Tú. Nơi ấy mây trắng bao phủ vào những ngày trời âm u. Núi lực lưỡng như một chàng trai Thái, phía bên kia núi là bản Củ Cang, nơi có giống khoai sọ nổi tiếng. Giống khoai này của Mường Muổi giờ đã được nhiêu nơi biết đến, Củ Cang không còn là một bí ẩn sau ngọn Khau Tú như ngày xưa nữa.
Tôi đã đi xa Mường Muổi hai mươi lăm năm. Một phần tư thế kỉ đã trôi qua, những người già đã về rừng ma cùng tổ tiên. Cây gạo đầu dốc đã không còn, cây me cổ thụ nghe nói vẫn đứng đó nhưng đâu còn bóng chim phượng hoàng về đậu nữa. Tôi nhớ Mường Muổi bởi có ông nhà văn có khuôn mặt phương phi, mái tóc trắng như mây và nụ cười hiền hậu. Ngày bé, tôi không hiểu hết những điều ông viết, không nhận ra những ý tứ sâu xa trong chữ Thái, chỉ biết rằng Mường Muổi có một thời bình yên và sâu lắng đến thế. Một người đi nương nào đó mở nắm cơm ra, uống ngụm nước từ ống nứa non, hát một câu hát giữa rừng trong tiếng chim lảnh lót. Họ đã sống như thế trong sự êm đềm của thiên nhiên dẫu dưới chân đôi khi vẫn vấp mảnh bom, mảnh đạn của một thời Tây Bắc vùng lên. Người Thái từng anh dũng chống giặc Khăn Trắng, giặc Pháp, bắn rơi máy bay Mỹ và hôm nay làm kinh tế cũng giỏi. Tôi biết có nhiều cơ sở sản xuất, nhiều người nông dân thoát nghèo và sung túc.
Giờ đây ai đến Mường Muổi hẳn sẽ không nhận ra vết chân trâu hằn lên đường mòn một thời, không còn được thấy nam nữ tắm chung dòng nước, hay nghe kể về chàng trai chọc sàn, chàng rể sáng thức dậy mài dao bên suối… Sẽ có những điều mãi mãi mất đi, sẽ có những điều tiếc nuối, âu cũng là một quy luật của cuộc sống này. Nhưng, trong lòng người xa quê thì mãi mãi sẽ là một miền cổ tích thơ mộng và huyền bí như thế. Quê tôi, đất Mường Muổi.
ẢNH: HÀ THU