Nghề gốm Nam Bộ xưa
Các sản phẩm được làm bằng gồm từ lâu đã trở thành hàng hóa thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày của cư dân miền Nam, nhất là vùng miền Đông, Tây Nam Bộ. Từ xưa, những sản phẩm lu, hũ, khạp, đèn, tô, chén, muỗng, đĩa, khay trà, hũ, lư hương, bình t...
Hình thành khá sớm
Theo các nghệ nhân lâu năm, gốm Sài Gòn là những sản phẩm men trắng xanh và nhiều màu được giới sưu tập và nghiên cứu gọi tên, từng được sản xuất qua nhiều thời kỳ của xóm Lò Gốm thuộc Sài Gòn Đề Ngạn Chợ Lớn xưa. Trong một công trình nghiên cứu về sản xuất gốm ở vùng đất này của Derbes (năm 1882) đã chỉ ra rằng từng có 30 lò làm gạch ngói có chú thích thêm một số lò gốm dân dụng vùng gò Cây Mai, Hòa Lạc, Phú Định…
Trên bia công đức trong Tuệ Thành hội quán cũng ghi tên nhiều lò gốm như Quảng hợp thành diêu, Hiệp Hưng diêu (lò gạch), Đồng Hoa diêu, Đào Xương diêu, Phú Nhuận diêu...
Tại Tam Sơn hội quán đường Triệu Quang Phục (quận 5, TP HCM) hiện có sản phẩm gốm có ghi minh văn “Tả Quang Đào Xương diêu”, tức là lò Đào Xương Chợ quán sản xuất. Khu vực Chợ Quán xưa bao gồm khu chợ Hòa Bình ở Phường 5, Quận 5. Trong hồi ký của cố nhà văn Bình Nguyên Lộc thuật lại từng có một lò gốm dài 40-50 mét xây trên triền dốc bị bỏ hoang ở vùng đất sau này xây chợ Hòa Bình. Nhà văn viết: “Gần mười lò gốm nằm cạnh nhau, thành một dãy, giống hệt như tường thành xưa bị phá bể, và lòng ngậm ngùi vô cùng giữa một cánh đồng không mông quạnh”.
Những mảnh gốm thu được khi khai quật lò Hưng Lợi cũng cho thấy từng có sản xuất gốm men xanh trắng và men nhiều màu. Những hiện vật như muỗng gốm hiệu đề Kim Ngọc, Việt Lợi… men trắng xanh, men màu vẽ hình con cá vàng… Tuy nhiên chất lượng gốm “bạch dứu đào” ở đây còn khá non yếu. Theo thông tin của cư dân và con cháu có thân nhân từng làm việc cho lò này đã được bỏ phế trước 1945. Nhà nghiên cứu về gốm Kim Ngọc suy đoán, đây là hiệu tiệm và có thể hàng được đặt lò Hưng Lợi sản xuất riêng. Trong khi đó, những người từng tham gia khai quật ở đây cũng thông tin rằng, họ thấy có khuôn làm muỗng.
Trong cuốn tài liệu “Tây Đề Niên Giám” của tác giả Lý Văn Hùng, tại vùng Đề Ngạn xưa có một Công Hội Gốm sứ ra đời có tên “Từ khí công hội”, bao gồm nhiều hội viên là các chành (điểm sử dụng dịch vận chuyển gốm), hiệu buôn gốm sứ, trong đó nổi lên là chành Nam Phong. Cụ Lý Lược Tam, người từng làm việc lâu năm trong nghề gốm kể rằng, ngày xưa có ông họa sĩ vẽ rất giỏi tên Ngô Tòng chuyên đi vẽ chầu trên bình gốm cho các lò như Duyệt An (Hóa An), Thành An (Lái Thiêu, Bình Dương) và một chủ tiệm ở gần chân cầu Palikao, đường Palikao (nay là đường Ngô Nhân Tịnh, quận 5). Vẽ thuê cho chành này, các sản phẩm hoàn thành họa sĩ họ Ngô thường ghi hiệu đề “Nam Phong xuất phẩm”, “Nam Phong đề đốc tạo”… Ngày nay, ngôi nhà số 230 đại lộ Võ Văn Kiệt phường Cầu Ông Lãnh, quận 1 vẫn còn đó bảng hiệu vốn là chành Nam Phong ngày xưa.
Điểm lại tình hình kinh tế xã hội thời trước 1923, những mặt hàng được nhập khẩu chính vào Đông Dương thời kỳ này là sữa đặc, thức ăn đóng hộp, bột mì, đường, cà phê, trà, thuốc lá, rượu, than, dầu lửa, đồ kim loại, được phẩm, xà phòng, đồ gốm, đồ thủy tinh và pha lê, giấy, máy móc, xe hơi… Tuy nhiên, đến 1923, Toàn quyền Đông Dương Merlin đã áp thuế nhập khẩu quá cao đối với gốm sứ nên gốm Phong Khê từ lúc phát triển mạnh bên Trung Hoa và có nhập khẩu vào Việt Nam đã phải dừng lại. Nhưng vì do xã hội miền Nam Việt Nam lúc đó đang thịnh vượng, nhu cầu tiêu thụ hàng gốm sứ lớn do đó có nhiều thương gia Việt Nam đã thuê thợ gốm từ Phong Khê qua để sản xuất tại chỗ. Đất sứ Trung Quốc cũng được nhập qua. Như vậy các mặt hàng gốm đã thực sự được sản xuất tại Sài Gòn với tay nghề kỹ thuật và hoa tay rất cao. Các hiện vật lư hương gốm trắng xanh ở chùa Phước Long có có thời gian sản xuất 1934, 1936, 1943.
Bản sắc riêng của gốm Việt
Từng có một thời kỳ phát triển khá rực rỡ, gốm quý Biên Hòa đã sớm trở thành một trong những sản phẩm tiểu biểu của dòng gốm Nam Bộ. Theo tư liệu triển lãm Mỹ thuật, gốm mỹ nghệ Biên Hòa khởi đầu từ trường Dạy nghề Biên Hòa, được thành lập năm 1903 nhưng tới năm 1906 mới tuyển sinh Ban gốm bởi ông hiệu trưởng Lamorte. Đến năm 1923 Chính phủ Pháp bổ nhiệm ông Balick làm Hiệu trưởng chính thức, chấm dứt việc Chánh tham biện tỉnh làm hiệu trưởng kiêm nhiệm.
Bà Balick, phu nhân của ông Lamorte làm phụ tá cho ông. Từ đó, bà Balick đã vạch hướng đi mới, dày công tìm tòi nghiên cứu, khai phá một hướng đi riêng cho Ban gốm này. Đó là sản phẩm gốm trang trí nhiều màu, chạm khắc chi tiết hoa văn đặc sắc, nhiều màu men lạ mắt tạo sắc thái riêng. Dùng nguyên liệu nội địa, như tro rơm, tro than củi, đất tràng thạch An Giang, vôi Vàn Long… làm men. Đất sử dụng là đất chịu lửa khai thác ở Tân Uyên, Chánh Lưu (Thủ Dầu Một)… Qua nhiều thử nghiệm, bà Balick tìm ra loại men tro làm màu trắng gọi là men ta. Với mạt đồng thu được trong xưởng làm đồ đồng, bà chế được màu xanh đồng rất đẹp. Với đá ong Biên Hòa, bà chế ra “men đá đỏ” đặc trưng… sản phẩm với men tro chịu nhiệt độ cao đốt bằng củi tạo ra sản phẩm có nhiều màu men hoả biến rất tinh tế. Bà Balick là người đã sản sinh ra dòng gốm Biên Hòa đầy bản sắc riêng và nổi tiếng ở Việt Nam.
Khoảng thời gian từ năm 1923 đến đầu những năm 1960 đánh dấu thời hoàng kim của gốm mỹ nghệ Biên Hòa. Năm 1933, nhận thấy gốm Biên Hòa của trường Mỹ nghệ Biên Hòa được người tiêu dùng ưa chuộng, trường đã thành lập hợp tác xã (HTX) Mỹ nghệ, thu nhận các học sinh tốt nghiệp làm thợ gốm. Chính từ HTX này gốm Biên Hòa đã được phổ biến rộng rãi và xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới.
Đến năm 1950, sau khi ông bà Balick về Pháp, HTX Mỹ nghệ tách ra khỏi trường, trở thành các đơn vị sản xuất gốm tự lập, một số thợ của HTX trước kia về Tân Vạn, Bửu Hòa, Tân Thạnh, Hóa An (Đồng Nai) và thành lập các xưởng sản xuất gốm tại nhà, kể từ đó gốm Biên Hòa bước sang một giai đoạn mới và phát triển nhanh. Năm 1958 xưởng gốm Thành Lễ ra đời với sản phẩm có chất lượng cao. Năm 1960 chuyên gia Nhật Bản qua hướng dẫn kỹ thuật rót khuôn, gốm Biên Hòa bắt đầu sản xuất hàng loạt.
Sản phẩm gốm Biên Hòa rất phong phú về kiểu dáng, đa dạng về chủng loại, cân đối và hài hòa trong tạo hình. Đặc trưng nổi bật của trang trí gốm Biên Hòa là sự đa dạng, của nội dung các hoa văn trang trí. Kỹ thuật khắc chìm là một đặc trưng rõ nét nhất của nghệ thuật trang trí trên gốm ở đây. Chọn phương pháp khắc chìm và phối màu men trên sản phẩm là ưu thế để gốm Biên Hòa nhanh chóng khẳng định phong cách có tính độc lập trong sáng tạo và xu hướng riêng biệt.
Kỹ thuật chạm lộng (chạm thủng) của gốm Biên Hòa là kỹ thuật trang trí đặc biệt được áp dụng cho một số chủng loại sản phẩm như: Bình đèn, voi, đôn, chân đèn… Các màu men được phối hợp với nhau rất hài hòa trên một tổng thể đã được tính sẵn. Với đặc trưng là trang trí bằng các nét khắc, nên các mảng màu được phân định sẵn, rõ ràng không có việc lem qua lại giữa các màu. Tất cả các yếu tố nói trên đã nâng nghệ thuật trang trí gốm Biên Hòa vươn tới cái đẹp của sự hoàn thiện.
Một trong những dòng sản phẩm gốm Biên Hòa được ưa chuộng nhất là tượng. Tượng gốm được các nghệ nhân chú trọng khai thác, sáng tạo với tính mỹ thuật cao.
Giai đoạn phát triển mạnh của gốm mỹ nghệ Biên Hòa từ năm 1923 đến đầu những năm 1960. Nhiều lần sản phẩm gốm Biên Hòa tham dự Hội chợ triển lãm quốc tế về mỹ thuật trang trí vào những năm 1925, 1932, 1934, 1938, 1942 tại Paris (Pháp), Nhật Bản, Indonesia…
Cùng với gốm Cây Mai (Sài Gòn) và gốm Lái Thiêu (Bình Dương), gốm Biên Hòa đã tạo thành dòng gốm mang phong cách Nam Bộ, đánh dấu một giai đoạn phát triển lịch sử của nghệ thuật gốm tại miền Nam trong thời cận và hiện đại.