Saturday, Sep 21, 02:09 PM

Người đi từ 'Bóng núi'

Thi thoảng, tôi lại tình cờ gặp một bài thơ của Dương Thuấn. Bài thơ nào cũng nhỏ, xinh, và hồn hậu, mang đậm chất dân tộc Tày của quê hương bản Hon, nằm gần hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, dù anh đã trở thành cư dân Hà Nội hơn 20 năm. Và tôi nhận ra, nhữ...

Người đi từ 'Bóng núi'
Người đi từ 'Bóng núi'
nguoi-di-tu-39b243ng-n250i39_1.jpg
Nhà thơ Dương Thuấn.

Nhiều người biết đến Dương Thuấn qua những tác phẩm viết cho trẻ em. Đó là những câu chuyện nhỏ, những khoảnh khắc đáng yêu mà anh muốn kể lại cho đứa con bé bỏng của mình. Ấy vậy mà cuối cùng anh đã gom góp được một gia tài không hề nhỏ, khi là tác giả của hơn mười tập thơ, trong đó có những tập thơ thiếu nhi đặc sắc như “Cưỡi ngựa đi săn” (1991), “Bà lão và chích chòe” (1997), “Trăng Mã Pì Lèng” (2002), “Dương Thuấn - Thơ với tuổi thơ” (2005)…

Nhưng nói một cách thực tâm thì, đọc những bài thơ cho thiếu nhi của Dương Thuấn tôi thấy đáng yêu chứ không có nhiều ấn tượng. Phải đến khi đọc những bài thơ tình của Dương Thuấn, tôi mới cảm nhận được chất thơ rất đằm của nhà thơ này. Cũng có thể tôi có chút đồng cảm vì từng sinh ra lớn lên ở miền núi, từng biết thế nào là “Bóng núi”, từng lặng mình trước một sáng xuân hoa lê lộng lẫy như “một trời tuyết sa. Cũng giống như trước đó tôi đã từng yêu mến các nhà thơ người Tày như Y Phương, Bàn Tài Đoàn, Nông Quốc Chấn, với những câu thơ mộc mạc chẳng cần chau chuốt, cứ tự nhiên giăng mắc lại trong lòng người đọc.

Vậy nên đọc thơ Dương Thuấn, tôi đã mê cái giọng thơ trong trẻo, hồn nhiên quá đỗi của anh. Một trong những bài thơ mà tôi thích nhất là “Bóng núi”: “Bây giờ ngựa về tàu khác/ Một mình anh ôm câu hát/ Đi tìm bóng núi ngày xưa…”

Dương Thuấn kể: “Tôi luôn viết bằng những kỷ niệm của mình. Rất nhiều kỷ niệm đã đi vào thơ tôi. Những buổi sáng đi học từ gà gáy canh hai, những buổi chiều tan trường về trời tối, những hôm mưa rừng suối lũ... Tôi có đầy ắp kỷ niệm của tuổi thơ hoặc cả khi mình đã lớn. Tôi đã viết hàng trăm bài thơ về bản Hon mà mình sinh ra ở đó là đều từ kỷ niệm. Có khi buồn, có khi vui, nhưng đã là kỷ niệm thì đều đáng yêu, đáng nhớ”.

Có lẽ vì thế mà những câu thơ đầu tiên của bài “Bóng núi” khiến người ta hình dung ra ngay chàng trai bản Hon thất tình, cô đơn giữa tất cả những gì thân thuộc nhất. Sự chân phương của chàng trai ấy được thể hiện ở cái cảm giác mất mát rất “vật chất”, rất cụ thể khi người yêu đi lấy chồng, với hình ảnh “ngựa về tàu khác. Và trong sự cô đơn, người trai ấy đi tìm lại bóng núi ngày còn chung đôi. Vẫn là bóng núi ngàn đời ấy nhưng tất cả đã khác xưa mất rồi, bởi vì:

Bây giờ không còn cơn mưa
Hai đứa đội chung tàu lá
Bây giờ không còn mùa hạ
Góc chiều đỏ chín chờ mong

Và khi đối diện với một thực tế không thể khác, cảm giác bơ vơ tận cùng đã đến:

Bây giờ em đã theo chồng
Lên núi phát nương tra lúa
Bây giờ buông hờ nỗi nhớ
Anh lang thang giữa loài người.

Bài thơ này đã được nhạc sĩ An Thuyên phổ nhạc thành bài hát cùng tên với âm điệu tha thiết, day dứt những vẫn rất trong trẻo. Hẳn là vì người nhạc sĩ tài hoa, có duyên với miền núi ấy đã “bắt được” cái hồn vía của bài thơ, thấy rung cảm trước một mối tình đẹp vừa tan vỡ, nhận ra được một nỗi buồn hoang hoải nhưng không quá bi luỵ sau những câu thơ giản dị kia. Dương Thuấn cón có một bài thơ khác viết về miền núi được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc: “Cao Bằng ở trên cao/ Người đi trong mây gió/ Trăng xuống vờn trên cỏ/ Sao chạy về bản sâu/ Ai chưa lên Cao Bằng/ Chưa thể biết được đâu/ Nắng ong vàng như mật/ Nước Cao Bằng rất trong/ Uống một lần nhớ mãi/ Gạo Cao Bằng thật trắng/ Ăn biết hát nàng ơi”.

Một bài thơ tình khác của Dương Thuấn cũng làm tôi thấy bất ngờ, đó là bài “Lá giầu”. Đó là một bài thơ rất xinh, thể thơ 5 chữ với 3 khổ. Bài thơ kể về sự chia xa của một cặp đôi có lẽ là đang yêu tha thiết. “Lá giầu” trở thành hình ảnh ẩn dụ của tình yêu đó:

Sớm mai anh xuống núi
Lá giầu em rọc đôi
Nửa em ủ dưới gối
Nửa anh mang về xuôi

Chắc hẳn cô gái muốn nói tình yêu của mình cũng nồng cay như lá giầu. Hình ảnh lá giầu gần gũi, tạo cho người ta cảm giác cuộc chia ly này có sự ấm áp từ 2 phía. Và cô dặn người yêu của mình:

Anh đi cất cho kỹ
Kẻo có kẻ rình mò
Nhỡ có người nhìn thấy
Họ biết lại cười cho

nguoi-di-tu-39b243ng-n250i39_2.jpg
Hồ Ba Bể (Bắc Kạn). Ảnh: st.

Cô gái ấy hẳn là còn rất trẻ trung, còn nhiều thẹn thùng, chỉ muốn giữ tình yêu ấy thật kín đáo cho riêng mình. Nhưng bài thơ kết lại bằng một dự cảm về sự tan vỡ, kẻ đi chốn phồn hoa đô hội biết đâu rồi sẽ quên người ở lại nơi chốn cũ. Dự cảm về sự tan vỡ, về nỗi đau dường như làm cho bài thơ ấy đọng lại lâu hơn trong lòng người đọc.

Anh giữ lành anh nhé
Thơm cay một lá giầu
Nếu để rơi một nửa
Làm nửa lá kia đau.

Dương Thuấn có nhiều bài thơ như thế. Đó là những khoảnh khắc của tình yêu, cuộc sống trong suốt hành trình dài dằng dặc của anh từ bản Hon đến các miền đất lạ. Có lẽ nhờ được sống trong không khí văn nghệ dân gian từ bé, âm hưởng từ những buổi hát si, hát lượn đã đưa chàng trai Tày đến với thế giới của văn chương. Và anh dù miệt mài, say đắm ngụp lặn trong thế giới văn chương đó vẫn giữ được một chất giọng riêng, màu sắc riêng của mình, đủ để người ta nhận ra nhà thơ người Tày, Dương Thuấn. Năm 2010, anh cho ra đời tuyển tập thơ đồ sộ, gồm 3 cuốn, hơn 2.000 trang. Đó không chỉ là tiếng lòng sâu nặng của anh với nơi sinh ra mà còn cả là lời tri ân của anh với Hà Nội, nơi anh đang sống và có những tháng ngày thăng hoa của sự nghiệp sáng tác.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nhận xét: “Ít có nhà thơ viết về quê hương mà vừa ngồn ngộn phong phú, vừa thắm thiết như anh. Anh chân thành, hồn nhiên, dẫn mọi người về tận nguồn cội của một đời sống thuần phác, giàu ân tình, giàu cốt cách của dân dộc anh, đề mọi người cùng yêu cái anh yêu...”. Còn Dương Thuấn thì tâm sự: “Người dân tộc mình yêu mến mình, họ muốn biết đầy đủ về mình, thế nên mình làm tuyển tập, tập hợp tương đối đầy đủ sáng tác của mình trong một chặng đường dài”.

Không chỉ làm thơ, viết truyện, giảng dạy, Dương Thuấn còn làm sưu tầm, nghiên cứu về văn hoá dân tộc. Kết quả từ sự làm việc bền bỉ, đầy trách nhiệm, Dương Thuấn được ghi nhận bởi vì anh nghiên cứu bằng tình yêu hồn nhiên với văn hóa dân tộc mình. Nghe kể, khi đang là thầy giáo dạy văn cấp 3 ở miền núi, Dương Thuấn thi vào Trường Viết văn Nguyễn Du rồi được mời làm giảng viên khoa Sáng tác của trường. Anh từng nhận được một tài trợ của Quỹ Fulbright sang Hoa Kỳ mấy tháng để thuyết trình về kết quả nghiên cứu văn hóa Tày. Trong chuyến đi đó, anh đã ngao du nhiều nơi, gặp gỡ với bạn văn thơ. Nhưng đọc thơ anh sẽ hiểu, dù đi đâu, làm gì, anh vẫn mãi mãi là chàng trai đi ra từ “Bóng núi” của bản Hon ngày nào.

Nhà thơ Dương Thuấn sinh năm 1959, người dân tộc Tày. Hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội.
Đã in các tập thơ: Đi tìm bóng núi, Đi ngược mặt trời, Lủc pjạ hết lùa (Con côi làm dâu); Mười bảy khúc đảo ca (trường ca), Hát với sông Năng, Slíp nhỉ tua khoăn (Mười hai con vía), Đêm bên sông yên lặng, Lính Trường Sa thích đùa, Soi bóng vào tôi, Tuyển tập Dương Thuấn (3 tập).

Giải thưởng: Giải A Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1992.

ho25078i-d25078ng
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/nguoi-di-tu-bong-nui-5665449.html Copylink