Sunday, Sep 21, 07:09 AM

Người ‘giữ lửa’ hò chèo cạn

Trong hành trình đưa Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn (xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) từ làn điệu dân gian tự phát đến Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia luôn gắn liền với nghệ nhân Trương Văn Hứa. Dẫu những nỗ lực trao truyền đã được ghi nhận nhưng...

Người ‘giữ lửa’ hò chèo cạn
Người ‘giữ lửa’ hò chèo cạn

Những ngày đầu thu, chúng tôi tìm về làng chài Cẩm Nhượng, nơi có lễ hội đặc sắc vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ở làng chài náo nhiệt này không ai không biết nghệ nhân dân gian Trương Văn Hứa.

Ông Trương Văn Hứa sinh năm 1932 ở cùng con trai ở thôn Xuân Bắc, xã Cẩm Nhượng. Gặp ông, không ai nghĩ ông đã 90 tuổi. Trong căn nhà nhỏ, nhìn ánh mắt ngỡ ngàng của chúng tôi, anh Trương Văn Trọng, con trai thứ 4 của nghệ nhân Trương Văn Hứa vừa mời chúng tôi uống nước vừa trò chuyện: Tuổi 90 nhưng cha tôi còn rất phong độ, ăn mặc bảnh bao, gọn gàng, một mình ông chạy xe máy đi chơi nhà bạn bè, họ hàng. Đặc biệt, ông có trí nhớ không ai bằng. Những bài thơ cha tôi sáng tác lúc 18 tuổi đến giờ mà vẫn thuộc lòng.

Bằng chất giọng trầm, ấm, truyền cảm, ông Hứa kể với chúng tôi về quãng đường gian truân đi tìm chỗ đứng cho hò chèo cạn - “linh hồn” của Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn. Sinh ra tại vùng quê giàu truyền thống văn hóa, từ nhỏ ông Trương Văn Hứa đã được cha truyền dạy những điệu hò chèo cạn.

Khi đang là trai tráng, ông là thuyền trưởng của tàu viễn dương, bôn ba khắp các vùng miền của đất nước. Những năm tháng ấy, hò chèo cạn trở thành bầu bạn, nuôi dưỡng tâm hồn ngư dân Trương Văn Hứa. Nghỉ hưu, trở về quê hương, với giọng hát hay “gia truyền” cùng với nhận thức được giá trị văn hóa riêng của quê hương, ông đeo đuổi niềm say mê những làn điệu dân gian và quyết tâm đưa điệu hò quê hương bước sang trang mới.

Hò chèo cạn là làn điệu dân ca cổ có từ hàng trăm năm mang đậm nét văn hóa đặc trưng truyền thống cầu mưa thuận, gió hòa, được mùa tôm, cá của ngư dân vùng bãi ngang ven cửa biển Cửa Nhượng. Điệu hò đặc sắc này được ví “linh hồn” của Lễ hội cầu ngư làng Nhượng Bạn.

nguoi-giu-lua-h242-ch232o-can_1.jpg
Miếu Đức Ngư Ông - nơi ngư dân Cẩm Nhượng tổ chức tế lễ.

Ông Hứa cho hay, từ trước thời kỳ Pháp thuộc, cha của ông là cụ Trương Văn Học, đã tới nhiều miền biển khác để sưu tầm thêm những câu hò cổ về truyền dạy cho bà con ngư dân trong làng và thành lập đội “hò chèo cạn Nhượng Bạn”.

Tuy nhiên, trải qua những năm tháng ác liệt của chiến tranh, đến năm 1954, đội hò bị giải tán, làn điệu truyền thống cũng mai một. “Năm 1937, nghỉ hưu về quê, tôi bắt đầu công cuộc sưu tầm, khôi phục và truyền dạy hò chèo cạn. Tôi bắt tay thành lập đội hò mới với quyết tâm không để hò chèo cạn thất truyền”, ông Hứa chia sẻ.

Hàng chục năm qua, ông Hứa đi khắp nơi tìm gặp các cụ cao niên, các đội viên của đội hò ngày xưa do bố ông thành lập để ghi chép lại từng câu hò, từng cách luyến láy, ngữ điệu, cho tới động tác di chuyển. Đồng thời, ông còn sáng tác, lồng ghép thêm những câu hò mới với nội dung ca ngợi vẻ đẹp quê hương đất nước, công ơn Đảng và Bác Hồ.

“Các cụ đều tuổi cao, nhiều cụ đã qua đời, sức khỏe yếu, trí nhớ kém nên tôi phải chịu khó đi lại nhiều lần. Có hôm cụ nhớ được đoạn này, ngày mai lại nhớ thêm đoạn khác. Phải mất rất nhiều thời gian mới có thể khôi phục lại được khoảng 40 câu hò cổ”, ông Hứa kể.

Sau 32 năm tâm huyết, Đội hò chèo cạn xã Cẩm Nhượng nay đã là CLB hò chèo cạn, hoạt động quy mô, chuyên nghiệp. CLB không chỉ nổi danh khắp vùng biển Hà Tĩnh, mà còn tham dự và biểu diễn tại nhiều nơi, nhiều chương trình văn hóa lớn.

Dù bước vào tuổi xưa nay hiếm nhưng nghệ nhân Trương Văn Hứa vẫn đứng vai lĩnh xướng trong tất cả các lễ hội của làng Nhượng Bạn như suốt chặng đường hơn 30 năm qua. Với những đóng góp của mình trong gìn giữ, bảo tồn làn điệu hò đặc trưng của quê hương, ông Trương Văn Hứa đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen. Tháng 8/2019, ông được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam công nhận là nghệ nhân dân gian.

Với ngư dân Cẩm Nhượng, giữa biển khơi mênh mông, nơi đầu sóng ngọn gió, con người càng trở nên nhỏ bé. Lễ hội cầu ngư không chỉ là phát huy truyền thống quê hương mà đây còn là sự xác tín tâm linh - tin vào vị thần bảo hộ, che chở cho những chuyến ra khơi vào lộng, tôm cá đầy thuyền, cuộc sống bình yên.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng cho biết, toàn xã hiện có 248 tàu thuyền với hơn 1.100 ngư dân. Lễ hội cầu ngư là nét văn hóa đặc trưng của cư dân vùng biển. Với ngư dân Cẩm Nhượng, Lễ hội cầu ngư là ngày hội lớn, hết sức quan trọng, gắn liền và có ý nghĩa tinh thần lớn lao đối với mỗi người dân.

Hát chèo cạn thì có một người xướng chính (hơn 30 năm nay đều do nghệ nhân Trương Văn Hứa hát xướng) sau đó nam thanh, nữ tú, trai gái, già trẻ trong làng hò hát theo sau. Âm hưởng nhịp nhàng, vang vọng, thể hiện khát vọng vươn khơi, bám biển, cầu mong mưa thuận gió hòa, tôm cá chất đầy khoang sau mỗi chuyến ra khơi vào lộng. Lễ tế ở miếu Đức Ngư Ông được ngư dân sắm sửa lễ vật thịnh soạn, ngư dân tham gia tế lễ mặc đồ lễ chỉnh tề, nghiêm trang, ai nấy thể hiện lòng thành kính cầu mong Nam Hải Đại Thần độ thế phù hộ cho ngư dân gặp may mắn, an lành.

Tháng 5/2021 vừa qua, Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tin vui này đến đúng vào dịp lễ hội truyền thống hàng năm (8/4 âm lịch) của ngư dân Cẩm Nhượng. Tuy nhiên, năm nay dịch bệnh bủa vây, ngày hội của làng chài không thể tổ chức.   

Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn được người dân xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên tổ chức vào ngày 8/4 (âm lịch) hằng năm. Đây là lễ hội có lịch sử hình thành từ lâu đời, tương truyền có từ khi lập làng Nhượng Bạn vào thời Trần. Theo nội dung được ghi trên các bản sắc phong còn được lưu giữ tại Miếu Ngư Ông, thôn Phúc Hải thì ít nhất lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn đã có từ thời Nguyễn, cách đây hàng trăm năm. Lễ hội được người dân Cẩm Nhượng tổ chức nhằm báo đáp công ơn của thần Nam Hải phù hộ cho ngư dân an lành, trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu,người dân no ấm, hạnh phúc.

h26764nh-nguy26764n
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/nguoi-giu-lua-ho-cheo-can-5666361.html Copylink