Nhà thiết kế Tôn Hiếu Anh: Tìm lối riêng
Là con trai của Giáo sư nổi tiếng Tôn Thất Bách, cháu nội đích tôn của Giáo sư Tôn Thất Tùng, nhưng Tôn Hiếu Anh lại theo con đường của một nhà thiết kế thời trang. Tôn Hiếu Anh từng là người mẫu từ năm 1994 đến năm 2000, sau đó anh chuyển sang lĩ...
Thời gian này, bên cạnh việc biên tập viên và là nhà sản xuất của Fashion Studio (Xưởng thời trang), Những phụ nữ có Gu, Lets style... trên Đài Truyền hình VIệt Nam, Tôn Hiếu Anh tập trung làm các công việc liên quan đến hình ảnh, cố vấn nhãn hiệu, giám đốc sáng tạo - cho hình ảnh của nhiều nhãn hàng. Anh cũng muốn tìm sang ngã rẽ mới về thời trang và không gian mạng. Và đó cũng là dự định của anh sẽ thực hiện ở năm 2022.
Mái nhà số 9 Lê Thánh Tông, với Tôn Hiếu Anh, luôn là sự ấm áp, bao bọc và môi trường giáo dục tuyệt hảo. Bên cạnh đó, là kỷ luật khắt khe bao gồm cả việc anh ít khi được đi ra ngoài. Lần đi xa đầu tiên của Tôn Hiếu Anh, vào lớp 6, khi anh đạp xe sang Gia Lâm tìm bạn “và lần đó về mình trả giá một trận nhớ đời”, Tôn Hiếu Anh mỉm cười nhớ lại. Cho đến khi 16 tuổi, Tôn Hiếu Anh được gia đình tạo điều kiện để tiếp xúc xã hội và anh được đi đây đi đó. Bạn bè của anh được mời về nhà chơi vì có sân rộng rãi.
Với ông nội, trong ký ức của Tôn Hiếu Anh là sự nghiêm khắc và uyên bác. “Ông nghiêm khắc đến mức khi bố tôi được ông gọi, là lập tức vứt ngay điếu thuốc lá để vào trò chuyện với ông, khi đó tôi khoảng 4 tuổi. Hình ảnh của ông trong tôi là mái tóc bạc trắng như cước. Ông rất nghiêm khắc, nhất là khi giáo dục tôi và trong trí nhớ của tôi, thì ông cũng rất hài hước. Hẳn những ai gần gũi ông đều nhớ đến điều này”.
Không nối nghiệp ông, cha, mẹ, Tôn Hiếu Anh quyết định đi theo con đường nghệ thuật bởi anh không có sự lựa chọn nào khác. Gần đây khi tìm hiểu, anh biết bản thân mắc chứng ADHD. Ở trẻ con thì rõ nét trong việc tăng động giảm tập trung, còn với anh thì không thể tập trung quá 5 phút trong một cuộc họp hoặc khi làm việc.
“Thêm vào nữa, tôi có chứng khó học môn toán và các con số. Nếu bây giờ bất chợt hỏi tôi bảng cửu chương thì có vài chỗ tôi luôn nhầm ví dụ 8x7 chắc đáp án của tôi là 63 chứ không phải 56. Chính vì lẽ đó, tôi không thể thi Y (với ba môn: Toán – Hóa - Sinh) nên tôi lựa chọn thứ mà tôi yêu thích, đó là thời trang và thử tìm đường cho mình”, anh chia sẻ.
Năm 1993, học lớp 12, Tôn Hiếu Anh tham dự cuộc thi học sinh thanh lịch trường Lý Thường Kiệt và anh đạt giải cao nhất. Từ đó, cánh cửa về sàn diễn mở ra, đó cũng là hình ảnh đẹp đẽ mà anh vốn mơ mộng từ nhỏ. Ngay sau đó, Tôn Hiếu Anh tham gia khóa đầu tiên đào tạo người mẫu ở Hà Nội.
Gần hai mươi năm trước, nghề thời trang còn chưa rõ nét, nên Tôn Hiếu Anh phải tự tìm đường: “Đầu tiên, tôi đi làm người mẫu rồi sau đó thi một trường đào tạo thời trang chuyên nghiệp”. Tôn Hiếu Anh tâm sự: “Lúc đó, tôi không nghĩ được nhiều, cứ thấy cơ hội là tham gia thử trải nghiệm rồi đưa ra quyết định. Đến giờ nghĩ kỹ lại, đó vẫn là sự lựa chọn hoàn hảo nhất với tôi ở hoàn cảnh và thời điểm đó”.
Năm đầu, Tôn Hiếu Anh vẫn cố gắng thi Đại học Y, để bố mẹ hiểu rằng anh không thể. Năm sau, anh bàn với bố mẹ rằng anh sẽ thi Mỹ thuật Công nghiệp. Bố mẹ luôn an ủi và nói, nếu anh chọn con đường đó thì tự mình khám phá vì bố mẹ không thể giúp được gì.
“Tôi cảm ơn vì bố mẹ luôn đồng ý với lựa chọn của tôi. Mặc dù rõ ràng bố mẹ buồn. Vì bố nhận ra năng khiếu để trở thành một bác sĩ giỏi của tôi: Tôi yêu bệnh viện, có sự đồng cảm với nỗi đau của người bệnh, tôi khéo tay, tôi tư duy hình ảnh tốt và hơn nữa tôi học rất nhanh nhất là thời học giải phẫu sinh lý người hồi cuối cấp 2. Tuy nhiên nếu thi với Toán - Hóa - Sinh là điều quá khó khăn với tôi, hoặc bố mẹ tôi có phương pháp khác thì may ra tôi mới có thể học được, tiếc là thời đó không như bây giờ”.
Khi đã quyết định theo thời trang chuyên ngành thiết kế tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Tôn Hiếu Anh gặp và được truyền lửa bởi thầy Vũ Chí Công, người duy nhất mà anh muốn học. Thầy đã mở cho anh cánh cửa nghiên cứu theo xu hướng, theo hình dáng. Sau đó anh mơ ước được đi du học, được chạm tay vào thời trang. Cơ hội duy nhất đã đến khi Tôn Hiếu Anh được chọn là một trong hai người được học bổng toàn phần sang London, theo học ngành giáo viên giảng dạy thời trang. Đó cũng là cánh cửa sáng nhất mà anh có và nắm được chắc chắn. Sau hai năm học, Tôn Hiếu Anh về Học viện Thời trang London Hà Nội dạy toàn thời gian một vài kỳ, sau đó, anh chỉ dạy các khóa ngắn hạn nhiều năm nay.
“Tôi may mắn khi được nhiều giải thưởng thời trang, từ giải Nhì của Hội đồng Anh đến giải Nhất của tạp chí Đẹp tổ chức. Tôi mở nhãn hàng riêng của mình ngay khi là sinh viên năm thứ hai và được mệnh danh là nhà thiết kế cho giới ca sĩ và các vũ trường của thập niên 2000. Tôi có rất nhiều khách hàng và uy tín, đến sau này tôi bỏ nghề thiết kế, vẫn có người kể chuyện ngày xưa thích mặc đồ của tôi thiết kế ra sao. Ước mơ nhà thiết kế đó kéo dài cho đến khi tôi đi du học về, tôi muốn bỏ nghề vì khó khăn bởi việc cạnh tranh với hàng thời trang giá rẻ nhập lậu, khó khăn bởi chất liệu và hơn thế nữa khó khăn về sự không biết tính toán của tôi”, Tôn Hiếu Anh tâm sự.
Trở thành nhà thiết kế thời trang, Tôn Hiếu Anh mong muốn theo dòng thời trang “mass market” (thị trường đại chúng) cho nhiều người, giá rẻ mà lại rất thời trang. Tôn Hiếu Anh vẫn đang làm điều đó qua việc đi giảng dạy, làm các chương trình truyền hình…
Sau khi đóng nhãn hàng của mình, bước chuyển kế tiếp của Tôn Hiếu Anh là thi vào Đài Truyền hình Việt Nam, trở thành một biên tập viên và anh chạm tay vào thời trang thực sự khi về VTV6: “Tôi thích nhất là Chương trình Xưởng thời trang - nơi tôi cố gắng tạo ra một sân chơi và hệ sinh thái cho ngành thời trang ở Hà Nội. Kết nối các nhà thiết kế, tạo sân chơi cho các bạn trẻ muốn theo nghề stylist và hơn nữa dành cho các khán giả muốn trải nghiệm phong cách mới hay tìm kiếm sự thay đổi cho mình. Và đó là chương trình tôi rất thành công, rất nhiều bạn trẻ trở thành stylist sau khi tham dự chương trình với chúng tôi và giờ này họ vẫn còn nhắc tới. Có rất nhiều bạn cũng thành công trong lĩnh vực thời trang sau khi họ tham gia Xưởng thời trang, nhưng tiếc là chương trình chỉ tồn tại trong 5 năm”.
Trong hai năm dịch bệnh và giãn cách, Tôn Hiếu Anh và đồng nghiệp làm việc trong điều kiện hạn chế, chủ yếu là online và chuyển đổi số: “Chúng tôi làm các chương trình thông qua phỏng vấn qua các nền tảng, và tôi luôn xung phong đi trực, đi làm để được trải nghiệm nhiều thứ ý nghĩa hơn. Nhờ những ngày như thế này mà tự sắp xếp lại cuộc sống, cũng như chuyển bước sang một cách sống mới, phù hợp hơn với thời đại và thú vị. Tôi thích trải nghiệm mới để mình hoàn thiện hơn”.
Để cân bằng các cảm xúc, và mang tinh thần tích cực tới thế hệ trẻ thông qua các chương trình, Tôn Hiếu Anh dần hướng tới Phật pháp. Anh luôn tin vào quan điểm về nhân quả: “Tôi tạo ra kết quả cho chính mình. Cảm xúc là thứ tôi luôn gào thét hằng ngày bởi sự mâu thuẫn và tôi chia mình ra làm hai phần. Một mảng cho chính tôi bằng lãng đãng thoải mái với chính cảm xúc của mình, còn khi ra với cộng đồng luôn là tinh thần tích cực. Điều tôi muốn thể hiện cho mọi người. Thông thường tôi sẽ là bộ lọc và viết lại thứ tôi trải nghiệm được, tôi sẽ chia sẻ vào các bài viết, các sản phẩm phóng sự tin bài hoặc những talk-show kỹ năng sống”.
Dù đứng trên bục giảng và đào tạo nhiều thế hệ học trò, Tôn Hiếu Anh vẫn không thích mọi người gọi anh bằng “thầy giáo”, bởi anh mang quan điểm hoàn hảo hóa khái niệm chữ thầy khi nhìn ông nội và bố là những người thầy tuyệt vời. Vì thế, một cách khiêm tốn, Tôn Hiếu Anh tự nhận mình là một người đi trước trong nghề có nhiều kinh nghiệm và muốn truyền tải sự yêu nghề, kiến thức có được thời du học bên Anh, cũng như hơn 20 năm trong nghề thời trang.
Hiện nay, Tôn Hiếu Anh rút lui, chọn vị trí đứng sau những câu chuyện nhãn hiệu, nhưng vẫn tìm nhà đầu tư thích hợp để thực hiện ước mơ thời trang giá vừa phải cho mọi người, được đẹp được mốt và được yêu cơ thể của chính mình: “Lúc này, tôi đang tìm cảm giác hạnh phúc, lối sống chấp nhận và tha thứ cho chính bản thân, đó cũng là điều tôi đang tìm kiếm để chỉnh sửa mình”.
Không nối nghiệp ông, cha, mẹ, Tôn Hiếu Anh quyết định đi theo con đường nghệ thuật bởi anh không có sự lựa chọn nào khác. Gần đây khi tìm hiểu, anh biết bản thân mắc chứng ADHD. Ở trẻ con thì rõ nét trong việc tăng động giảm tập trung, còn với anh thì không thể tập trung quá 5 phút trong một cuộc họp hoặc khi làm việc. “Thêm vào nữa, tôi có chứng khó học môn toán và các con số. Nếu bây giờ bất chợt hỏi tôi bản cửu chương thì có vài chỗ tôi luôn nhầm ví dụ 8x7 chắc đáp án của tôi là 63 chứ không phải 56. Chính vì lẽ đó, tôi không thể thi Y (với ba môn: Toán – Hóa - Sinh) nên tôi lựa chọn thứ mà tôi yêu thích, đó là thời trang và thử tìm đường cho mình”, anh chia sẻ.