Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Mong sao hết dịch
Nguyễn Văn Chung là một trong những gương mặt nhạc sĩ trẻ ăn khách hiện nay. Vì những bản “hit” như “Vầng trăng khóc”, “Chiếc khăn gió ấm”, “Nhật ký của mẹ”, “Con đường mưa”, “Ngôi nhà hoa hồng”, “Mùa đông không lạnh” và hàng trăm ca khúc khác, Ng...
1. Cái tên Nguyễn Văn Chung gần đây càng được nhiều người nhắc tới khi anh liên tục đưa ra những ca khúc mới, như “Bài ca khu cách ly” và “Mong sao hết dịch”… Sống ở đô thị sôi động như TP.HCM, khi Covid-19 ập đến khiến các hoạt động phải đóng băng, đặc biệt, khi chứng kiến nhiều hình ảnh đầy cảm xúc, nhạc sĩ 8X này đã xúc động viết những ca khúc khá thời sự. Ca khúc “Bài ca khu cách ly” được viết theo phong cách pop ballad. Thực ra, nó được chính Nguyễn Văn Chung đặt lời mới cho ca khúc “Chiếc khăn gió ấm” vốn từng quen thuộc với thế hệ nghe nhạc 8X. Nhưng “Bài ca khu cách ly” có màu sắc âm nhạc mới hơn. Còn ca từ thì hoàn toàn mới:
Cách ly nhau vài ngày, người ta check xem F mấy
Còn ai dương tính ở đây?
Giờ đây ở nhà là yêu nước
Giờ đây chống dịch là yêu nước
Chỉ mong sớm mai chẳng còn thêm khu cách ly...
Nguyễn Văn Chung đã khéo lồng ghép những lời nhắc nhở mọi người thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, tự khai báo y tế trung thực và quét mã QR ở những nơi mình từng đi qua. Bài hát ngay sau đó đã được nhiều khán giả nghe đi nghe lại.
Sau “Bài ca khu cách ly”, mới rồi nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho ra mắt ca khúc “Mong sao hết dịch”. Bài hát được hòa âm trên tiếng đàn ukulele của Trần Việt Dương, thể hiện là ca sĩ trẻ Như Thùy với các ca từ gần gũi, dí dỏm:
Mong sao giờ đây mau hết dịch
Chớp mắt đã qua cả cuốn lịch
Ai cũng bảo nhau thôi hãy bình tĩnh
Cúp máy thì khóc riêng một mình
Mong sao giờ đây mau hết dịch
Tôi muốn làm việc để kiếm tiền
Tôi muốn được ăn cơm tấm bì chả
Muốn du lịch nơi đâu rất xa...
“Mong sao hết dịch” nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung như “nói hộ” nhiều người, chính vì thế ngay sau khi được đưa lên mạng xã hội đã có nhiều người đồng cảm. Có cảm giác, bài hát này là sự tiếp nối câu chuyện từ “Bài ca khu cách ly”, bởi nếu “Bài ca khu cách ly” là bài hát nói về sự lạc quan của một chàng trai đang trong khu cách ly không được gặp bạn gái của mình thì “Mong sao hết dịch” lại là tâm trạng của cô bạn gái đó: mong sao sớm hết dịch để được gặp lại bạn trai của mình, để được ăn những món mình thích, được du lịch, được gặp bạn bè… Toàn những điều đơn giản trước đây, những điều bình thường trước đây, thì vào thời điểm này lại phải ước mong, chờ đợi.
Với “Bài ca khu cách ly” và “Mong sao hết dịch”, Nguyễn Văn Chung vui vì được mọi người đón nhận, vui vì nó đã mang lại tiếng cười, sự vui vẻ, lan toả được nguồn năng lượng tích cực cho mọi người trong thời gian dịch bệnh bủa vây. Anh mong là sự lan tỏa và nội dung hai ca khúc sẽ khiến mọi người cảm thấy đỡ bi quan, buồn rầu hơn và sẽ ý thức hơn, chấp hành nghiêm chỉnh các chỉ thị của Nhà nước để chúng ta sớm dập được dịch, quay trở lại cuộc sống bình thường.
2. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sinh năm 1983 tại TP HCM, anh được nhiều người biết tới với các ca khúc về tình yêu, nổi bật là “Nhật ký của mẹ”. Nhưng có một dấu mốc lớn ảnh hưởng tới công việc sáng tác của Nguyễn Văn Chung, đó là từ năm 2012, khi có con gái nhỏ, thì anh bất ngờ tập trung sáng tác các ca khúc thiếu nhi. Đến nay, anh đã viết hơn 350 bài hát cho thiếu nhi, trong đó đã công bố hơn 100 bài. Và trong số những bài hát đã công bố ấy, có tới chục bài đã trở nên quen thuộc, được rất nhiều cô bé, cậu bé hát vang: “Gia đình nhỏ hạnh phúc to”, “Nhật ký của mẹ”, “Thư của mẹ”, “Bé mừng sinh nhật”, “Mẹ ơi có biết”, “Cảm ơn thiên thần”… Bên cạnh đó, 5 bài của Nguyễn Văn Chung được đưa vào sách giáo khoa.
Nghe những ca khúc viết cho thiếu nhi của Nguyễn Văn Chung thấy sự gần gũi, mộc mạc trong cách lựa chọn đề tài và lời ca. Phần lớn, các bài hát đều có tiết tấu hiện đại, ca từ đơn giản nhưng có ý nghĩa và không kém phần sâu sắc.
Nguyễn Văn Chung quan niệm, nếu ai đó nghĩ rằng, viết nhạc thiếu nhi là đơn giản, dễ dàng thì chắc chắn là sai lầm. Vì rõ ràng các bé thiếu nhi bây giờ rất khác chúng ta ngày xưa, các bé giỏi hơn, thông minh hơn, tiếp cận với nhiều nguồn thông tin hơn nên gu thẩm mỹ âm nhạc và độ cảm thụ cũng cao hơn, nhiều lựa chọn hơn các thể loại âm nhạc. Vì thế chúng ta cũng phải thích nghi, học hỏi và tiếp cận nhiều hơn để có thể có được tư duy chính xác khi viết nhạc thiếu nhi. Không còn là những bài hát đơn giản chung chung ngắn gọn như xưa, mà mỗi bài hát phải cùng lúc đáp ứng nhiều tiêu chí khác nhau: Có tiết tấu hiện đại, ngôn ngữ chân thật và cũng phải gần gũi với đời sống của chúng. Nội dung phải đúng với những gì chúng đang quan tâm, hình ảnh cũng phải đầy màu sắc, đủ thu hút và tạo sự thú vị. Bên cạnh đó, thông điệp bài học ý nghĩa phải được lồng ghép nhẹ nhàng, khéo léo, không hô hào sáo rỗng... Tất cả điều đó cần được nghiên cứu một cách cẩn thận và khoa học trước khi đặt bút viết một bài hát thiếu nhi với nguồn cảm xúc sẵn có.
Anh từng chia sẻ: “Khi tôi quyết định viết nhạc thiếu nhi, nghĩa là tôi đã quyết định xây dựng môi trường xung quanh các bé để luôn luôn có nguồn ý tưởng và cảm xúc dồi dào để viết…”.
Năm ngoái, Nguyễn Văn Chung đã được trao Giải Khát vọng Dế Mèn với chùm ca khúc viết cho thiếu nhi và được trao kỷ lục Việt Nam dành cho “Nhạc sĩ trẻ sáng tác nhiều ca khúc thiếu nhi nhất Việt Nam”.
3. Với hàng trăm ca khúc, trong đó hàng chục bản “hit” được nhiều ca sĩ ăn khách trên thị trường biểu diễn, thậm chí mua độc quyền, Nguyễn Văn Chung là nhạc sĩ có thu nhập “khủng”.
Nhuận bút của anh tăng đều theo từng quý. Nếu quý 3 năm 2020 là hơn 300 triệu đồng thì sang quý 4 của năm đó đã hơn 400 triệu đồng. Có thể nói, nhuận bút mà nhạc sĩ trẻ này nhận được hàng quý từ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam luôn ở hàng “top ten”. Nhất là thời gian ở nhà tránh dịch, lượng người xem nghe lại càng tăng lên. “Mặc dù Covid-19 gây ảnh hưởng đến hoạt động nghệ thuật, song số tiền tác quyền tôi nhận được khá cao”, Nguyễn Văn Chung nói.
Sau chặng đường 20 năm theo nghề, Nguyễn Văn Chung vẫn luôn gắng gỏi mỗi ngày. Anh tâm niệm rằng, cuộc đời không có ai nhắc mình làm bài tập như ở trường học, mình phải tự suy nghĩ, tự mình ra đề bài và tự giải!
Với anh, làm gì có chuyện một sớm thức dậy bỗng dưng thành công, bỗng dưng nổi tiếng. “Sự nghiệp phải được gây dựng mỗi ngày. Chỉ có mình mới hiểu mình đang làm gì và phải làm gì”, anh tâm niệm.
“Dù đã trải qua bao thăng trầm, nhiều lần thất thoát, oan ức và áp lực, thậm chí là cả một biến cố khủng hoảng vào năm 2019 khiến mình gần như mất hết tất cả, nhưng mình không chấp nhận sự bế tắc, mình vẫn gượng dậy và bắt đầu lại từ đầu!”
20 năm đi theo con đường âm nhạc, tất nhiên, chưa thể nói là dài. Nhưng đó là một đoạn đường áp lực, chông gai. Và khi đã vượt qua, đã đi qua, thì phía trước con đường âm nhạc ấy còn thênh thang rộng mở.
Thênh thang nhưng cũng không có nghĩa là bằng phẳng dễ dàng. Vẫn luôn có những thử thách, thậm chí những “cái bẫy” giăng ra, nhất là ở thời buổi âm nhạc thị trường đang có phần áp đảo. Điều đó, không chỉ đòi hỏi ở Nguyễn Văn Chung, mà cả ở nhiều nhạc sĩ khác, cần vượt qua, bước tiếp bằng sự “biết mình”, “hiểu mình” và “khắt khe với chính mình”. Với Nguyễn Văn Chung, tôi tin điều anh nói:
“Trước sau gì, tôi vẫn yêu âm nhạc. Đó là nguồn vui và nguồn sống của tôi”.
Sau dự án âm nhạc cho thiếu nhi, sau những “Bài ca khu cách ly”, “Mong sao hết dịch”… tin rằng Nguyễn Văn Chung sẽ tìm ra một hướng đi mới, một nguồn năng lượng mới, để lại có thêm những bản “hit” chinh phục khán thính giả yêu nhạc.