Nhàn đàm: Đọc là một sự lựa chọn
Đọc sách có lẽ là thú vui lặng lẽ nhưng cũng ồn ào nhất. Rất nhiều lần người ta nhắc đến sách và sự đọc của người Việt hôm nay, đến những thư viện, đến những không gian đọc miễn phí…
Đọc là một sở thích tự thân. Bởi thế, mỗi người có năng lực và giới hạn đọc nhất định. Khi tóc đã pha sương, có thể bạn sẽ tìm lại cuốn Đôn Ki-hô-tê của văn sĩ Miguel de Cervantes Saavedra để đọc ra những gì mà khi xưa bạn chưa thể thích thú nổi. Hoặc, chính sự va vấp đã dạy bạn hiểu ra ý nghĩa của trang văn đó.
Người viết có con đường riêng để tạo ra những trang viết cho mình. Họ không quá lệ thuộc vào người đọc, không bị sự đọc quy định. Nhiều khi chính hoàn cảnh sống, thái độ, tình cảm, sự hiểu biết đã giúp sáng tác của họ hướng đến những nhóm người đọc, nhóm tiếp nhận, những số phận, hoàn cảnh riêng mà chính họ đã sống trong điều kiện đó, có được quan niệm đó. Bởi thế, sự đọc cũng không có khuôn mẫu phải đọc sách gì mới là người hiểu biết.
Bản thân đọc đã là sự lựa chọn của mỗi người. Đọc theo mạch chủ đề để hiểu về vùng đất, con người. Một người không may bị khuyết tật đọc tìm thấy sự đồng cảm, sự an ủi từ chính nhà văn, từ chính các nhân vật có cùng cảnh ngộ như mình cũng rất ý nghĩa. Lại có khi đọc để biết về những miền đất, những thời điểm lịch sử rồi sau đó ngồi đàm đạo với bạn bè về các khía cạnh. Có thể dẫn đến tranh luận, lật lại một chi tiết mà bạn thấy khó tin trong tác phẩm. Không ai đọc sách giống ai, có lẽ mới là lý do để sách tồn tại.
Sách là một cảnh giới với mọi người. Khi chúng ta đọc có nghĩa chúng ta đang cúi đầu, đang nhìn xuống dưới chân mình rón rén hay đang lo âu? Để rồi từ đó, biết thức tỉnh, thanh lọc. Vậy thì, sao có thể đem cái tham lam vào sự đọc. Bạn có tiền, bạn có thể mua cả một giá sách, vì đó chỉ là giá trị về kinh tế. Nhưng nếu bạn thấu hiểu, xin đừng nên đọc lấy được để khoe mẽ, đừng biến mình thành anh thủ kho sách bất đắc dĩ, đừng biến bộ não thành thùng rác với mớ thông tin tạp nham, những triết lý sống vụn vặt. Nên nhớ sách là kho tàng tri thức nhưng để mở được cánh cửa bước vào kho tàng ấy phải cần chính từ nhu cầu tự thân, từ tình cảm thẩm mỹ, từ mục đích sống của bạn.
Trong thời đại công nghệ, có thể sách không còn là nguồn thông tin duy nhất. Người ta đọc sách như thể ngồi thiền, tập yoga, chơi cờ, đi câu… hoặc cũng có thể mua sách về để trang trí trong không gian sống của mình. Đọc đến nhàu gáy sách, đọc lướt vài chương hay chỉ đơn giản là lướt qua bìa sách… cũng đều là sự đọc. Chúng ta sống để đạt đến chân lý bằng nhiều con đường, cảm nhận giá trị sống bằng nhiều tầng bậc nên sẽ chẳng bao giờ lỡ hẹn với sự đọc. Một khi, chúng ta vẫn thanh thản mở lòng và đón nhận…
Theo Thanh Niên https://thanhnien.vn/van-hoa/nhan-dam-doc-la-mot-su-lua-chon-1370594.html Copylink