Nở rộ diễn đàn văn chương mạng
Hoạt động của nhiều diễn đàn văn chương mạng đang cho thấy mối quan tâm, sự tham gia rộng rãi của bạn viết, bạn đọc khắp nơi đối với hình thức sinh hoạt văn nghệ mới mẻ này. Cùng với đó, có những điểm nhấn đáng chú ý trong cách tổ chức, vận hành c...
1. Nở rộ trên không gian mạng thời gian qua, các diễn đàn văn chương thu hút lượng người tham gia, người viết, người đọc đông đảo. Chưa có những thống kê tương đối cụ thể, nhưng có thể thấy, nhiều trang mạng văn chương có số thành viên lên đến hàng nghìn, hàng vạn người. Đây là các tác giả đang sinh sống, làm việc tại nhiều vùng miền, địa phương trong cả nước, và người Việt ở nước ngoài.
Ở quy mô nhỏ hơn, cũng có hàng trăm người góp mặt vào một số hội sáng tác tự thành lập, nhóm văn nhân, trang tản văn, câu lạc bộ thơ... Các diễn đàn nhỏ này được lập ra, mời gọi các tác giả trên một địa bàn nào ở phạm vi quận, huyện, hoặc những người sáng tác, yêu văn chương gần gũi nhau về mối quan tâm, nghề nghiệp, không gian cư trú.
Các diễn đàn đó, thường có tần suất đăng tải các sáng tác thơ, văn - thường là tản văn, truyện ngắn một cách thường xuyên đến liên tục. Cùng với đó là sự theo dõi, thưởng lãm, bình luận của hàng chục, hàng trăm bạn đọc. Trước hết chính là các bạn văn thơ thành viên diễn đàn. Sinh hoạt này tạo nên không khí sôi nổi trong nội bộ diễn đàn, trong nhóm hay cộng đồng viết. Về một khía cạnh, thì đây chính là những cộng đồng bạn đọc có tính chọn lọc với nhiều người đọc chính là người viết, có sự tìm hiểu, tích lũy nhiều năm, có mối quan tâm và dành thời gian, tâm sức đáng kể cho văn chương - gồm cả công việc sáng tác của mình lẫn đời sống văn học nói chung.
Ngoài việc đăng tải, bình luận về các sáng tác, một số diễn đàn còn kiến tạo các hoạt động dành cho các thành viên, nhận được sự hưởng ứng sôi nổi và có những hoạt động gây chú ý trong dư luận, được truyền thông quan tâm. Có thể kể đến việc tổ chức xuất bản những tập sáng tác chọn lọc của nhiều tác giả trong diễn đàn; tổ chức các cuộc thi thơ, truyện ngắn; cung cấp, chia sẻ và bàn luận xung quanh những hiện tượng, vấn đề văn chương nổi bật đang được giới nghề, dư luận quan tâm...
Thông qua các diễn đàn, các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên đam mê văn chương có điều kiện mở rộng sự giao lưu, phát triển các mối quan hệ nghề nghiệp, có cơ hội tham gia nhiều hơn vào các hoạt động gắn với nghề viết như thẩm bình, bàn luận, thi đua sáng tác, in ấn, xuất bản, quảng bá tác phẩm. Cũng qua các diễn đàn, từ sự giới thiệu nội bộ, cho đến các mối liên hệ với báo chí, các tác giả thành viên có dịp cộng tác, xuất hiện trên báo chí chuyên môn về văn học nghệ thuật, các báo in, báo mạng có trang mục đăng tải sáng tác thơ, truyện ngắn, tản văn...
Đây đều là những hiệu quả thiết thực từ việc vận hành, tham gia các diễn đàn văn học trên mạng. Chúng góp phần khích lệ tác giả thử sức, dấn thân hào hứng, nhiệt tình hơn trên hành trình sáng tác.
2. Sự ra đời và nở rộ các diễn đàn, có trợ lực quan trọng của thành tựu công nghệ thông tin, truyền thông. Hình thức, phương thức hoạt động của các trang mạng cho phép quy tụ, kết nối lượng người đông đảo và khả năng tương tác nhanh chóng. Cũng như, chính những tiện ích của các trang mạng này lại gợi mở, cho phép các ban quản trị, những người chủ trì các diễn đàn suy nghĩ, phát triển ý tưởng và triển khai các hoạt động, các cuộc sinh hoạt văn chương một cách phong phú và thường xuyên trên môi trường mạng.
Thêm nữa, các diễn đàn trở nên một sự thỏa mãn nhất định và đáng kể đối với số lượng người sáng tác đông đảo, mà trong đó, nhiều tác giả có nhu cầu giới thiệu, quảng bá tác phẩm, giao lưu với đồng nghiệp, kết nối với bạn đọc. Điều này cũng như một sự chọn lựa, gặp gỡ tự nhiên. Bởi thực tế thì các báo chí chuyên môn như Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, Văn nghệ công an, các báo, tạp chí văn học nghệ thuật các tỉnh thành cùng một số báo chí có trang văn học khác, khó lòng đáp ứng, đón nhận, thẩm định, duyệt đăng hay đủ chỗ đăng tải cho rất đông người viết chuyên nghiệp, không chuyên ở mỗi địa phương hay trong cả nước. Mặt khác, hình thức cùng tham dự, tương tác thường xuyên và khá cởi mở giữa các thành viên diễn đàn, dường như thu hút được nhiều tác giả, góp phần giãn bớt thói quen truyền thống là tìm gửi tác phẩm đến các báo, tạp chí, chờ đợi, mong ngóng đăng tải trong hoàn cảnh mà sự liên hệ, trao đổi giữa các biên tập viên với các tác giả cũng hạn chế.
Rất đáng chú ý, là các diễn đàn với khả năng đón nhận đông đảo và tính cởi mở, cũng đã và đang mời gọi được sự tham gia của nhiều cây bút đã có quá trình và kinh nghiệm sáng tác, có uy tín văn chương, là hội viên các hội văn học trung ương và văn học nghệ thuật địa phương. Sự tham gia này của các cây bút vững vàng về tay nghề, cùng với tính chất cọ sát, thi đua trong các diễn đàn, góp phần vào việc thúc đẩy sáng tác, chất lượng sáng tác chung của các tác giả thành viên.
3. Nhìn vào hoạt động của một số diễn đàn, nhất là các diễn đàn gây chú ý về hoạt động, sự kiện, sản phẩm, khả năng quy tụ, mời gọi…, ngay chính các hội nghề nghiệp về văn học, văn học nghệ thuật cũng có thể tham khảo từ đó một số điểm nổi bật trong cơ chế, tính chất hoạt động, hiệu quả lan tỏa. Riêng về cách thức kết nối, kiến tạo hoạt động, ở đó có thể có những kinh nghiệm, kỹ năng đáng suy ngẫm dành cho các hội, nhất là hội văn học nghệ thuật địa phương, các báo điện tử, website, facebook, fanpage… của các báo chí văn nghệ nói chung.
Điều này càng đáng lưu tâm khi nhiều hội viên của các hội nghề nghiệp, trong đó có các hội viên cao tuổi, trung tuổi chứ không chỉ hội viên trẻ, đã và đang quan tâm tham gia, sử dụng mạng xã hội. Nhiều người coi đó như cách làm hữu hiệu cho việc quảng bá sáng tác, giao lưu nghề nghiệp của mình. Vì vậy, sự cải tiến, đổi mới, phát huy tính kết nối, tương tác trong môi trường mạng của các báo mạng, trang mạng trực thuộc các hội, sẽ góp phần mời gọi, kết nối hội viên, tăng khả năng trao đổi, thưởng thức và học hỏi lẫn nhau giữa các hội viên, các tác giả trên địa bàn và từ các địa phương khác.
Tất nhiên, khi cải tiến, mở rộng quy mô hoạt động của các trang mạng đó, thì đòi hỏi đội ngũ quản trị, điều hành cũng phải dành thời gian vận hành, tương tác với các hội viên, tác giả quan tâm. Và nhiều hơn là bồi đắp về tư duy, kỹ năng trong hoạt động nghề nghiệp, hoạt động phong trào, hoạt động trên môi trường mạng… để có thể đón nhận, trao đổi, tương tác với nhiều những xu hướng, quan điểm, ý kiến đa chiều của người cầm bút.
4. Đương nhiên, còn cần có những góp ý, cũng như tự nhận thấy, tự rút kinh nghiệm trong đội ngũ quản trị, điều hành, thành viên các diễn đàn. Mục tiêu lớn nhất là nâng cao chất lượng sáng tác; kiến tạo nhiều hình thức sinh hoạt, hoạt động nghề nghiệp cho các thành viên, hội viên. Đặc biệt là nhằm tăng tính phản biện, góp ý trong phẩm bình văn chương giữa các thành viên diễn đàn. Hay từ diễn đàn mà mở ra khả năng quảng bá, kết nối rộng rãi giữa diễn đàn với bạn đọc, công chúng trong xã hội; từng bước kết nối, hợp tác hoạt động giữa các diễn đàn với các hội nghề nghiệp, cơ quan báo chí, xuất bản... để đem lại lợi ích chung chính đáng, giá trị.
Các diễn đàn văn chương đang tham gia nhiều hơn vào đời sống sáng tác, sinh hoạt nghề nghiệp của nhiều người cầm bút; có những hoạt động gây tác động tích cực đến việc viết lách, quảng bá tác phẩm, giao lưu của họ. Quan sát, đánh giá nhiều hơn về cách thức tổ chức, vận hành, hiệu quả hoạt động để ghi nhận, tham khảo, học hỏi, góp ý, gợi mở với các diễn đàn là một việc đáng quan tâm, trao đổi, đàm luận trong đời sống văn nghệ hiện nay. Qua đó có thể giúp tốt hơn, hay hơn, lan tỏa hơn cho các diễn đàn mang tính chất nhóm, cộng đồng cá nhân này. Cũng như cho cả một số diễn đàn trên mạng được các tổ chức, cơ quan, đơn vị văn học nghệ thuật xây dựng. Các diễn đàn đó vốn cũng đang đứng trước đòi hỏi cải tiến, phát triển để mời gọi, đáp ứng nhu cầu của đông đảo bạn viết, bạn đọc.