Friday, Feb 21, 07:02 PM

NSND Hoàng Dũng và chuyến xuất hành lặng lẽ

Đã có nhiều giai thoại, sự thật về định mệnh - nghề nghiệp. Văn là người. Sân khấu, Điện ảnh là người. Nhân vật được sáng tạo, hóa thân rồi "ám" vào nghệ sĩ như số phận kép, một cái kết bất ngờ mà khi xảy ra, suy nghiệm kỹ, công chúng và giới nghề lại thấy như "điềm báo trước". NSND Hoàng Dũng, một "Ông Hoàng" tài hoa của Kịch nói Việt Nam, đã chọn buổi chiều ngày lễ Tình yêu để rời trần thế.

NSND Hoàng Dũng và chuyến xuất hành lặng lẽ
NSND Hoàng Dũng và chuyến xuất hành lặng lẽ

Đã có nhiều giai thoại, sự thật về định mệnh - nghề nghiệp. Văn là người. Sân khấu, Điện ảnh là người. Nhân vật được sáng tạo, hóa thân rồi "ám" vào nghệ sĩ như số phận kép, một cái kết bất ngờ mà khi xảy ra, suy nghiệm kỹ, công chúng và giới nghề lại thấy như "điềm báo trước". NSND Hoàng Dũng, một "Ông Hoàng" tài hoa của Kịch nói Việt Nam, đã chọn buổi chiều ngày lễ Tình yêu để rời trần thế.

Nghĩ đến ông, tôi liên tưởng một danh từ hiếm dùng. Nó không hào nhoáng tưng bừng hào quang như kiểu "ngôi sao", "hiện tượng", "ông vua", "nữ hoàng"... nhưng đã lập tức găm vào nếp não tôi ngay lần đầu nhìn thấy. Đó là từ “Công nhân sân khấu” mà các đoàn hát từ Sài Gòn, thập niên 40, 50 thế kỉ trước, khi ra Hà Nội và kéo về Đất Cảng, thành phố công nghiệp Hải Phòng, thì luôn mời bằng được Sỹ Tiến (1916-1982, Ông Tổ Cải lương miền Bắc), một nghệ sĩ toàn năng, một trụ cột của kịch hát dân tộc, khi ấy đã là tác giả, đạo diễn lừng danh, tái xuất với vai trò diễn viên, diễn trích đoạn “Tam khí Chu Du” (Chu Du 3 lần thổ huyết) vô song không ai làm được (tính đến nay) để hút khách, với dòng quảng cáo nhấn mạnh: "Màn diễn đặc biệt của ngôi sao lớn Cải lương - công nhân sân khấu Sỹ Tiến".

1. Vẫn ngưng đọng trong tôi, hình ảnh Hoàng Dũng hóa thân vào vai Bá Nhỡ trong vở kịch “Tiếng đàn vùng Mê Thảo”, do PGS Tất Thắng phỏng theo tiểu thuyết/ truyện “Chùa Đàn” của Nguyễn Tuân. Hoàn thành năm 1945, Chùa Đàn là truyện duy nhất có yếu tố ma quái của Nguyễn Tuân, được GS Hoàng Như Mai đánh giá là "tác phẩm thượng đỉnh". Say mê cái Đẹp, Nguyễn Tuân luôn trung thành với quan điểm: Cái Đẹp và Nghệ thuật phải công phu, tinh luyện gian nan, thậm chí phải hy sinh, trả giá.

Giữa vùng hoang sơn dã địa lại có ấp Mê Thảo. Nơi ấy, ông chủ Lãnh Út rất mê ca trù - 1 thú chơi tao nhã chốn kinh kỳ. Ông chủ (NSND Trung Hiếu) mê tiếng hát của Cô Tơ (NSƯT Kiều Thanh), một ca nương lừng danh, lại khéo pha trà, trò chuyện. Bà chủ ấp (NSND Thu Hà) cũng yêu ca trù và tiếng hát của Thị Tơ; nhưng sự hẹp hòi của đàn bà khiến bà chủ nổi lòng ghen, mắng mỏ, chèn ép muốn đuổi Tơ đi. Đúng lúc ấy thì Chánh Đàn (Thiện Tùng), một kép đàn có tiếng lên tận vùng này tìm vợ. Tơ xin phép cậu chủ ra đi. Rồi bà chủ yểu mệnh. Ông chủ vừa thương nhớ vợ, vừa khát khao được nghe tiếng hát cô Tơ mà sinh bệnh ốm nặng.

Trên đường chạy loạn, vợ chồng Chánh Đàn - Thị Tơ đến quán dừng chân. Ở đây, quan Tây đang muốn nghe đàn hát, mà kép đàn say rượu nên không đánh được đàn. Tên quan Pháp nổi giận muốn chặt tay anh nhạc công bí tỉ, Chánh Đàn xin tha và muốn đàn thế phục vụ để cứu đồng nghiệp. Màn biểu diễn khiến quan Tây ngây ngất bèn muốn đưa cặp vợ chồng về phủ để phục vụ. Họ không chịu làm nô lệ mua vui và đang bỏ trốn thì bị bắt. Chánh Đàn bị bắt và bị bắn chết. Trước khi chết đã nguyền cây đàn này sẽ không ai được chơi, được dùng nữa, nếu chơi thì sẽ tử vong.

Bá Nhỡ, một kép đàn thượng hạng chịu ơn ông chủ nên cầu viện cô Tơ để có canh hát đỉnh cao. Đó là canh hát của nhân nghĩa, của sự liên tài mà giọng hát của cô Tơ sẽ thăng hoa cùng tiếng đàn tuyệt mỹ bởi kép đàn Bá Nhỡ vừa sở hữu tuyệt kỹ lại sẵn lòng yêu mến ca nương nên cảm xúc dâng đầy. Và phải là cây đàn đấy thật tốt này thì mới có tiếng đàn hoàn hảo. Tư tưởng nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Tuân đã được tác giả Tất Thắng và NSND Doãn Hoàng Giang, nhạc sĩ NSƯT Phùng Tiến Minh, họa sĩ NSƯT Nguyễn Đạt Tăng thấu cảm và tạo nên không gian sân khấu liêu trai, huyền ảo, kịch tính. Nghệ thuật đỉnh cao không bao giờ dễ dàng, nó thường đi liền với sự hy sinh trả giá bằng mồ hôi, máu, nước mắt thậm chí tính mạng chứ không đơn thuần chỉ như hình ảnh vẫn quen được ví nghệ sĩ như con tằm nhả tơ, đến chết miệng vẫn vương tơ, như thiêu thân lao vào ánh đèn.

Đảm nhận vai Bá Nhỡ, vai lớn cuối cùng trên sân khấu kịch Hà Nội, NSND Hoàng Dũng đã lột tả được thần thái, bi-hoan, sự xuất thần, nhất là ở cao trào khi làm lễ cầm lấy cây đàn đáy, múa đàn. Ông nhắm mắt, tưởng như tất cả tâm hồn trút vào 3 sợi dây đàn dưới những ngón tay gân xanh. Khi nốt nhạc cuối cùng ngưng ngân, cũng là lúc Bá Nhỡ ngừng thở tay ôm đàn như duyên mệnh một kiếp chẳng phân ly. Trong buổi chia tay sân khấu trước lúc nghỉ hưu, NSND Hoàng Dũng đã chọn diễn trích đoạn “Tiếng đàn vùng Mê Thảo”, dù cuộc đời sân khấu gần 40 năm của ông có nhiều vai ấn tượng. Bởi lẽ sống, hình tượng của Bá Nhỡ chứa tài, lý tưởng sống của ông là thông điệp mà ông muốn trao truyền cho lớp trẻ.

NSND Hoàng Dũng vai Bá Nhỡ, vai diễn cuối cùng của ông trên sân khấu Kịch HN. Ảnh do Nhà hát cung cấp.
NSND Hoàng Dũng vai Bá Nhỡ, vai diễn cuối cùng của ông trên sân khấu Kịch HN. Ảnh do Nhà hát cung cấp.

2. Mến mộ Kịch Hà Nội từ niên thiếu tới nay qua tuổi tứ thập, tôi chất chứa trong mình một tình yêu phức cảm với các vở diễn, nghệ sĩ tài danh của nhà hát này. Cặp đôi Hoàng Dũng - Hoàng Cúc là ngôi sao bền sáng, mà ánh tỏa và uy thiêng chính từ sự đắm say của họ trong từng lời thoại, đài từ riêng có. Bởi ý thức kiếp người ngắn ngủi (mà đã mất trên dưới 1/3 cho giấc ngủ) nên tôi chọn sống tự do - tức là dám là mình và quyết làm những gì mình muốn và có thể trong khả năng tối ưu nhất.

Một trong các ý muốn thôi thúc ấy đã thành ước mơ và tôi đã có được giấc mơ đẹp đẽ để mỗi khi nhắc đến, vẫn dư vang ánh sáng âm hưởng của thánh đường kiêu hãnh. Tôi đã mời được NSND Hoàng Cúc thể hiện tác phẩm “Cánh đồng cứu rỗi” trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, tối 1.12.2012. Cô Hoàng Cúc ngồi giữa sân khấu, trong biển mây (khói) với phần đệm Cello của NSND Ngô Hoàng Quân. Văn chương là gốc của các loại hình nghệ thuật, tôi không chấp nhận nó bị mặc cảm, lạnh nhạt, nó phải được xuất hiện sang trọng, cuốn hút.

Tôi đã mất nhiều công sức để kêu gọi tài trợ, chuẩn bị sách, vô số khâu đoạn cho đêm diễn. Song để thực hiện được giấc mơ ấy thì nhà tài trợ chính và lớn nhất là các nghệ sỹ. Họ nhiệt huyết, hào hứng muốn hợp tác với tôi vì họ hiểu sự mãnh liệt muốn dâng hiến của ViLi và còn vì người thưởng thức tài nghệ của họ là khán giả tinh hoa - những tên tuổi đình đám của nhiều lĩnh vực từ thể thao, nghệ thuật, văn hóa đến ngoại giao. Tuyệt vời nhất, tôi là nhà thơ đầu tiên và duy nhất Việt Nam mời được NSND Hoàng Dũng diễn trong buổi ra mắt tùy bút “Hộ chiếu tâm hồn” với nhiều họa sĩ nổi tiếng minh họa, Đặng Xuân Hòa vẽ bìa. Hôm họp báo 25.12.2014 tại Cafe Trung Nguyên 52 Hai Bà Trưng, NSND Hoàng Dũng đã cho nghỉ buổi tập Mê Thảo để sang dự với tôi. Tôi hết sức cảm kích vì kịch HN chủ yếu diễn chính kịch, kén khán giả không đỏ đèn thường xuyên, diễn viên chủ yếu sống bằng thu nhập đóng phim, nên mỗi khi có hợp đồng rất quý.

Vậy mà Giám đốc Hoàng Dũng đã hủy buổi diễn hợp đồng Mê Thảo do 1 công ty ký để chiêu đãi nhân viên năm ấy. Không ít người thắc mắc rạp Công nhân ở 42 Tràng Tiền, Trung tâm Văn hóa Pháp ở số 24 cùng phố thì cứ chạy sô, việc gì phải hủy, nhưng Giám đốc Hoàng Dũng cho nghỉ dứt khoát ngay khi họp báo mà không hề lăn tăn. Bởi ông thích thơ-văn của tôi và quý tôi. Mặt khác ông muốn tập trung cao độ cho đêm diễn vì ông muốn ủng hộ 1 tài năng văn học 8X. Chạy sô sao được khi vai chính - thứ của vở Mê Thảo do Hoàng Dũng, Thu Hà, Thiện Tùng thủ diễn đều tham gia đêm “Hộ chiếu tâm hồn”.

20h mở màn. 19h tôi đến phòng hóa trang ở hầm phía sau sân khấu L’Espace đã thấy chú Hoàng Dũng ngồi đấy, đã hóa trang xong; gọi là hóa trang, nhưng chú chỉ đánh chút phấn và kẻ lông mày cho đậm lên vì lông mày gốc của Chú lớn tuổi hơi mờ. Vé chỉ bán 120.000đ, phía L’Espace sẽ chia 1/2 cho tác giả để bù đắp chi phí. Còn nhớ, tôi là nhà thơ Việt Nam đầu tiên làm đêm thơ tại đây tháng 10.2005 (có Tùng Dương hát và nữ đạo diễn Marcia người Brazil dàn dựng), khán phòng chật ních, khán giả chen lấn kín đặc lối đi và khoảng trống phía sau, nghệ sĩ Chiều Xuân, Trung Hiếu, Tấn Minh ngồi bệt trên sàn gỗ suốt buổi. Song đến đêm diễn tối 6.3.2014 thì ông giám đốc đương nhiệm chỉ cho khán giả ngồi hết số lượng 250 ghế, để bảo đảm an toàn nhỡ xảy ra sự cố còn có đường chạy. Tôi phải bỏ tiền túi mua chục vé mời và rất nhiều người giận dỗi vì không có vé vào xem, dù sẵn sàng trả giá gấp 10 lần.

Lại hiện lên buổi tối ấy, tác phẩm “Gặp Thạch Lam ở Cẩm Giàng” là đinh của đêm diễn. Về trang viên Tự Lực văn đoàn tháng 9.2013, tôi vô cùng xúc động khi men theo đường ray tàu hỏa Hà Nội - Hải Phòng, qua ga Xép Cẩm Giàng là đến trại của nhóm Văn bút xuất sắc nhất thế kỷ 20, nơi Thạch Lam - một bậc thầy tùy bút mà mỗi chữ ánh như ngọc biếc khiến tôi mê đắm. Tôi như thấy ông trong khu vườn xanh ngút ấy, chỉ Thạch Lam và tôi, Hoàng Dũng trong vai Thạch Lam đã ngồi trên sân khấu với đài từ vô song khiến tất thảy như nuốt từng chữ, nghe được cả hơi thở. Tôi, một cây bút hậu sinh muốn đến gần, chạm vào “Thạch Lam” mà không được. Hoàng Dũng đã tạo ra không khí thiêng, bay bổng và chất thơ trong vắt bằng giọng nói, ánh mắt ông. Rồi “Thạch Lam” rời xa tôi, bước đi, Hoàng Dũng bước khỏi sân khấu đi theo lối giữa 2 hàng ghế, ra khỏi khán phòng trong câu văn “Thạch Lam từ Quán Thánh đi về phía ga Long Biên để về Cẩm Giàng”. Tôi nợ ân tình ấy của Chú Hoàng Dũng, nên mùa Hè 2014 mang bầu trong cái nắng gay gắt tôi vẫn hì hục viết kỉ yếu và hoàn tất in sách cho Nhà hát Kịch Hà Nội kịp đón kỷ niệm 55 năm. Cuốn sách “55 mùa vàng” do họa sĩ Đặng Xuân Hòa vẽ bìa cây đời tỏa bóng và vợ là họa sĩ Đỗ Thúy Hằng trình bày bìa.

NSND Hoàng Dũng và Lan Hương chụp ảnh tại đêm chung kết chương trình Siêu nhân Mẹ, VTV3, quay tại TP.Hồ Chí Minh, 2020. Ảnh do NSND Lan Hương cung cấp.
NSND Hoàng Dũng và Lan Hương chụp ảnh tại đêm chung kết chương trình Siêu nhân Mẹ, VTV3, quay tại TP.Hồ Chí Minh, 2020. Ảnh do NSND Lan Hương cung cấp.

3. Có lần xem Hoàng Dũng dựng vở, thấy ông thị phạm mãi mà diễn viên không diễn được, tôi cũng nản. Lúc giải lao tôi hỏi: “Cháu vốn kém kiên nhẫn trừ khi lao động chữ nên không làm sư phạm được, cháu nể chú đấy, diễn viên chậm thế mà chú không cáu?”, thì NSND Hoàng Dũng cười: “Lúc đang diễn mà quát nhiều thì chúng nó sợ không làm được, để lúc nghỉ mới mắng được”. Cho đến nay, Nhà hát Kịch HN sở hữu dàn diễn viên nam nữ đẹp đồng đều nhất trong tất cả các đoàn nghệ thuật toàn quốc chính nhờ tư duy của NSND Hoàng Dũng. Trong 10 năm công tác cuối cùng cũng là thời gian làm giám đốc, ông đã chủ trương tuyển, nhận những diễn viên cao, hình thức đẹp. Đồng cảm với NSND Doãn Hoàng Giang về việc nam thanh nữ tú ngày nay chọn nghề thực dụng hơn, ít chọn học nghệ thuật vì vất vả, cạnh tranh, thu nhập và tuổi thọ nghề do may mắn, mà may mắn thì ít, NSND Hoàng Dũng cho rằng: “Đã là diễn viên thì phải có ngoại hình sáng. Kỹ năng kém thì về nhà hát rèn giũa thêm chứ lùn và xấu thì cải tạo thế nào được”. Bởi thế nên Kịch Hà Nội hôm nay mới có đội hình đáng trầm trồ. Nam diễn viên thấp nhất trên 1,7m, các solist toàn trên 1,8m - không nhà hát nào có. Cũng không nghệ sĩ nào trong giới nghệ sĩ Việt Nam gọi Hoàng Dũng là “Bố” nhiều như ông. Đó không chỉ là 1 đại từ nhân xưng kính nể tiền bối mà vì tình cảm. Hoàng Dũng đã dạy dỗ chỉ bảo tạo điều kiện tối đa cho lớp đàn em, đàn cháu được làm nghề, có cơ hội thử sức giúp họ cả nghề nghiệp lẫn tiền bạc khi nhỡ túng. Các diễn viên Thiện Tùng, Chí Nhân, Hồng Đăng, Tiến Lộc, Thanh Hương, Việt Anh... chịu ơn ông sâu sắc.

4. Cả một đời vì nghiệp, Hoàng Dũng thủy chung với người vợ Nguyễn Thị Dung lấy nhau từ thuở hàn vi. Họ có 2 con trai Hoàng Duy (1988), đã lấy vợ và có con trai hơn 3 tuổi, Hoàng Dương (1999) đang học diễn viên trường ĐH Sân khấu Điện ảnh. Ông dùng điện thoại với 4 số cuối là năm sinh của con, chiều con nhưng nghiêm khắc. Không hề nghỉ hưu, lửa nghề truyền thụ tỏa lan, lửa nghề bền sáng, lửa nghề khi ông rong ruổi với các đoàn phim dù vị thế thượng thặng vẫn chan hòa gần gũi và kỹ càng dù với 1 cảnh nhỏ. Đời sống dư dả nên việc đóng phim, dạy học không ngừng nghỉ chỉ bởi Hoàng Dũng tận lực yêu nghề. Trong khi quay phim “Trở về giữa yêu thương” của đạo diễn Trịnh Lê Phong, ông nhiều lần phải tiêm thuốc giảm đau, vẫn cố “chiến đấu” không nghỉ, không đi khám kỹ càng chỉ nghĩ là đau lưng do thoái hóa cột sống. Đến khi quay xong phim, vẫn làm giám khảo Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên kịch nói giữa tháng 12.2020, đau quá thì NSND Lan Hương (gắn bó gần 30 năm từ thời lồng tiếng phim Ôsin 1993 đến sau này hay cùng nhau làm giám khảo nhiều cuộc thi từ Nam đến Bắc) đã đưa ông anh đi châm cứu cho đỡ đau. Ngờ đâu ông đau lưng chân ngày càng yếu, khám chụp kỹ càng thì hóa ra ung thư đã di căn vào cột sống. Sau khi mổ tại BV Việt - Đức 29.12.2021 thì ông bị liệt nửa thân dưới rồi hôn mê không nói được cho đến lúc qua đời.

Hoàng Dũng đã sống đẹp và còn mãi với những vai diễn cuộc đời. Tối mùng 6 Tết (17.2.2021) VTV1 tiếp tục phát phim “Trở về giữa yêu thương” ở khung 21h tập 34, và tiếp tục các tối. Phim đang phát người cười khóc trên màn ảnh, phim điện ảnh “Gái già lắm chiêu” vướng COVID-19 chưa ra rạp, mà người đã đi. Nhưng chuyến xuất hành của chuyến đi dài mùa xuân lần này của Hoàng Dũng đúng ngày Lễ Tình Yêu là để trở về trong ký ức hàng triệu khán giả vẫn tiếc nhớ, mong và “gặp lại” Hoàng Dũng giữa tầng tầng ký ức vô giá.

vi-thu5303-linh
Theo Lao động https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/nsnd-hoang-dung-va-chuyen-xuat-hanh-lang-le-881440.ldo Copylink