Phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa để phát triển du lịch
(Chinhphu.vn) - Đẩy mạnh bảo quản, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch là hướng đi mà nhiều địa phương đang triển khai. - Thông tin chính thống hoạt động, quyết định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao; và thế giới...
Ảnh minh họa |
Nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Tuyên Quang, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào nằm trên địa bàn 12 xã trong Khu ATK (An toàn khu), thuộc 2 huyện Sơn Dương và Yên Sơn. Đây từng là địa bàn chiến lược quan trọng, là nơi ở, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cấp cao cùng nhiều cơ quan Trung ương; là “Thủ đô Khu giải phóng” trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 và là “Thủ đô kháng chiến” trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.
Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào gồm các địa danh nổi tiếng như đình Hồng Thái, lán Nà Nưa, đình Tân Trào, cây đa Tân Trào, cụm di tích ATK Kim Quan... Đây là những “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống không thể bỏ qua của du khách khi đến với Tuyên Quang.
Với những giá trị lịch sử quan trọng như vậy, Tuyên Quang xác định rõ việc xây dựng Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào trở thành một sản phẩm du lịch đặc biệt.
Công tác phát triển du lịch tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào gắn với các tour trải nghiệm và du lịch cộng đồng được tỉnh Tuyên Quang rất quan tâm.
UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, theo Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thời gian tới, Tuyên Quang sẽ tập trung nguồn lực để hoàn thành xây dựng Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng, bảo tàng; xây dựng phương án trưng bày và phim tư liệu tái hiện lịch sử “Thủ đô Khu giải phóng”, “Thủ đô kháng chiến”... để đến năm 2030, nơi đây sẽ trở thành Khu du lịch quốc gia, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Lịch sử vùng đất Đà Nẵng gắn liền với những di tích xuyên suốt trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm như: Di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải, Di tích quốc gia Nghĩa Trủng Hòa Vang, Di tích quốc gia Nghĩa Trủng Phước Ninh, Di tích quốc gia Khu căn cứ cách mạng K20, Di tích cấp thành phố Khu căn cứ lõm B1 Hồng Phước… Đây là các di tích lịch sử được thành phố Đà Nẵng quan tâm bảo tồn, phát huy trong thời gian qua.Các di tích này không chỉ đáp ứng nhu cầu giáo dục truyền thống cho nhân dân mà còn tạo nên điểm đến độc đáo, phục vụ khách du lịch.
Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 (2017-2019) dự án trùng tu, tôn tạo di tích thành Điện Hải, năm 2020, HĐND thành phố thông qua Nghị quyết về việc quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích thành Điện Hải giai đoạn 2 (2019-2022). Ở giai đoạn 2, dự án di dời Bảo tàng Đà Nẵng ra khỏi thành Điện Hải và tiến hành tôn tạo, phục hồi các yếu tố gốc trong khu vực nội thành.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao thành phố, sau khi được đầu tư hoàn thiện, thành Điện Hải sẽ trở thành điểm nhấn cảnh quan trong quảng trường trung tâm thành phố Đà Nẵng. Đồng thời, tái hiện sinh động quá khứ hào hùng của quân và dân Đà Nẵng trong những ngày đầu kháng Pháp. Dự kiến, nơi đây sẽ trở thành một điểm tham quan, du lịch hấp dẫn của Đà Nẵng, vừa là điểm đến lý tưởng cho nhân dân, du khách, vừa phục vụ các nhà nghiên cứu.
Tiền Giang là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, cách mạng với 22 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia (trong đó có một di tích cấp quốc gia đặc biệt) và 160 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh gắn liền với tên tuổi các anh hùng dân tộc, sự kiện lịch sử-văn hóa đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến như: Di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút, Di tích chiến thắng Ấp Bắc, Lăng Trương Định, Thủ khoa Huân, Lăng Hoàng Gia, chùa Vĩnh Tràng, Đình Long Hưng, Di tích khảo cổ Óc Eo - Gò Thành...
Để tận dụng lợi thế này, thời gian qua, việc xây dựng sản phẩm du lịch của tỉnh được thực hiện gắn với việc phát huy văn hóa truyền thống, lợi thế tài nguyên du lịch và đặc biệt là kết nối các khu, điểm du lịch với các di tích lịch sử - văn hóa để hình thành các tour du lịch đặc trưng cho địa phương.
Tỉnh Tiền Giang sẽ tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo thuận lợi đi đến các khu di tích, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch xây dựng chương trình du lịch, trong đó kết nối tour, tuyến du lịch sinh thái sông nước với các di tích lịch sử - văn hóa, các lễ hội, làng nghề để đáp ứng nhu cầu khách du lịch.
Nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, dự kiến vào khoảng tháng 11/2021, tỉnh Tiền Giang sẽ tổ chức Lễ hội Làng cổ Đông Hòa Hiệp lần thứ V nhằm tạo nguồn động lực và điểm nhấn thu hút khách du lịch nội địa đến với Tiền Giang. Đồng thời, tham gia các sự kiện, lễ hội du lịch để góp phần quảng bá và phát huy giá trị của các di tích lịch sử-văn hóa trong phát triển du lịch của tỉnh.
Đức Minh