Pho sử sống về đê đập thời hiện đại
GS.TSKH Phạm Hồng Giang sinh ra trong một gia đình cách mạng, có cha là liệt sĩ chống Pháp. Thời trẻ, với tư chất thông minh ông có thiên hướng về toán học, rồi được Nhà nước cho đi học ở nước ngoài chuyên ngành thủy lợi, dùng toán để giải các bài...
Năm 1979, ông bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) tại Đại học kỹ thuật Brno, Tiệp Khắc (cũ) về đề tài Mô hình toán phân tích các kết cấu mỏng có xét đến tính từ biến. Mười năm sau đó ông giành tiếp học vị Tiến sĩ (TSKH) với luận văn: Phân tích phi tuyến bất định các kết cấu mỏng có lớp và có cốt khi xét đến yếu tố thời gian, được hội đồng khoa học quốc gia tại đại học kỹ thuật đánh giá xuất sắc. Với thành tựu mới, năm 1991 ông đã được mời thỉnh giảng tại đại học kỹ thuật Tronheim nổi tiếng của Na Uy.
Về nước, ông giảng dạy tại Trường ĐH Thủy lợi, Hà Nội, sau lên phó giám đốc của trường. Bước ngoặt trong cuộc đời công tác của ông từ nhà giáo, nhà nghiên cứu ông chuyển sang nhà quản lý, là thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đặc trách thủy lợi, kiêm nhiệm Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam. Năm 2004, GS Phạm Hồng Giang đến tuổi nghỉ hưu, cũng là lúc Hội Phát triển nguồn nước và đập lớn (VNCOLD) ra đời, ông được tín nhiệm là chủ tịch đầu tiên và từ đó đến nay đã trải qua nhiều khóa, ông vẫn giữ được sự tín nhiệm cao.
Với uy tín và mối quan hệ quốc tế rộng rãi, ông đã vận động và được Hội Đập lớn thế giới (ICOLD) để Việt Nam tổ chức Hội nghị Đập lớn Thế giới lần thứ 78 tại Hà Nội. Hơn 700 khách quốc tế tham dự sự kiện lớn nhất về đập và nguồn nước được tổ chức lần đầu tiên ở vùng Đông Nam Á và trong đại hội đã bầu ông làm Phó chủ tịch ICOLD. Trong nhiều năm liên tục công tác như vậy, GS.TSKH Phạm Hồng Giang đã chứng tỏ là nhà khoa học, nhà quản lý có tầm cỡ, những công trình đê, đập trên mọi miền đất nước mà ông chỉ đạo thiết kế hoặc thi công đều luôn có áp dụng công nghệ mới, tiên tiến phát huy được hiệu quả kinh tế- kỹ thuật.
Ở Hà Nội hiện có một công trình được coi là “hoành tráng”, đó là bức tường bê tông cốt thép dài gần 10 km thay thế con đê đắp đất bao đời ngăn lũ sông Hồng. Ông nêu ra chủ trương thay tuyến đê bằng bê tông cốt thép. Ban đầu không ít ý kiến phản đối, kể cả một số cấp lãnh đạo và một số người dân sống cạnh con đê cũ. Nhưng rồi sự kiên trì thuyết phục, cách chỉ đạo cương quyết, khôn khéo của ông cùng với sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền thành phố lúc đó, sau vài năm thi công đã hoàn thành con đê mới bền vững, xe cộ đi lại thông thoáng, tuyến đê còn có vai trò rất nhạy cảm, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho thủ đô trong mùa mưa lũ. Công trình càng có ý nghĩa và làm đẹp cảnh quan đô thị, trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, khi được thành phố chỉnh trang mặt ngoài của bức tường đê thành Con đường gốm sứ.
Dự án đập Phước Hòa (Bình Dương - Bình Phước) trên sông Bé được đề xuất từ đầu những năm 90 thế kỷ trước, song do thiếu vốn đã phải “trùm mền” gần 10 năm. Khi có nguồn vốn ODA thì vùng dự án này đã thay đổi quá nhiều, phần lớn diện tích trước đây cần nước để trồng lúa đã chuyển đổi trồng cao su, giá đền bù đất lòng hồ cao vọt, không thể làm hồ lớn được nữa. Ông đã chỉ đạo chọn đập ở vị trí khác thích hợp, chỉ cần tạo hồ nhỏ, không làm ngập nhiều, đủ để đưa lũ sông Bé sang trữ tại hồ Dầu Tiếng nhằm có thêm nước ngọt cấp cho TP.HCM và cả vùng trọng điểm kinh tế Đông Nam Bộ. Đến đầu thế kỷ này, dự án đã cơ bản hoàn thành và phát huy hiệu quả ngoài mong đợi.
Đập Định Bình (Bình Định) vào năm 2001, lần đầu tiên ở nước ta được xây dựng theo một công nghệ mới là bê tông đầm lăn(thế giới đã đi trước khoảng 30 năm). Lúc đó cũng vì nó quá mới nên từ các chuyên gia thiết kế, nhà thầu xây dựng dù thuộc loại giỏi, đến lãnh đạo địa phương, ai cũng ngại ngùng, lo lắng. Ông vẫn chỉ đạo dứt khoát phải dùng bê tông đầm lăn, vì phương pháp thi công mới tiết kiệm xi măng và quan trọng hơn là cho phép thi công bê tông khối lớn với tốc độ rất nhanh. Công trình đã hoàn thành đúng kế hoạch, sớm đưa vào sử dụng và đạt chất lượng tốt đến nỗi chuyên gia nước ngoài đã đưa mẫu bê tông ở đây về Thụy Sĩ triển lãm. Đập bê tông đầm lăn Định Bình đánh dấu sự mở đầu thời kỳ mới trong xây dựng đập ở nước ta. Nhiều đập thủy điện lớn như Sơn La, Lai Châu, Bản Vẽ (Nghệ An), Plei Krong (Kông Tum), Đồng Nai 3, Đồng Nai 4 (Lâm Đồng), Nước Trong (Quảng Ngãi),… đều dùng bê tông đầm lăn đã đem lại hiệu quả lớn, thời gian thi công giảm rõ rệt, khoảng 30% so với dùng phương pháp thi công bê tông thông thường.
Hồ Cửa Đạt trên sông (Thanh Hóa) được hoàn thành gần đây là một thí dụ nữa về việc mạnh dạn ứng dụng công nghệ thi công mới, tiên tiến. Trước đây ở nước ta, một số đập đá đổ phần lớn chống thấm bằng lõi sét nên tốn nhiều thời gian thi công và rất bị động với thời tiết. Chống thấm bằng bê tông phủ mặt cho phép thi công nhanh, tiết kiệm vật liệu hơn phương pháp kể trên nhiều lần. Thế rồi ở nước ta đã có vài đập đá chống thấm bằng bê tông phủ mặt nhưng với chiều cao không lớn (thấp hơn 90 m). Ông đã cùng với các đồng sự thiết kế thành công mặt bê tông chống thấm ở Cửa Đạt cao 118m, là cao nhất nước ta đến thời điểm này và vào cỡ khá cao của thế giới.
Đồng bằng sông Cửu Long, hạ nguồn của dòng Mê Kông kỳ vĩ với quy luật dòng chảy có những đặc thù không giống bất cứ nơi nào ở nước ta. Hạ tầng thủy lợi ở đây có vai trò hết sức trọng yếu để phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một bài toán quản lý vĩ mô thu hút nhiều trí tuệ, chất xám các nhà quản lý, nhà khoa học trong nước và quốc tế. GS Phạm Hồng Giang và các cộng sự trong nhiều năm ở cuối thế kỷ XX đã nghiên cứu lên các phương án thiết kế mới, mở các tuyến kênh tưới và thoát lũ, xây dựng các cống đập, đắp đê bảo vệ các đô thị và các khu dân cư…
Trong Chương trình thoát lũ ở Tứ giác Long Xuyên ra biển Tây, khi chỉ đạo việc khơi thông, mở rộng kênh Vĩnh Tế, ông quyết định thi công đập Trà Sư - Tha La bằng cao su với công nghệ Nhật Bản lúc đó còn rất mới ở Việt Nam. Các chuyên gia ở Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đến hôm nay còn luôn nhắc đến sự hỗ trợ tận tình và mạnh dạn của thứ trưởng Phạm Hồng Giang khi triển khai phương án thi công cống đập ngăn mặn Thảo Long (Huế) dài nhất nước ta (540m) trong sông với kết cấu trụ đỡ, mở ra hướng mới xây dựng các đập ngăn mặn, hiệu quả cao so với phương pháp cổ truyền.
GS Phạm Hồng Giang còn được mời làm chủ tịch nhiều hội đồng khoa học, thẩm định cho các vấn đề đang vướng mắc về kỹ thuật, các sự cố công trình hồ đập phức tạp và là người luôn phản biện kịp thời, mạnh mẽ trên các diễn đàn, góp một tiếng nói mang tính xây dựng. Chẳng hạn, hiện trên nhiều mặt hồ thủy điện, thủy lợi của nước ta gần đây đã kết hợp xây dựng nhà máy pin mặt trời nổi. Đây là một cách làm năng lượng tái tạo mới, song nếu không chú trọng bảo vệ môi trường thì “lợi bất cập hại”.
Ông cho rằng, thành phần chế tạo pin mặt trời có chứa than chì rất độc hại nếu không kiểm soát tốt, hoặc khi bị tác động bởi thiên tai thì than chì bị phát tán vào nguồn nước hồ sẽ nguy hiểm cho sức khỏe con người. Từ kinh nghiệm triển khai nhiều dự án điện mặt trời nổi, ông khuyến nghị các công trình không nên xây dựng quá 50% diện tích mặt nước, các dự án cần giám sát thường xuyên chất lượng nước sau khi đưa vào hoạt động. Một vấn đề khác là xây dựng thủy điện vừa và nhỏ ở miền Trung ảnh hưởng đến môi trường và dân sinh. Sự cố năm 2019, thuỷ điện Hố Hô bất ngờ xả lũ khiến hàng trăm hộ dân ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh chìm trong biển nước. Trả lời phỏng vấn của Đài Truyền hình Việt Nam, ông thẳng thắn bày tỏ, cái lỗi chính là ở nhiều địa phương đã phát triển thuỷ điện nhỏ một cách ồ ạt, mà thường doanh nghiệp tư nhân là chủ đầu tư, thiếu sự quản lý tốt về quy hoạch, khảo sát, xây dựng, vận hành...
Giờ đây dẫu đã ở tuổi 80, GS.TSKH Phạm Hồng Giang vẫn luôn miệt mài làm việc. Hầu như không có công trình đê đập quan trọng nào ở nước ta không có dấu ấn trí tuệ của ông, với tư cách người phê duyệt thiết kế, thi công hay phản biện kinh tế-kỹ thuật... Ông được các đồng nghiệp kính trọng, thân mật gọi là pho sử sống về đê đập thời hiện đại.