Sân khấu đương đại sao lại thiếu hài kịch?
Được cười là nhu cầu gần như bản năng của con người, không phải ngẫu nhiên trên thế giới ở bất cứ quốc gia nào, giai đoạn nào cũng sản sinh ra những tác giả hài kịch. Ngay William Shakespeare lừng lẫy với những bi kịch nhưng ở ông vẫn không thiếu ...
Ở nước ta ngay từ xa xưa các thể loại kịch dân tộc của ta như Chèo thì trong những kịch bản nặng chất bi kịch chất hài vẫn xuất hiện, đến độ Chèo là thể loại kịch gần như duy nhất trên thế giới tạo ra một nhân vật gây cười để mặc định thể loại kịch Chèo đó là vai hề. Vai hề này đã trở thành một hệ thống nhân vật hề từ hề gậy, hề áo ngắn, hề áo dài, hề say, hề mồi… Và làn điệu trong Chèo cũng có không ít làn điệu gây cười dành cho nhân vật hề như hề mồi, hề cu sứt…
Tuồng một loại hình kịch dân tộc, gồm hai loại là “tuồng pho” chuyên diễn tích cung đình, anh hùng ca nghiêm trang, song bên cạnh tuồng pho lại có tuồng đồ nói về thế sự mà trong đó chất hài không thể thiếu. “Trương đồ nhục” là kịch bản tuồng đồ đạt trình độ kinh điển trên thế giới về hài mà sau này Lưu Quang Vũ viết lại thành “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được khán giả ưa thích.
Trong thời hiện đại, kịch nói du nhập vào nước ta đầu thế kỉ 20 với việc ra đời kịch bản đầu tiên của Việt Nam là “Chén thuốc độc” của Vũ Đình Long vào năm 1924 và chỉ hơn 10 năm sau vào hai năm 1937-1938, kịch tác gia Vi Huyền Đắc cho ra đời liền hai vở mà từ tên gọi đã mang dấu ấn của hài kịch đó là kịch bản “Kim tiền”, rồi “Ông kí cóp”, đến năm 1943 ông lại cho ra kịch bản cổ súy cho hài kịch là “Khóc lên tiếng cười”.
Giai đoạn đương đại vào những cuối thập niên 60 hài kịch vẫn ít nhiều tung hoành trên sân khấu nước ta với các hài kịch của kịch tác gia Lộng Chương như “Quẫn”, “Cửa mở hé”, “Hỏi vợ”, “Mối lo của cụ Cửu”, “Yếm bùa trừ sâu”…
Sau đó dường như hài kịch mất dạng cho đến năm 1976 kịch bản hài “Chuyện như thế thì cần phải nói” của chính người viết bài này được đạo diễn Lộng Chương dàn dựng cho Đoàn kịch Công nghiệp Hà Nội nhưng không được công diễn với lý do “phê phán giám đốc” cho dù kịch có hưởng ứng nghị quyết “ba xây ba chống”.
Gần mười năm sau với sự xuất hiện của Lưu Quang Vũ. Bên cạnh vài chục kịch bản chính kịch thì kịch tác gia họ Lưu để lại tác phẩm thuần hài là “Bệnh sĩ” và kịch có màu sắc hài được viết lại từ di sản kịch bản tuồng đồ của cha ông ta là “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Sau khi Lưu Quang Vũ ra đi, nền kịch Việt Nam ngoại trừ những chùm kịch ngắn vui của Nhà hát Tuổi trẻ thì hầu như không có một vở diễn dài hơi nào đúng nghĩa là hài kịch. Trong làng tác giả cũng không xuất hiện một kịch tác gia nào chuyên hài, hay có kịch bản hài đúng nghĩa nào.
Đạo diễn - kịch tác gia Lộng Chương khi dàn dựng kịch bản “Chuyện như thế thì cần phải nói” đã khẳng định: “Kịch hài là kịch cười xong người ta phải khóc, còn kịch gây cười chỉ để cười thì chỉ gọi là kịch vui hay náo kịch”.
Nếu căn cứ vào luận điểm của Lộng Chương - bậc thầy hài kịch Việt Nam, thì từ năm 1988 đến nay ngoại trừ các chùm kịch vui của Nhà hát Tuổi trẻ, các băng đĩa ghi là kịch, phim hài thường ùn ùn ra đời trong các dịp tết thực chất chỉ là những “náo kịch” thuần tuý, và đa phần là náo kịch “nhảm” (chữ dùng của nhà viết kịch Chu Thơm). Còn sân khấu Việt Nam đến hơn 30 năm nay vắng bóng hoàn toàn những vở kịch hài dài đúng nghĩa.
Tại sao có hiện tượng dị thường này?
Nếu lấy sự khẳng định của M. Goorki cho rằng “kịch là thể loại khó nhất của văn chương” thì ta cũng thấy văn chương Việt Nam trong giai đoạn này cũng mắc khiếm khuyết tương tự. Những thập niên 60, 70, rồi 80 nền văn chương nước ta vẫn tồn tại tác phẩm hài ở nhiều thể loại với các đại diện xuất sắc của nó ở tiểu thuyết, truyện ngắn có Nguyễn Công Hoan, Đồ Phồn… Trong thơ hài, châm biếm có Tú Mỡ, Thợ Rèn…
Nhưng thế hệ các nhà văn, nhà thơ lão thành này đi qua thì văn chương hài gần như mất hút hay nói đúng hơn chỉ còn le lói ở chỗ này chỗ khác như ở phía Bắc năm 1984 có tập truyện ngắn hài “Chuyện cái vòi nước”, “Cười dành cho tất cả”, tiểu thuyết “Những mảnh trần gian”, “Tây tây, ta ta”, phía Nam có truyện ngắn hài hước của Lê Văn Nghĩa…
Sau thập niên 90 và bước sang thế kỉ 21 thì các tác phẩm hài, nhất là hài dài hơi kiểu như “Số đỏ” (Vũ Trọng Phụng), “Phất” (Đồ Phồn) hầu như vắng bóng. Thể loại thơ hài châm biếm thói hư tật xấu, sự làm ăn tắc trách, mất dân chủ cũng mất hẳn trên những trang báo…
Cả nền văn chương với sự phong phú của các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ… đã vậy nên sân khấu thiếu hẳn những vở diễn hài đích thực cũng là một sự tất nhiên trong trào lưu của nền văn chương, nghệ thuật không có chất hài.
Trở lại với hiện tượng cười “nhảm” chứ không phải hài đúng nghĩa mỗi độ xuân về tết đến lại bung ra nhiều như vậy là có nguyên nhân của nó.
So với nhiều dân tộc trên thế giới, người Việt Nam thường được xếp vào một trong những dân tộc vui vẻ thích cười, ưa phê phán sự ngang trái trong cuộc sống, sự bất công của xã hội bằng tiếng cười không những không mất mà còn tăng theo thời gian, hoàn cảnh. Nắm bắt được nhu cầu này nên mỗi khi sắp hết năm âm lịch những nhà sản xuất băng đĩa gây cười nhanh nhậy mới nhanh chóng cho ra đời và làm ăn phát đạt.
Hàng loạt cái gọi là tác phẩm cười nhảm được dàn dựng với những kịch bản tùy tiện kéo theo sự tạo dựng nên hàng loạt những “danh hài” tự phong. Các thủ pháp gây cười hạ cấp được dùng đi dùng lại như trai giả gái kiểu Hoài Linh, nhại giọng các vùng miền, khơi gợi những sự nhạy cảm bản năng, sử dụng những miếng cù cơ giới mặc sức tung hoành, mô phỏng lại các nhân vật Lý toét, Xã trưởng, mẹ Đốp… khai thác một cách lệch lạc, hình thức hình tượng Chí Phèo, Thị Nở…
Trong khi các tác phẩm được dàn dựng trên sân khấu được kiểm duyệt một cách chặt chẽ thì các “tác phẩm” gây cười này lại được ra đời một cách thoải mải, hoặc được kiểm duyệt một cách chiếu lệ, qua loa.
Còn nếu đi sâu vào nền văn chương nước ta nói chung và sân khấu nước ta nói riêng đang thiếu thể loại hài đúng nghĩa thì có thể nói, đã từ lâu văn nghệ nước ta mang âm hưởng chủ đạo là khẳng định và ca ngợi. Điều này hoàn toàn đúng nhất là trong thời kì chiến tranh. Cả nước, cả dân tộc đang tập trung vào một mục đích duy nhất “đoàn kết thành một khối thống nhất để chiến thắng kẻ thù, giải phóng đất nước, giành độc lập cho dân tộc”.
Giờ đây chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỉ. Cuộc sống xã hội đã trở lại nhịp sống vốn có của nó với nhiều diễn biến có cái đáng ca ngợi, có cái đáng phê phán. Hơn mọi loại hình văn chương, nghệ thuật nào khác sân khấu với phương pháp nghệ thuật của mình mới có.
Sân khấu có sức mạnh mô tả, khẳng định lớn và nó cũng hàm chứa cả sự phê phán nhanh nhậy, trực diện, sắc sảo. Vũ khí phê phán mạnh mẽ của sân khấu được tập trung hơn nếu nó được tiếp sức và thể hiện trong phương thức của nghệ thuật hài.
Với nghệ thuật sân khấu hơn lúc nào hết để tham gia cuộc phê phán, chống tham nhũng thì không gì mạnh mẽ bằng vũ khí hài kịch. Bên cạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng thì cuộc sống xã hội còn rất nhiều hiện tượng ngược chiều, cần phê phán, uốn nắn góp phần xây dựng xã hội ta ngày một tốt hơn. Chức năng này có thể nói hài kịch làm một phương tiện lợi hại.
Từ thực tế đó có thể nói đã đến lúc các thể loại hài kịch của văn nghệ và đặc biệt của sân khấu đang có đất phát triển và đang được người xem mong chờ. Họ muốn được xem hài kịch chân chính trở lại để tạo ra những tiếng cười hào sảng hơn, quyết liệt, sâu cay hơn để cùng toàn xã hội đào thải những cái xấu đang tồn tại.