Saturday, Jan 22, 07:01 AM

Sân khấu trong nỗ lực 'hồi sinh'

Trong những năm qua, các tác phẩm sân khấu kinh điển của Việt Nam và thế giới đang được nhiều nhà hát dàn dựng lại. Đây được xem là một hướng mở trước việc khan hiếm kịch bản cũng như mang đến cho khán giả những trải nghiệm với các tác phẩm chất l...

Sân khấu trong nỗ lực 'hồi sinh'
Sân khấu trong nỗ lực 'hồi sinh'
s226n-khau-trong-no-luc-39hoi-sinh39_1.jpg
Cảnh trong vở Antigone.

“Làm mới” các tác phẩm kinh điển

Kịch bản sân khấu lâu nay vẫn luôn là một đề tài “nóng” đối với hầu hết các đơn vị nghệ thuật biểu diễn. Bởi thực tế từ những nghệ sĩ làm nghề cho đến khán giả đều cảm thấy lo lắng về chất lượng các tác phẩm. Khi thực tế nguồn cung về kịch bản luôn không đủ để đáp ứng nhu cầu dàn dựng của các nhà hát. Chính vì lý do này, nhiều vở kịch kinh điển “vang bóng một thời” của sân khấu nước nhà đã được một số nhà hát dàn dựng lại. Ở đó, có thể kể đến một loạt những vở diễn đã được dựng lại từ kịch bản của tác giả “tên tuổi” của Việt Nam như Lưu Quang Vũ, Lộng Chương, Xuân Trình… Đơn cử như Nhà hát Kịch Việt Nam với vở Bệnh sĩ, Hồn Trương Ba da hàng thịt; LucTeam với Quẫn, Bạch đàn liễu… Nhà hát Tuổi trẻ với chùm kịch đặc sắc của tác giả Lưu Quang Vũ như Ai là thủ phạm, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Tin ở hoa hồng…

Bên cạnh đó, xu hướng dàn dựng lại các vở diễn kinh điển của nước ngoài cũng đang được nhiều nhà hát mạnh dạn triển khai. Mới đây, sân khấu Lệ Ngọc đã dàn dựng lại vở kịch kinh điển Vụ án người đốt đền của nhà soạn kịch người Nga Grigori Goirin. Vở kịch được viết vào những năm 70 của thế kỷ 20 và là một trong 100 kịch bản sân khấu kinh điển, hay nhất thế giới ở mọi thời đại. Trước đó, vở diễn này cũng đã từng được trình diễn tại sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam và gắn liền với những nghệ sĩ “tên tuổi”, thành danh của nền kịch nói Việt Nam những năm 80, 90 của thế kỷ trước. Ngoài ra là hàng loạt các vở kịch cũng đã được các nhà hát dàn dựng và tạo được tiếng vang trong thời gian qua như Vòng phấn Kavkaz, Hamlet, Romeo và Juliet, Lão hà tiện, Hồng lâu mộng, Những người khốn khổ...

Đặc biệt, sau thời gian giãn cách vừa qua, trong khuôn khổ dự án “Sân khấu Antigone” do Viện Goethe phối hợp với Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam thực hiện 6 tác phẩm sân khấu cùng mang tên Antigone do 6 đạo diễn Việt Nam dàn dựng. Có thể nói dự án này đã mở ra một hướng đi mới cho sân khấu kịch Việt Nam.

Áp lực của người đi sau

Chia sẻ về xu hướng “làm mới” này, nhà biên kịch Chu Thơm cho rằng, thông qua những tác phẩm hút khán giả vừa qua, các đạo diễn và diễn viên Việt Nam đã làm sống lại những vở kịch kinh điển không chỉ bởi nó mẫu mực về kết cấu lớp lang, cốt truyện, phong cách, thủ pháp nghệ thuật mà trên hết chính là ở những giá trị thẩm mỹ, nhân văn sâu sắc mang đậm tính thời sự trong cuộc sống hôm nay.

Theo nhà biên kịch Chu Thơm, trong khi sân khấu đang thiếu kịch bản hay thì những vở kịch kinh điển của thế giới được dàn dựng trên sân khấu Việt Nam sẽ giúp các nghệ sĩ có cơ hội bộc lộ tài năng, trau chuốt nghề nghiệp và khán giả cũng có cơ hội được xem những tác phẩm thật sự có chất lượng. Việc dàn dựng thành công những vở kinh điển sẽ nâng cao trình độ của tập thể sáng tạo và diễn viên, “một công đôi việc”- giống như một cuộc tập huấn, đào tạo chung cho đội ngũ của cả nhà hát trong quá trình “chinh phục” những đỉnh cao nghề nghiệp mới”.

Tuy nhiên, việc dàn dựng lại các vở kịch kinh điển cũng tạo ra cho nhà hát nhiều áp lực. Dựng các vở kinh điển là chấp nhận đương đầu với nhiều mạo hiểm. Kinh phí đầu tư tốn kém, đòi hỏi trình độ cao và sự kỳ công trong dàn dựng, diễn xuất là điều không phải nhà hát nào cũng làm được. Đã có nhà hát phải đau đớn từ bỏ đứa con tinh thần của mình sau đêm tổng duyệt bởi nhiều lý do: Từ kịch bản cho tới đạo diễn, diễn viên chưa đủ tầm, nội dung không phù hợp thị hiếu khán giả, kinh phí đầu tư ít nên chất lượng nghệ thuật thấp... “Nhưng kịch kinh điển cũng có những cái khó mà không phải ai cũng biết. Cái chính là cách tái hiện những vở kịch kinh điển có thực sự hấp dẫn được khán giả hay không” - nhà biên kịch bày tỏ.

Đồng quan điểm, NSND Lê Tiến Thọ - nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng, mỗi năm, Hội tổ chức ba trại sáng tác kịch bản sân khấu. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về vấn đề tiếp cận với khán giả từ chất lượng kịch bản cho tới phương thức tổ chức biểu diễn, dẫn tới nhiều tác phẩm ra đời nhưng bị lãng phí. Làm mới kịch xưa là một hướng đi đáng khích lệ khi các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật biết cách biên tập lại, dàn dựng với tư duy mới để sao cho vở diễn trở lại vẫn thu hút được khán giả. Tuy nhiên, cần chú trọng hơn nữa và điều chỉnh phương thức đầu tư sao cho hiệu quả, để có được những kịch bản sân khấu mới có chất lượng tốt, phản ánh được hiện thực của đời sống xã hội hiện đại để đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng.

minh-qu37351n
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/san-khau-trong-no-luc-hoi-sinh-5677452.html Copylink