Thống nhất mô hình quản lý khu du lịch quốc gia
(Chinhphu.vn) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Nghị định quy định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia (KDLQG). - Thông tin chính thống hoạt động, quyết định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao; và thế giới...
Ảnh minh họa |
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, KDLQG đóng vai trò quan trọng trong quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam, đặc biệt trong việc khai thác tài nguyên du lịch, hình thành sản phẩm đặc thù có vai trò định hướng, dẫn dắt phát triển du lịch của vùng và cả nước.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện tại, cả nước có 49 địa điểm tiềm năng phát triển KDLQG. Trong đó, có 28 địa điểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển tổng thể KDLQG; 6 địa điểm được công nhận là KDLQG gồm: KDLQG Hồ Tuyền Lâm (tỉnh Lâm Đồng), Sa Pa (tỉnh Lào Cai), Núi Sam (tỉnh An Giang), Trà Cổ (tỉnh Quảng Ninh), Mũi Né (tỉnh Bình Thuận) và Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ).
Hiện nay, cách thức quản lý KDLQG rất đa dạng. Nhiều khu đã thành lập ban quản lý (BQL), trong đó, một số BQL là các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc UBND cấp tỉnh; một số khác là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp tỉnh, các sở chuyên ngành hay UBND cấp huyện. Nhiều khu lại chưa thành lập BQL, do UBND cấp huyện và cấp xã quản lý trực tiếp. Mỗi cách thức quản lý đều có những thuận lợi và khó khăn riêng. Có cách thức mang lại hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động du lịch nhưng có cách thức chưa xác định được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc bị chồng chéo trong quá trình quản lý, gây ra những khó khăn nhất định.
Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khu, điểm du lịch nói chung và các KDLQG nói riêng, việc xây dựng, ban hành Nghị định về mô hình quản lý KDLQG là cần thiết.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất xây dựng Nghị định khung về mô hình quản lý KDLQG, trong đó, chỉ rõ nội dung, trách nhiệm quản lý KDLQG, chức năng, nhiệm vụ của BQL, việc thành lập và quan hệ phối hợp công tác. Theo đó, các địa phương căn cứ tình hình thực tế lựa chọn mô hình quản lý KDLQG bảo đảm hiệu quả và phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.
Nhiệm vụ, quyền hạn của BQL KDLQG
Dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BQL KDLQG. Theo đó, BQL KDLQG có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển KDLQG dài hạn, trung hạn, hằng năm và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt; các chủ trương, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào KDLQG, các chương trình, dự án đầu tư phát triển trong KDLQG.
Đồng thời, tham gia ý kiến đối với các dự án đầu tư trong phạm vi KDLQG; giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư đã được phê duyệt bảo đảm đúng quy hoạch.
Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện nghiên cứu, đánh giá, xác định sức chứa của KDLQG để quản lý và tổ chức khai thác hiệu quả và bền vững tài nguyên du lịch; nghiên cứu, xây dựng, phát triển sản phẩm, thương hiệu điểm đến KDLQG; tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá KDLQG tới thị trường trong nước và quốc tế; hướng dẫn, thuyết minh phục vụ khách du lịch; cung cấp dịch vụ hỗ trợ phát triển KDLQG; liên doanh, liên kết với các tổ chức và cá nhân để tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch, quản lý, khai thác tài nguyên du lịch trong phạm vi KDLQG.
Quản lý, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, các tổ chức, cá nhân liên quan; giám sát chất lượng dịch vụ du lịch; tư vấn, hỗ trợ hoạt động đầu tư, khai thác kinh doanh phát triển du lịch trong phạm vi KDLQG.
Kiểm tra ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong KDLQG; lập biên bản ban đầu, bảo quản tang vật vi phạm, kịp thời báo cáo với người, cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật…
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Minh Đức