Trái tim Việt Nam
Nhân kỉ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Gia đình Đại tướng, Tỉnh uỷ Cao Bằng, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quân...
Không chỉ là những trận đánh, những chiến công lừng lẫy khiến thế giới khâm phục, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã để lại cho chúng ta những bài học sâu sắc, khơi gợi những giá trị sâu bên trong mỗi con người.
Một thầy giáo lịch sử với với tình yêu nước thủy chung và sắt son, một vị tướng với sự nghiệp giải phóng dân tộc chấn động thế giới, một con người với nếp sống giản dị, chừng mực, chất nhân văn xuyên suốt một thế kỉ chiến tranh và hòa bình. Cái tên “Võ Nguyên Giáp" đã vượt qua giới hạn thời gian, ở lại mãi trong trái tim Việt Nam. Và những giá trị ấy sẽ mãi vững bền cùng mỗi bước đi của dân tộc. Chương trình “Trái tim Việt Nam” không chỉ khắc họa một nhân cách lớn của thế kỉ 20, mà hơn hết là để khẳng định một giá trị Việt Nam bất diệt.
Với kết cấu gồm 4 phần: Những trái tim chung nhịp, Những trái tim trong vòng vây, Những trái tim tự do và Những trái tim còn mãi với thời gian, chương trình “Trái tim Việt Nam” đưa khán giả trở về với những dấu mốc của lịch sử đất nước. “Nhân vật kể chuyện” xuyên suốt chương trình chính là cuốn hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong suốt quãng đời hoạt động, đấu tranh, hồi ức quý giá của Đại tướng đã được ghi chép một cách công phu, tỉ mỉ trong những trang hồi kí.
Những tư liệu lịch sử quý giá này chứa đựng tình cảm của Đại tướng với Bác Hồ kính yêu, sự tận tụy của Đại tướng với sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như những phẩm chất của Quân đội nhân dân Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, được minh chứng qua lửa đạn chiến tranh, với lịch sử dựng nước và giữ nước. Những trang hồi kí này sẽ dẫn lối xuyên suốt những sự kiện lịch sử lớn nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỉ 20.
Bên cạnh chùm phóng sự và các hoạt cảnh nhằm tái hiện lại không khí lịch sử, các mốc thời gian gắn liền với tên tuổi của Đại tướng, những cuộc trò chuyện trong chương trình gợi mở cho khán giả cảm xúc vừa kính trọng, tự hào, vừa gần gũi, chân thực từ góc nhìn của các vị khách mời. Ê kíp thực hiện đã lựa chọn không gian giao lưu ngay tại những địa danh lịch sử. Đó là cuộc gặp tại căn cứ cách mạng - khu rừng Trần Hưng Đạo với ông Dương Mạc Thăng, con trai ông Dương Mạc Thạch (tức Xích Thắng), nguyên Chính trị viên Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.
Cuộc trò chuyện với Nhà sử học Dương Trung Quốc và Đại tá Đinh Thế Văn (nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 Trung đoàn 257 Sư đoàn 361 Quân chủng PKKQ đơn vị bắn rơi 4 B52 12/1972) về “tinh thần Võ Nguyên Giáp - thực hiện ước nguyện Việt Nam độc lập, thống nhất mà Bác Hồ đã giao trọng trách” được diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long, nơi những ngày tháng căng thẳng nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ có một sở chỉ huy đặc biệt được đặt ở đây, Đại tướng đã chỉ đạo toàn quân phát huy tinh thần Điện Biên Phủ, làm nên một chiến thắng Điện Biên Phủ trên không lẫy lừng...
Hòa quyện với mạch cảm xúc thiêng liêng, tự hào của chương trình, các tiết mục nghệ thuật mang đến những giai điệu hào sảng về tình yêu quê hương đất nước, về tinh thần Việt Nam: Tiến bước dưới quân kỳ, Phất cờ Nam tiến, Đất nước bên bờ sóng, Người Hà Nội, Ca ngợi Hồ Chủ Tịch, Người chiến sĩ ấy, Sẽ chiến thắng…
Chương trình thực hiện với sự phối hợp của các nghệ sĩ của Nhà hát ca múa nhạc Quân đội như Cẩm Tú, Hoàng Hồng Ngọc, Viết Danh, Thu Thuỷ… cùng dàn hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng. Các nghệ sĩ Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn, Lan Anh, Vũ Thắng Lợi, Phúc Tiệp, NSƯT Thanh Vinh… đã đóng góp nhiều tiết mục trong chương trình. Cố vấn âm nhạc: nhạc sĩ Lưu Hà An, nhạc sĩ Trần Quốc Đạt.
Chương trình “Trái tim Việt Nam” được thực hiện trong những ngày cả nước đang căng mình chống dịch Covid-19. Trong lịch sử của những cuộc chiến, những giờ phút căng thẳng nhất, những giai đoạn khó khăn, cam go nhất, chúng ta luôn dựa vào lịch sử để tìm ra không chỉ những bài học về chiến thuật, chiến lược kế thừa từ ông cha, mà còn để khơi dậy sức mạnh tinh thần, niềm tin vào sự đoàn kết toàn dân. Nhà sử học Dương Trung Quốc, khách mời của chương trình chia sẻ, “Trái tim Việt Nam” sẽ mang lại không ít những suy nghĩ, cảm hứng để chúng ta phát huy truyền thống của quá khứ, của các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bởi chính cuộc chiến chống dịch bệnh này cũng là để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ người dân. Làm sao để cho lịch sử, hình tượng những anh hùng trong quá khứ tiếp thêm sức mạnh cho mọi người, và chúng ta có thể học hỏi những giá trị có sức tác động rất nhiều đến con đường bảo vệ và phát triển đất nước.
Đặt trong bối cảnh đó, chương trình “Trái tim Việt Nam” truyền tải những thông điệp ý nghĩa về một Trái tim Việt Nam: “Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó”.