Tranh cãi về kỷ lục món ăn đặc sản Việt Nam
Danh sách Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam và Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) công bố chưa hoàn toàn làm hài lòng công chúng và giới chuyên gia.
Như Thanh Niên đã đưa tin, đầu tháng 3.2021, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) công bố Top 100 món ăn đặc sản và Top 100 đặc sản quà tặng (2020 - 2021) dành cho những món ngon, sản vật độc đáo trên cả nước. Khi đó, Tổng giám đốc VietKings Lê Trần Trường An cho hay: “Trong danh sách kỷ lục lần này có rất nhiều món ăn, đặc sản mới lạ, độc đáo mang nét đặc trưng tiêu biểu của vùng miền, đồng thời thể hiện được sự đa dạng của ẩm thực Việt từ Bắc chí Nam”.
Tuy nhiên, trong các bình luận của độc giả Thanh Niên có một số ý kiến chỉ ra những điểm bị cho là thiếu sót của danh sách, chẳng hạn như: “Quà tặng mang về mà thiếu bánh pía Sóc Trăng”, hay “Thực hiện theo phương pháp cưỡi ngựa xem hoa, nhiều vùng không chuẩn”...
|
Thiếu nhiều món ngon nhớ lâu
Chuyên gia ẩm thực Nguyễn Quang Việt rất mê gạo nếp và cốm Tú Lệ nên khi xôi nếp Tú Lệ (Yên Bái) lọt vào danh sách, ông vô cùng hài lòng. “Lên vùng núi thì xôi đều ngon. Nhưng xôi ở Tú Lệ thì thực sự đặc biệt. Đúng xôi nếp Tú Lệ Yên Bái thì có thể ăn cả ngày mà không bị nóng ruột, nóng cổ. Tú Lệ như một cái giếng trời, có gió lạnh, có sương và đất đai ở đó tạo ra thế”, ông nói.
Theo ông Lê Trần Trường An, để vào danh sách này, các món ăn cần được nằm trong hồ sơ đề cử của các trung tâm xúc tiến thương mại du lịch văn hóa địa phương, hoặc Sở Quản lý văn hóa, hay Sở KH-CN. “Từ các hồ sơ đó, chúng tôi lọc theo nhiều tiêu chí. Thứ nhất, món ăn phải được đa số người dân địa phương sử dụng. Thứ hai, chúng tôi có cộng đồng kỷ lục gia của mình ở địa phương nên gửi thư đề nghị cộng đồng này đề xuất đặc sản...”, ông An cho hay.
Tuy nhiên, không phải món nào cũng được đồng thuận nhiều như xôi Tú Lệ, thậm chí có món gây... chia rẽ ngay sau khi danh sách được công bố. “Như phở chẳng hạn, danh sách tôn vinh phở bò Nam Định trong khi phở Hà Nội cũng rất ngon. Hà Nội là nơi có nhiều hàng phở nổi tiếng lâu đời. Hoặc danh sách món của Hà Nội được tôn vinh lại cũng không hề có bún thang. Trong khi đó, bún thang và phở gà phải nói là hai món đặc trưng cho Hà Nội”, TS Nguyễn Thu Thủy (Khoa Du lịch, ĐH KHXH-NV, ĐHQG Hà Nội) nói. Theo bà, cần chú ý tiêu chí lựa chọn cũng như người lựa chọn danh sách. “Ở đây là kỷ lục theo góc nhìn của các kỷ lục gia nhưng cũng phải xem nhóm đó có đủ để đại diện số đông không”, bà Thủy nhận định.
Trong danh sách của VietKings, Hà Nội được vinh danh với 3 đặc sản bún chả, bánh cốm và chả cá Lã Vọng. Tuy nhiên, Hà Nội còn có bún thang, bún ốc nguội, bánh tôm... ngon nổi tiếng. Thừa Thiên-Huế được tôn vinh với bún bò, cơm hến, quả vả, hạt sen Tịnh Tâm. Như thế, các món bánh rất đặc trưng của vùng đất này như bánh bột lọc, bánh nậm, bánh ram ít đã bị bỏ quên. Chưa kể Huế còn có chè bột lọc thịt quay, mè xửng hay kẹo gương rất được ưa chuộng để mua về làm quà.
Bên cạnh đó, chuyên gia Nguyễn Quang Việt cho rằng trong danh sách có món được tôn vinh dù món đó ở địa phương khác cũng ngon không kém: “Tôi lấy gà quay xôi phồng Bình Dương chẳng hạn. Nhiều nơi khác cũng có gà quay xôi phồng ngon và món này ở nhiều nhà hàng đang được bán với tư cách là một món Nam bộ nói chung”.
Vinh danh để phát triển
Bản thân ông Lê Trần Trường An cũng luyến tiếc nhiều món ăn không vào top. “Hà Nội có bún thang mà không hiểu làm sao lại không vào được danh sách. Tôi ra Hà Nội lần nào cũng ăn bún thang Cầu Gỗ nhưng không có trong đề cử thì không dám đưa vào”, ông cho hay.
Tổng giám đốc VietKings thừa nhận chỉ với top 100 thì không thể vinh danh hết món ăn và quà tặng Việt Nam. Chưa kể, cộng đồng kỷ lục gia không phải ai cũng là chuyên gia ẩm thực. Họ tham gia bình chọn với tư cách là người tại địa phương, hiểu về các trải nghiệm ở địa phương. Thêm vào đó, còn phải ưu tiên các món đã có chỉ dẫn địa lý, đã được khẳng định chất lượng như gạo nếp Tú Lệ, hay bánh tráng Trảng Bàng, măng cụt Lái Thiêu.
“Quà tặng Hà Nội còn có mấy món mứt nhưng không lọt danh sách. Thì mình nói đây là góc nhìn của tổ chức kỷ lục thôi, không phải góc nhìn chung của mọi người. Đúng là còn thiếu nhiều món trong danh sách, phải top 300 mới đủ”, ông An nói.
Về lâu dài, ông cho biết: “Chúng tôi cũng muốn sang năm có bộ tiêu chí mới để làm tốt hơn. Chúng tôi sẽ so sánh đối chiếu, tỉnh nào nhiều món ngon thì công bố nhiều món đặc sản hơn, chứ không phải tỉnh nào cũng có số món cố định như nhau thế này. Cách lấy theo đồng bộ, bình quân như thế này không được”.
Ông Đào Đức Long, CEO của khu nghỉ dưỡng Le Champ Tú Lệ, cho rằng kế hoạch hậu vinh danh mới là chiến lược đường dài, nghĩa là cần tạo đầu ra cũng như giữ chất lượng đặc sản. Le Champ của ông vẫn luôn có món xôi nếp Tú Lệ trong các thực đơn cả hằng ngày lẫn tiệc quan trọng. Khách tới nghỉ đều rất ưa thích, đề nghị mua thêm gạo mang về làm quà. Để đảm bảo điều đó, ông có các hộ dân cung cấp riêng nếp Tú Lệ chất lượng tốt, sạch. “Vinh danh gì cũng là để người dân có đầu ra cho sản xuất bền vững và khách du lịch vừa được ăn ngon, vừa có quà tặng đậm văn hóa bản địa mang về nhà”, ông Long khẳng định.
Theo Thanh Niên https://thanhnien.vn/van-hoa/tranh-cai-ve-ky-luc-mon-an-dac-san-viet-nam-1360556.html Copylink