Friday, Aug 21, 02:08 PM

Tương lai ngành tổ chức sự kiện kinh doanh hậu Covid-19

Bị thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19, vì vậy, theo khuyến cáo, ngành tổ chức sự kiện kinh doanh buộc phải đổi mới và ứng biến linh hoạt. Hành trình chuyển đổi này không phải là một chặng đua nước rút, mà là đường đua marathon bền bỉ ngay cả khi đại dịch

Tương lai ngành tổ chức sự kiện kinh doanh hậu Covid-19
Tương lai ngành tổ chức sự kiện kinh doanh hậu Covid-19

Tổng cục Du lịch Singapore (STB), Hiệp hội Các nhà tổ chức sự kiện chuyên nghiệp (PCMA) và Hiệp hội Ngành triển lãm toàn cầu (UFI) vừa phối hợp giới thiệu sách trắng “Hình dung lại ngành tổ chức sự kiện kinh doanh trong và sau Covdid-19”, đánh dấu sự hợp tác tiên phong của một điểm đến du lịch và các tổ chức hàng đầu trong ngành triển lãm, hội nghị và hội thảo.

Đồng thời, sách trắng “Hình dung lại ngành tổ chức sự kiện kinh doanh trong và sau Covid-19” còn đánh giá tổng quan sự chuyển đổi của các lĩnh vực trong ngành tổ chức sự kiện kinh doanh dưới tác động của đại dịch, cũng như tổng hợp các ý tưởng trên toàn thế giới để hỗ trợ các nhà tổ chức sự kiện kinh doanh thay đổi tư duy về sản phẩm và quá trình vận hành trong tương lai.

Sách trắng chính thức được ra mắt tại sự kiện Singapore MICE Forum x IBTM Wired
Sách trắng "Hình dung lại ngành tổ chức sự kiện kinh doanh trong và sau Covid-19” chính thức được ra mắt tại sự kiện Singapore MICE Forum x IBTM Wired

Năm 2017, ngành tổ chức sự kiện kinh doanh đã tạo ra gần 26 triệu việc làm và đóng góp 1,5 nghìn tỷ đôla Mỹ vào GDP toàn cầu, tương đương giá trị với một nền kinh tế lớn thứ 13 trên thế giới, vượt cả Úc, Mexico và Ả Rập Xê Út. Tại Singapore, hình thức du lịch kết hợp gặp gỡ, khen thưởng, hội nghị và triển lãm (MICE) đã tạo ra hơn 34.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp với giá trị lên đến 3,8 triệu đôla Singapore, đạt gần 1% trong tổng GDP của quốc gia.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả. Năm 2020, ngành du lịch và khách sạn thế giới đã bị tổn thất nặng nề lên đến 935 tỷ USD, và tổ chức sự kiện kinh doanh nằm trong số những ngành chịu tác động nặng nề nhất. Sự bùng phát của dịch bệnh chính là “hồi chuông cảnh tỉnh” cho ngành công nghiệp vốn phụ thuộc vào tương tác trực tiếp, cần phải tái định hình và nâng cấp.

Theo kết quả khảo sát Các chỉ số phục hồi sau Covid-19 của PCMA (tháng 1/2021), mức độ sẵn sàng đi du lịch vẫn còn ghi nhận các ý kiến trái chiều, trong đó 44% các doanh nghiệp tổ chức sự kiện và 23% các nhà cung cấp dịch vụ vẫn chưa sẵn sàng. Tuy nhiên, vẫn còn đó những dấu hiệu khả quan. Bảng khảo sát cũng chỉ ra rằng 25% các doanh nghiệp tổ chức sự kiện và 31% các nhà cung cấp dịch vụ không ngại di chuyển đến bất cứ đâu nếu các sự kiện thật sự quan trọng và phù hợp.

Mặt khác, với những ai vừa tham dự các sự kiện offline gần đây, 63% các doanh nghiệp tổ chức sự kiện và 77% các nhà cung cấp cho rằng các biện pháp an toàn và phòng chống dịch thực sự hiệu quả, và sẽ tiếp tục duy trì những điều này trong tương lai. Nhiều doanh nghiệp tổ chức sự kiện và nhà cung cấp cũng cảm thấy lạc quan hơn, với tỷ lệ lần lượt là 69% và 64% theo kết quả khảo sát vào tháng 6/2021, so với kết quả là 48% và 47% vào tháng 1/2021. Doanh thu của ngành triển lãm cũng bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại, và được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng 106% trên toàn cầu so với năm 2020.

Trong bối cảnh ngành tổ chức sự kiện đang lên kế hoạch phục hồi sau tác động của đại dịch Covid-19, sách trắng "Hình dung lại ngành tổ chức sự kiện kinh doanh trong và sau Covid-19” cũng nhấn mạnh các chỉ số tăng trưởng và đổi mới đang hiện diện tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo Dữ liệu từ “Báo cáo về sự phục hồi toàn cầu” được thực hiện bởi UFI, Explori và Nhóm Các nhà tổ chức sự kiện độc lập cho thấy, ngành triển lãm tại châu Á sẽ ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn về số lượng khách tham gia và đơn vị tổ chức triển lãm so với các khu vực khác trên thế giới. Các sự kiện trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp - trực tuyến (hybrid) cũng trở nên thịnh hành hơn ở châu Á, với số lượng người từng tham dự các sự kiện như vậy cao gấp 2 lần so với các khu vực khác. Ngoài ra, số lượng sự kiện được lên kế hoạch tổ chức cũng phục hồi ngang bằng so với thời điểm trước đại dịch mà họ dự tính tham gia, đối chiếu với dữ liệu giai đoạn 2019.

Bảng khảo sát các chỉ số khu vực châu Á - Thái Bình Dương của PCMA cũng chỉ ra các kết quả tương tự. Tỷ lệ các nhà tổ chức sự kiện tại châu Á - Thái Bình Dương (38%) có kế hoạch phát sóng trực tuyến các sự kiện offline đến các đối tượng tham dự online nhiều hơn đáng kể so với các nhà tổ chức sự kiện tại Bắc Mỹ (17%). Trong số các câu trả lời từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương về kế hoạch tổ chức sự kiện kết hợp trực tuyến và trực tiếp trong năm nay, gần 80% các nhà tổ chức dự tính sẽ cho phép khán giả online tương tác với sự kiện offline, trong khi tại Bắc Mỹ, con số này chỉ có 27%.

Bên cạnh quá trình ứng dụng kỹ thuật số, Sách trắng "Hình dung lại ngành tổ chức sự kiện kinh doanh trong và sau Covid-19” cũng nhấn mạnh 3 yếu tố cốt lõi để hình dung lại ngành du lịch một cách hiệu quả, đó là: Các mô hình kinh doanh, trải nghiệm người tham dự và nguồn nhân lực và kỹ năng. Trong đó đã ghi nhận và tổng hợp quan điểm của các chuyên gia đầu ngành trên thế giới, những người đã thực sự ứng dụng các yếu tố cốt lõi kể trên với tư duy cầu tiến và thử nghiệm các mô hình thành công.

Ông Keith Tan - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Singapore - chia sẻ, đại dịch đã buộc ngành tổ chức sự kiện kinh doanh phải đổi mới và ứng biến linh hoạt. Hành trình chuyển đổi này không phải là một chặng đua nước rút, mà là đường đua marathon bền bỉ ngay cả khi đại dịch kết thúc. “Khi Singapore đang dần mở cửa trở lại và sẽ cho phép tổ chức các sự kiện thương mại lớn, chúng tôi hy vọng rằng những tài liệu như Sách trắng này sẽ giúp định hướng cho các đơn vị trong ngành tổ chức sự kiện kinh doanh tại Singapore xây dựng những năng lực mới và hình dung lại tương lai của ngành”, ông Keith Tan cho hay.

Còn ông Sherrif Karamat, Chủ tịch, Giám đốc điều hành PCMA cho rằng, việc phục hồi thành công từ đại dịch hay không phụ thuộc rất lớn vào khả năng chúng ta giải quyết nhu cầu chuyển đổi mạnh mẽ của khách hàng. Đại dịch buộc chúng ta phải nhìn lại cách đáp ứng nhu cầu và mong muốn của khách hàng để đạt được thành công trong tương lai. Mặc dù cách người tham dự tiếp cận các sự kiện kinh doanh đã thay đổi do dịch bệnh, tuy nhiên kỳ vọng và mục tiêu khi tham dự của họ vẫn sẽ nhất quán như trước đây.

Tổng giám đốc Điều hành UFI - ông Kai Hattendolf thì nhấn mạnh, các công ty tổ chức sự kiện kinh doanh và khách hàng của họ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang có xu hướng lựa chọn các hình thức phát triển kinh doanh kỹ thuật số, so với các khu vực khác trên thế giới. Hơn nữa, các đơn vị tổ chức triển lãm cũng lạc quan hơn về ngân sách so với thời điểm mùa hè năm 2020. “Hy vọng rằng sách trắng này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về các phương thức tiếp cận mới và cơ hội của ngành tổ chức sự kiện kinh doanh trong tương lai. Đây được xem là một trong những con đường nhanh nhất để giúp phục hồi kinh tế”- ông Kai Hattendolf cho hay.

hoa-qu19696nh
Theo Công Thương https://congthuong.vn/tuong-lai-nganh-to-chuc-su-kien-kinh-doanh-hau-covid-19-162317.html Copylink