Vướng quảng cáo “lố” - nghệ sĩ là người tiếp tay và cũng là nạn nhân
Việc quảng bá sản phẩm kém chất lượng mấy ngày qua là chủ đề nóng của showbiz Việt. Không ít nghệ sĩ cũng vô tình trở thành nạn nhân của chiêu trò “mượn” hình ảnh để PR sản phẩm mà không xin phép.
Việc quảng bá sản phẩm kém chất lượng mấy ngày qua là chủ đề nóng của showbiz Việt. Không ít nghệ sĩ cũng vô tình trở thành nạn nhân của chiêu trò “mượn” hình ảnh để PR sản phẩm mà không xin phép.
Nghệ sĩ tiếp tay quảng bá hàng kém chất lượng
Nghệ sĩ, ngôi sao trong giới showbiz quảng cáo cho các nhãn hàng - xem YouTube, lướt TikTok, người dùng thấy nhan nhản những clip quảng cáo thổi phồng các sản phẩm, thương hiệu, từ các loại thuốc, thực phẩm chức năng cho đến mỹ phẩm không rõ nguồn gốc...
Hàng loạt nghệ sĩ dính đến ồn ào PR hàng kém chất lượng, quảng cáo lố, sai sự thật như: Lê Dương Bảo Lâm, Ngọc Trinh, Khả Như...
Việc người nổi tiếng kiếm tiền dựa trên hình thức quảng cáo qua mạng xã hội là điều phổ biến, nhưng điều đáng nói, khi bị cư dân mạng “bóc phốt” các sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật, không ít nghệ sĩ lựa chọn cách lặng lẽ xóa bài viết đã đăng và im lặng. Ít người dũng cảm nói lời xin lỗi công chúng...
Ca sĩ Đức Phúc vướng lùm xùm khi PR cho một nhãn hàng có mẫu mã giống với một thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng Hàn Quốc. Sau khi nhận được phản ánh nhãn hàng này có sản phẩm kém chất lượng, nam ca sĩ đã ngay lập tức gỡ bài.
Diễn viên Diệu Nhi thừa nhận sai sót, xin lỗi khán giả vì quảng cáo thuốc giảm cân khi chưa kiểm chứng chất lượng, và cô xóa quảng cáo trên fanpage,...
NSND Hồng Vân xin lỗi khán giả vì đã phạm sai lầm khi quảng cáo sản phẩm nhưng không tìm hiểu rõ nguồn gốc.
Khi nghệ sĩ trở thành nạn nhân
Tuy nhiên, bên cạnh việc nghệ sĩ tiếp tay PR cho các thương hiệu kém chất lượng thì không ít nghệ sĩ phải “kêu cứu” vì bị lấy hình ảnh trái phép quảng bá sản phẩm.
Hoa hậu H’Hen Niê bị sử dụng hình ảnh trái phép quảng cáo thuốc hỗ trợ sinh lý cho nam giới. Sau khi các bài đăng có hình ảnh H’Hen Niê tràn lan trên mạng xã hội, sáng 3.6, cô nói không ký kết hợp đồng với nhãn hàng. Cô và êkíp muốn liên hệ với doanh nghiệp để yêu cầu gỡ hình ảnh nhưng không tìm được địa chỉ, số điện thoại.
Ngoài H’Hen Niê, nhiều nghệ sĩ từng bị lợi dụng hình ảnh quảng cáo sai sự thật, như nghệ sĩ hài Công Lý, nghệ sĩ Quyền Linh, ca sĩ Thủy Tiên...
Chính vì điều này, tên tuổi các nghệ sĩ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vô tình, họ bị “đổ oan” rằng đang tiếp tay cho các nhãn hàng kém chất lượng lừa gạt khán giả. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, nhiều nghệ sĩ sau khi bị lấy hình ảnh trái phép thường không biết hướng xử lý ra sao khi mà các đơn vị này thường hoạt động nhỏ lẻ, không có địa chỉ rõ ràng.
Nghệ sĩ cần làm gì nếu vướng “ồn ào quảng cáo”?
Trong bối cảnh mạng xã hội tràn ngập các tin giả, thông tin không chính xác, thì hơn ai hết, các nghệ sĩ, ngôi sao… là những người có tầm ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, cần phải có trách nhiệm lớn hơn trong việc kiểm chứng thông tin do mình đăng tải, nhưng giờ đây, nhiều người vì cái lợi trước mắt mà sẵn sàng dẹp bỏ đi trách nhiệm đó của mình.
Từ thực tế này, nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm của các nghệ sĩ, người nổi tiếng trong việc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, nhất là khi tên tuổi, tiếng nói của họ có ảnh hưởng và sức lan tỏa với nhiều người.
Trong trường hợp bị lợi dụng tên tuổi, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông cho rằng, nghệ sĩ nên tìm đến các cơ quan chức năng để nhờ hỗ trợ, tránh hình ảnh bị ảnh hưởng.
Luật sư Hà Hải - Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM - cho biết: “Căn cứ khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại phải trả thù lao trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác”.
Do đó, theo luật sư Hà Hải việc cá nhân, tổ chức sử dụng hình ảnh của người khác nói chung và nghệ sĩ nói riêng để quảng cáo khi chưa có sự đồng ý của họ là vi phạm pháp luật và phải đối diện với mức xử phạt hành chính và hình sự. Bên cạnh đó, luật sư Hà Hải cũng đưa ra vấn đề, nếu nghệ sĩ bị nhãn hàng lợi dụng tên tuổi hay nhãn hàng không minh bạch trong hợp đồng khiến hình ảnh của nghệ sĩ bị ảnh hưởng, nghệ sĩ hoàn toàn có quyền kiện nhãn hàng.
Trong trường hợp nếu nghệ sĩ có đầy đủ chứng cứ chứng minh việc không minh bạch ảnh hưởng tới danh dự và uy tín của mình thì có quyền yêu cầu nhãn hàng phải bồi thường theo Điều 584 (căn cứ phát sinh và bồi thường thiệt hại), 592 (thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm) theo Bộ luật Dân sự 2015.
Bên cạnh đó, đối với các nghệ sĩ chưa nắm rõ thông tin mà quảng cáo sản phẩm “lố”, luật sư Hải cũng đưa ra lời khuyên: “Trước khi nhận hợp đồng quảng cáo thì nghệ sĩ nên tham vấn ý kiên của các luật sư về tính pháp lý của nội dung mình sắp truyền tải, xem nội dung sản phẩm có thuộc trường hợp cấm quảng cáo theo Điều 7, 8 luật quảng cáo 2012 hay không, kiểm tra giấy phép hoạt động của doanh nghiệp… Nghệ sĩ phải yêu cầu công ty cung cấp tất cả những giấy tờ này và nên tham vấn luật sư về pháp lý của những giấy tờ đó”.
Theo luật sư Trần Minh, Văn phòng luật sư L&P TPHCM: “Trong trường hợp nếu nghệ sĩ cố tình quảng cáo sai để trục lợi thì sẽ bị xử lý theo quy định phạt luật. Căn cứ vào Điều 197, Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định rõ: Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm”.