Tuesday, Feb 23, 06:02 AM

ChatGPT không thể thay vai trò của giáo viên

ChatGPT là phiên bản thể hiện thành công của trí tuệ nhân tạo song để giáo dục nhân cách, dẫn dắt, định hướng cho học sinh thì không công nghệ nào có thể thay thế vai trò của người thầy.

ChatGPT không thể thay vai trò của giáo viên
ChatGPT không thể thay vai trò của giáo viên
chatgpt-kh244ng-the-thay-vai-tr242-cua-gi225o-vi234n_1.jpg
Các diễn giả tại tọa đàm “ChatGPT, trí tuệ nhân tạo (AI)- lợi ích và thách thức đối với giáo dục”.

Ngày 13/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức tọa đàm với chủ đề “ChatGPT, trí tuệ nhân tạo (AI) - lợi ích và thách thức đối với giáo dục”. Nhiều vấn đề của giáo dục được đặt ra và trao đổi tại tọa đàm.

Nhận thức rõ cơ hội, thách thức

Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, ngày nay AI không chỉ là xu hướng mà đang ảnh hưởng sâu rộng đến các khía cạnh xã hội. Ứng dụng AI góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, học tập, đáp ứng sự phát triển của xã hội, phục vụ cuộc sống con người tốt hơn. Sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo định hình tương lai giáo dục của tất cả các quốc gia trên thế giới.

Trước sự phát triển của AI, gần đây là sự ra đời của ChatGPT đã tạo nên một cơn sốt toàn cầu và hiện đang là chủ đề thảo luận, nghiên cứu tại nhiều quốc gia trên thế giới, và ngành Giáo dục đã chủ động tìm hiểu và nhận thức rõ cơ hội cũng như thách thức đặt ra của ChatGPT và AI đối với giáo dục, sẽ sớm có những nghiên cứu thấu đáo và hành động phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực, phát huy hiệu quả tác động tích cực của AI nói chung và ChatGPT nói riêng trong giáo dục.

TS Nguyễn Thành Nam - nhà sáng lập FUNiX nhìn nhận, việc ra đời của ChatGPT có những ưu điểm không thể phủ nhận, trước hết đó là thúc đẩy người học dám hỏi. Bởi trong giới hạn một tiết học khó có thể truyền tải hết kiến thức người học muốn tìm hiểu, trong khi một số học sinh, sinh viên “ngại” sai nên việc ra đời một công cụ như ChatGPT đã phần nào giải quyết được vấn đề này.

Từ góc độ một chuyên gia giáo dục, TS Lê Thống Nhất cho rằng, nhiều người lo ngại ChatGPT sẽ tạo ra những văn bản giống như con người tạo ra. Tuy nhiên, phải nhìn nhận ở mặt tích cực đó là từ nay, công việc xử lý hàng triệu văn bản sẽ được ChatGPT giúp và việc của chúng ta đó là biến công cụ này trở thành trợ thủ đắc lực cho việc học tập, làm việc của mỗi người, khi giúp xử lý hàng triệu link văn bản.

Giữ tinh thần ủng hộ cái mới, TS Tạ Hải Tùng - Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, công nghệ thay đổi từng ngày, việc ra đời những nội dung, công cụ mới là hết sức bình thường. Chúng ta không nên quá lo lắng AI hay ChatGPT có thể thay thế hoàn toàn vai trò của con người. Có những công việc mất đi khi có công nghệ mới ra đời nhưng đồng thời cũng có những công việc mới được sinh ra nên vấn đề là làm sao để sử dụng, tận dụng được công nghệ này một cách phù hợp nhất.

Thay đổi để tận dụng công nghệ

Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến từ các nhà quản lý giáo dục, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các học giả, các giáo viên thảo luận và chia sẻ quan điểm về ảnh hưởng của AI đến tương lai của giáo dục. Câu hỏi được nhiều người quan tâm đó là khi ChatGPT ra đời với những ưu điểm vượt trội, liệu vai trò của người thầy sẽ ra sao?

Trên thực tế, đã có những thử nghiệm ChatGPT chỉ mất 6 phút để soạn được một giáo án hay vượt qua những bài kiểm tra với điểm số khả quan thì người học, người dạy sẽ phải làm gì? GS. TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, với những kiến thức phổ thông, nền tảng thì ChatGPT làm rất tốt nhiệm vụ của nó và có thể đạt đến điểm 9, nhưng với những kiến thức chuyên ngành, chuyên sâu hơn thì chưa đạt được yêu cầu.

Tuy nhiên, từ đây cũng đặt ra vấn đề, giảng viên, giáo viên ngày nay cần phải có ý thức về việc sử dụng AI, ChatGPT vào việc giảng dạy, truyền tải kiến thức. Không thể truyền tải kiến thức đơn lẻ - điều mà công nghệ ngày nay có thể làm rất tốt mà cần tập trung vào việc đào tạo nhân cách, kỹ năng cũng như định hướng đúng đắn cho học sinh, sinh viên.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, nhiệm vụ của ngành Giáo dục không chỉ là chia sẻ thông tin mà là lan tỏa tri thức, làm giàu cho mọi người dân và xã hội. Công nghệ ngày nay làm thay chúng ta một số việc nhưng không có nghĩa là thay thế vai trò của người thầy. Người thầy nói riêng và cả hệ thống giáo dục cần có những thay đổi để thích nghi, tận dụng nó. Và với ChatGPT, AI, cách học tốt nhất là dùng nó, thảo luận nó.

Thu Hương
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/chatgpt-khong-the-thay-vai-tro-cua-giao-vien-5709651.html Copylink