Monday, May 23, 07:05 AM

Trường học hạnh phúc

Ngăn chặn bạo lực học đường hãy bắt đầu từ trường học hạnh phúc là ý kiến được nhiều chuyên gia đồng tình. Tuy nhiên thực hiện lại không đơn giản

Trường học hạnh phúc
Trường học hạnh phúc
truong-hoc-hanh-ph250c_1.jpg
Nỗ lực để mỗi ngày học sinh đến trường là một ngày vui.

Thầy cô, học sinh cùng hạnh phúc

Chia sẻ tại hội thảo quốc tế “Hiệu trưởng, người gieo mầm hạnh phúc” do Quỹ Hỗ trợ Đổi mới Giáo dục Phổ thông (VIGEF) vừa tổ chức, Chủ tịch Hội đồng quản lý kiêm Giám đốc VIGEF Đặng Tự Ân cho rằng, mô hình trường học hạnh phúc hướng đến xây dựng môi trường văn hóa học đường lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Đặc biệt, ông Ân nhấn mạnh hạnh phúc cho người học không phải chỉ là kết quả học tập hay điểm số mà cần hướng tới một đời sống tinh thần cân bằng và lành mạnh hơn, biết làm chủ cảm xúc cho tất cả trẻ em mầm non, học sinh phổ thông và sinh viên các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam.

TS Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam cho rằng, trường học hạnh phúc là ngôi trường mà ở đó chỉ có niềm vui thầy trò, bạn bè dành cho nhau. Trường học hạnh phúc đề cao cảm xúc tích cực của mỗi cá thể trong nhà trường, các mối quan hệ tốt đẹp, dựa trên cơ sở tinh thần dân chủ, công bằng, tôn trọng sự khác biệt, lắng nghe lẫn nhau, đồng cảm, yêu thương và chia sẻ. Rõ ràng, khi niềm vui lấn át nỗi buồn, thầy cô hạnh phúc, yêu thương và tôn trọng học sinh; luôn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, thông cảm và sẵn sàng làm tất cả những điều tốt nhất cho học sinh của mình thì bạo lực học đường sẽ không còn. Bởi khi hạnh phúc của thầy cô được lan tỏa đến học sinh, học sinh cũng thay đổi theo hướng tích cực hơn.

Từ kinh nghiệm của một nhà giáo dục trực tiếp giảng dạy và gắn bó với nhiều thế hệ học sinh, GS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, thực tế cho thấy tại những nơi triển khai thực hiện và lan tỏa mạnh mẽ mô hình trường học hạnh phúc, bạo lực học đường sẽ ít có cơ hội xảy ra, bởi khi mỗi nhân viên, mỗi thầy cô và học sinh đều cảm thấy vui vẻ, những ấm ức, khó chịu, áp lực nếu có cũng sẽ dần được hóa giải một cách nhẹ nhàng.

Thách thức nhiều phía

Nhiều chuyên gia giáo dục đồng tình với việc để xây dựng một ngôi trường hạnh phúc, nơi thực sự là ngôi nhà thứ hai ấm áp của các em học sinh, giáo viên, nhân viên sẽ giúp đẩy lùi vấn nạn bạo lực học đường hiện nay. Tuy nhiên, đây không phải là việc dễ và phụ thuộc vào nỗ lực của một vài người, một vài ban, ngành mà cần sự chung tay, nỗ lực từ nhiều phía, từ các cơ quan trung ương đến địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp, mỗi phụ huynh, giáo viên, học sinh…

Trong đó, vai trò của người hiệu trưởng là vô cùng quan trọng. Chỉ khi người quản lý hạnh phúc mới lan tỏa tới những đồng nghiệp của mình, tạo không khí tích cực, vui vẻ tới môi trường học đường, từ đó, xây dựng một môi trường học đường mà học sinh thực sự tìm thấy niềm vui thay vì những áp lực từ bài vở và điểm số…

Với ý nghĩa đó, dự án Trường học hạnh phúc triển khai trong 2 năm 2022-2023 với mục tiêu đào tạo 1 nghìn hiệu trưởng các trường phổ thông trong cả nước có hiểu biết khoa học và các kỹ năng xây dựng thành công mô hình trường học hạnh phúc tại chính cơ sở giáo dục của mình. Dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 và có 1.245 hiệu trưởng đến từ 7 tỉnh, thành phố tham gia chương trình tập huấn trực tiếp, vượt chỉ tiêu đề ra.

Căn cứ 22 tiêu chí trường học Hạnh phúc của UNESCO, trong đó có 5 tiêu chí cốt lõi, đó là: Yêu thương, Tôn trọng, An toàn, Hiểu và Có giá trị. Làm tốt 5 tiêu chí này, mỗi người sẽ thấy hạnh phúc và hạnh phúc thực sự, chứ không phải sự ép buộc. Đây là nhu cầu tự thân, là động lực để các thành viên trong nhà trường phấn đấu. Thực hiện phương pháp kỷ luật tích cực, Nhà trường có kỷ luật nghiêm, kỷ cương được thực hiện, nhưng niềm vui và hạnh phúc vẫn có được từ sự tự giác, ý thức tích cực của mỗi người; thầy và trò giảm bớt những áp lực không đáng có, cùng phấn đấu vì mục tiêu chung: Giáo dục, đào tạo các thế hệ học sinh có tâm sáng, trí bền và niềm tin tốt đẹp vào cuộc sống.

TS Nguyễn Ngọc Ân chia sẻ, hãy bắt đầu từ những điều giản dị để xây dựng trường học hạnh phúc, ở đó, hiệu trưởng và tất cả giáo viên, học sinh phải thay đổi để tạo ra môi trường hạnh phúc, giúp học sinh có cơ hội được sáng tạo, phát triển và thành công trong học tập, cũng như cuộc sống.

TS Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nỗ lực để đưa trường học hạnh phúc vào chiến lược giáo dục Việt Nam tới năm 2035. Đây chính là nỗ lực theo xu hướng để thúc đẩy đổi mới phương pháp quản lý giáo dục học sinh, giảng dạy... đảm bảo để người học cảm nhận được hạnh phúc.

Thu Hương
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/truong-hoc-hanh-phuc-5718439.html Copylink