Thursday, Sep 21, 08:09 AM

Xây dựng phương án hỗ trợ người lao động

Tác động của đại dịch Covid-19 khiến hơn 12,8 triệu người bị ảnh hưởng đến công việc, trong đó có nhiều người bị mất việc làm. Trước thực trạng này, các đơn vị cần xây dựng phương án hỗ trợ căn cơ hơn cho người lao động (NLĐ).

Xây dựng phương án hỗ trợ người lao động
Xây dựng phương án hỗ trợ người lao động

Sức ép từ tình trạng mất việc9++

Do mất việc, dừng việc đột ngột, lại không có nguồn tích lũy nên nhiều lao động chỉ đủ tiền bảo đảm cuộc sống khoảng 1 tháng, một số ít có dư tiền tích lũy nhưng cũng chỉ cầm cự được 3 - 4 tháng. Trong khi đến thời điểm này, nhiều địa phương đã phải thực hiện giãn cách tới gần 3 tháng, khiến số lao động rơi vào trạng thái tổn thương gia tăng, còn đại dịch thì vẫn diễn biến phức tạp.

Xây dựng phương án hỗ trợ người lao động

Hỗ trợ người lao động kịp thời để đảm bảo nguồn nhân lực cho sản xuất

Trong báo cáo khuyến nghị chính sách liên quan tới lao động và an sinh xã hội của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa công bố, nhấn mạnh: “Mất sinh kế và không được trợ giúp kịp thời về điều kiện sống tối thiểu sẽ gây nguy cơ lớn trong việc không thực hiện giãn cách xã hội, mang lại những bất ổn tiềm ẩn về xã hội”.

Đồng quan điểm về vấn đề này, bà Shahra Razavi -Vụ trưởng Vụ An sinh Xã hội của Tổ chức Lao động Quốc tế - cho rằng, các quốc gia hiện đứng trước sức ép lớn phải củng cố tài khóa sau khi đã chi những khoản khổng lồ cho biện pháp ứng phó khủng hoảng. Nhưng nếu các quốc gia cắt giảm an sinh xã hội, hành động đó sẽ mang lại hậu quả nghiêm trọng.

Theo các chuyên gia lao động, với những diễn biến như hiện nay, tình hình dịch Covid-19 chưa thể dự báo thời điểm kết thúc. Vì vậy, thị trường lao động từ nay đến cuối năm diễn ra theo kịch bản nào rất khó nhận định, song có điều chắc chắn là số lao động bị mất việc sẽ gia tăng.

Điều chỉnh chính sách phù hợp, kịp thời

Để đảm bảo an sinh xã hội, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã đưa ra một số khuyến nghị tới Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.

Cụ thể, đối với Chính phủ: Yêu cầu các địa phương khi thành lập Tổ tư vấn phục hồi kinh tế hoặc Tổ chống đại dịch phải có sự tham gia đại diện của doanh nghiệp (DN) chủ chốt trên địa bàn, để có thông tin chính xác, kịp thời về các hoạt động và khả năng đáp ứng của DN, từ đó điều chỉnh chính sách kịp thời với tình hình thực tế; chỉ đạo Bộ Công Thương và các bộ, ngành khác tiếp tục hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cũng như nước, viễn thông…; xử lý tình trạng khẩn cấp bằng việc tạm thời sử dụng các quỹ an sinh xã hội đang kết dư, như quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ công đoàn… để hỗ trợ các đối tượng cần; xem xét nâng mức hỗ trợ NLĐ bị mất việc làm khi giãn cách xã hội kéo dài.

Chính quyền các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát toàn bộ lao động trên địa bàn, đặc biệt là lao động tự do, người di cư không có chỗ ở ổn định để kịp thời hỗ trợ về chỗ ở, ăn… qua các gói an sinh xã hội. Đẩy mạnh triển khai rộng rãi các “Siêu thị 0 đồng” trong khu cách ly, phong tỏa để đảm bảo các nhu cầu thiết yếu, tối thiểu của người dân khi kéo dài thực hiện Chỉ thị 16; tăng cường sử dụng mã số định danh cá nhân (thẻ căn cước công dân) để NLĐ tự đăng ký nhận gói an sinh theo các ứng dụng công nghệ phổ biến, vừa xác định đúng đối tượng, vừa thực hiện giãn cách xã hội hiệu quả.

Bộ Y tế cần phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét triển khai hỗ trợ tư vấn tâm lý cho lao động đang thực hiện “ba tại chỗ” tại các DN qua hệ thống công tác xã hội ở địa phương và trong hệ thống y tế.

thanh-t24747m
Theo Công Thương https://congthuong.vn/xay-dung-phuong-an-ho-tro-nguoi-lao-dong-163828.html Copylink