Hệ thống cảnh báo sớm - chủ động phòng ngừa, ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại
Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, yêu cầu theo dõi sát diễn biến thị trường, cảnh báo được nguy cơ xuất hiện các biện pháp hạn chế thương mại tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt đặc biệt quan trọng.
Cục Phòng vệ Thương mại (PVTM) – Bộ Công Thương cho biết, thực hiện chủ trương chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam đã tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác thương mại thông qua việc ký kết 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 3 FTA khác.
Hệ thống cảnh báo sớm nhằm đảm bảo mục tiêu bảo vệ sản xuất trong nước, chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện PVTM của nước ngoài |
Đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập rất sâu, rộng vào kinh tế khu vực và toàn cầu, với kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mức 500 tỷ USD, lớn gấp hai lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đặc biệt các thị trường FTA chiếm tới trên 75% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Theo Cục PVTM, để đảm bảo hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế thì một trong những yêu cầu quan trọng là theo dõi sát diễn biến thị trường, cảnh báo được nguy cơ xuất hiện các biện pháp hạn chế thương mại tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt. Bên cạnh đó, xu thế bảo hộ gia tăng, xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn còn nhiều diễn biến phức tạp cũng đã và đang tạo nguy cơ tiềm ẩn, tác động trực tiếp cũng như gián tiếp đến các ngành hàng xuất khẩu của ta.
Thống kê, đến hết năm 2019, Việt Nam đã bị các nước khởi xướng điều tra và áp dụng 164 vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) gồm 91 vụ việc điều tra áp dụng biện pháp bán phá giá, 18 vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống trợ cấp, 21 vụ việc điều tra lẩn tránh thuế PVTM và 33 vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ.
“Do đó, xây dựng một hệ thống giám sát xu hướng xuất nhập khẩu với các nền kinh tế đã có FTA với Việt Nam nói riêng và các đối tác thương mại lớn khác nói chung để cảnh báo sớm, phòng ngừa rủi ro áp dụng biện pháp PVTM đã trở thành một yêu cầu cấp thiết”- Đại diện Cục PVTM thông tin.
Để thực hiện chủ trương này, ngày 1/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 316/QĐ-TTg ban hành Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại”.
Mục tiêu của đề án là xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm để theo dõi, cảnh báo và hỗ trợ cơ quan điều tra về PVTM và các cơ quan liên quan trong việc điều tra, xử lý các vụ việc PVTM trong và ngoài nước, đảm bảo mục tiêu bảo vệ sản xuất trong nước, chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện PVTM của nước ngoài, hướng tới xuất khẩu bền vững.
Ngoài ra, Hệ thống cảnh báo sớm sẽ giúp giám sát hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam để phát hiện những trường hợp tăng trưởng nhập khẩu quá nóng, có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước.
Theo lộ trình, tới năm 2021 và giai đoạn tiếp theo tới năm 2025 sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu, phân tích, cung cấp thông tin cảnh báo trong quan hệ thương mại với 20 đối tác thương mại thường xuyên áp dụng biện pháp PVTM với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; củng cố cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong việc cảnh báo, ứng phó với các vụ việc PVTM; bồi dưỡng, đào tạo về PVTM cho 1.000 cán bộ, 30 hiệp hội ngành hàng và 5.000 doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, Đề án đưa ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để tăng cường công tác phối hợp và chủ động phòng tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại; Xây dựng các công cụ phân tích số liệu và thông tin để vận hành Hệ thống cảnh báo sớm; và Nâng cao năng lực sử dụng Hệ thống cảnh báo sớm cho các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.
Trước nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trong Đề án, tới đây, Bộ Công Thương sẽ khẩn trương phối hợp với các Bộ/ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch triển khai nghiêm túc, đầy đủ.