Wednesday, Nov 23, 08:11 AM

Thêm 2 di tích quốc gia đặc biệt: Dấu ấn thuở vàng son

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1225 xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 14) đối với 2 di tích Đình Trà Cổ và Quần thể Thương cảng Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh). Như vậy, đến nay cả nước có 130 di tích quốc gia đặc biệt. Trong đó, đồng bằng sông Hồng là vùng có nhiều di tích được xếp hạng nhất cả nước với 47 di tích. 21 trong số đó thuộc Thủ đô Hà Nội.

Thêm 2 di tích quốc gia đặc biệt: Dấu ấn thuở vàng son
Thêm 2 di tích quốc gia đặc biệt: Dấu ấn thuở vàng son
th234m-2-di-t237ch-quoc-gia-dac-biet-dau-an-thuo-v224ng-son_1.jpg
Đình Trà Cổ.

Kiến trúc độc đáo đình Trà Cổ

Đình Trà Cổ là di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), có niên đại khoảng 600 năm, đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1974. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, ngôi đình Trà Cổ vẫn vững chãi nơi địa đầu Tổ quốc như một cột mốc văn hóa khẳng định chủ quyền nơi biên ải. Năm 2019, lễ hội đình Trà Cổ được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trải qua thăng trầm của thời gian, đình Trà Cổ đã trải qua nhiều lần trùng tu lớn. Trong đó, lần trùng tu gần nhất là vào năm 2012, ngôi đình hiện nay được xây dựng trên 1 khu đất có tổng diện tích hơn 1.000m2, quay theo hướng Nam, có kiến trúc kiểu chữ đinh, gồm 5 gian 2 chái bái đường và 3 gian hậu cung với kết cấu kiến trúc gỗ cổ truyền.

Toàn bộ công trình được dựng lên bằng sự liên kết khung gỗ và được liên kết với nhau bởi các chốt mộng. Ngôi đình là một kiến trúc cổ bề thế, mái lợp ngói vẩy, 4 góc đao cong vút như một con thuyền rẽ sóng lướt tới, tạo nên dáng vẻ thanh thoát. Đặc biệt các bức cốn ở vì kèo thể hiện đường nét chạm trổ chắc khỏe, tinh xảo và rất sống động. Đề tài phong phú gồm các mảng chạm long cuốn thủy phượng bay, hổ rình mồi bên cành hoa lá… Mỗi bức chạm là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc mang dấu ấn thời bấy giờ.

Đây được đánh giá là một trong những ngôi đình có quy mô đồ sộ và kiến trúc độc đáo của khu vực đồng bằng Bắc bộ.

Hiện nay, tại đình Trà Cổ còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: 3 đỉnh hương đồng, 2 hạc cưỡi đầu rùa bằng gỗ sơn son thếp vàng, 8 long ngai bằng gỗ của thời Nguyễn, 12 sắc phong… Hàng năm, từ ngày 30/5 - 3/6 âm lịch, tại đình Trà Cổ diễn ra lễ hội truyền thống. Đây là một lễ hội có quy mô lớn, tiêu biểu cho loại hình lễ hội dân gian trên địa bàn TP Móng Cái nói riêng và của cả nước nói chung. Nét độc đáo của lễ hội đình Trà Cổ là lễ rước thần trên biển rất độc đáo.

th234m-2-di-t237ch-quoc-gia-dac-biet-dau-an-thuo-v224ng-son_2.jpg
Thương cảng Vân Đồn.

Thương cảng Vân Đồn hưng thịnh suốt 500 năm

Thành lập năm 1149, Vân Đồn trở thành thương cảng đầu tiên của nước Đại Việt. Trải qua hàng trăm năm, Thương cảng Vân Đồn dần trở thành hệ thống bến thuyền thương mại trên nhiều đảo trong vịnh Bái Tử Long. Trên phạm vi khoảng 200km2, có các bến: Cống Đông, Cống Tây (xã Thắng Lợi); Cái Làng, Cống Cái (xã Quan Lạn); Cái Cổng, Con Quy (xã Minh Châu); Cống Yên, Cống Hẹp (xã Ngọc Vừng), thuộc huyện Vân Đồn ngày nay.

Thương cảng Vân Đồn được thành lập dưới thời vua Lý Anh Tông, là một trong những thương cảng ngoại dịch đầu tiên ở nước ta. Quy mô của hệ thống thương cảng Vân Đồn một thời sầm uất đã được các nhà khảo cổ ghi nhận qua việc phát hiện nhiều bến bãi với những mảnh vỡ đồ gốm, sành, sứ… trên các bãi biển và dưới lòng đất. Bên cạnh đó qua dấu tích nền nhà cổ thường bắt gặp các hũ sành đựng tiền đồng cổ thuộc các triều đại phong kiến từ thời nhà Lý tới thời nhà Nguyễn trên suốt một dải đảo từ Cống Đông, Cống Hẹp, Cống Yên, Ngọc Vừng đến Minh Châu, Quan Lạn…

Nói đến sự hưng thịnh của Thương cảng Vân Đồn, sách Đại việt sử ký toàn thư viết: Kỷ tị năm thứ 10 (đời vua Lý Anh Tông - Tống thiệu hưng đời thứ 19) mùa xuân, tháng hai, thuyền buôn ba nước Trà Oa, Lộ Hạc, Xiêm La vào Hải Đông xin ở lại buôn bán, bèn cho tập trung ở nơi đảo gọi là Vân Đồn để mua bán hàng quý dâng hiến sản vật địa phương. Năm Trịnh Phú thứ 9 đời nhà Lý Cao Tông, thương nhân các nước Xiêm La, Tam Phật Tề vào trấn Vân Đồn dâng vật quý xin buôn bán. Năm Thiệu phong thứ 8 đời Trấn Dụ Tông (1348), mùa đông, tháng 10 thuyền buôn người nước Chà Bồ (Chà Và) đến Hải Trang Vân Đồn ngầm mua ngọc trai. Năm đại trị thứ ba đời Trần Dụ Tông (1360), mùa đông, tháng 10 thuyền buôn của các nước Lộ Hạc, Trà Oa, Xiêm La đến Vân Đồn buôn bán, tiến các vật lạ. Thời Lê Thánh Tông (1667) thuyền buôn của nước Xiêm La đến trang Vân Đồn dâng biểu bằng lá vàng và dâng sản vật địa phương.

Những cứ liệu của sử sách và giới khảo cổ học cho thấy Thương cảng Vân Đồn tồn tại hưng thịnh suốt 5 thế kỷ từ thời nhà Lý đến thời nhà Lê, là trung tâm giao thương cảng biển quốc tế ở khu vực Đàng ngoài từ thế kỷ XII đến thế kỷ XVII.

An Hà
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/them-2-di-tich-quoc-gia-dac-biet-dau-an-thuo-vang-son-5742860.html Copylink