Tuesday, Sep 23, 08:09 PM

Bàn giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực STEM

Bên cạnh những thành tựu, Việt Nam còn có nhiều bất cập liên quan đến giáo dục STEM. Nguồn nhân lực của Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế.

Bàn giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực STEM
Bàn giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực STEM

Ngày 26/9, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật, Toán học (STEM), thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.

b224n-giai-ph225p-d224o-tao-nguon-nh226n-luc-chat-luong-cao-trong-linh-vuc-stem_1.jpg
Các đại biểu chủ trì hội thảo.

Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá nhu cầu, thực trạng về nguồn nhân lực trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật, Toán học tại Việt Nam, đề xuất quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp tạo đột phá trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực STEM, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội - Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo cho biết, tại Mỹ, đầu những năm 90 đã hình thành xu hướng giáo dục mới gọi là giáo dục STEM. Trong chương trình giáo dục STEM, các môn học về khoa học công nghệ được tích hợp lại với nhau thành một môn học thông qua phương pháp giảng dạy bằng dự án, trải nghiệm, thực hành,....

b224n-giai-ph225p-d224o-tao-nguon-nh226n-luc-chat-luong-cao-trong-linh-vuc-stem_2.jpeg
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức phát biểu tại Hội thảo.

Khái niệm STEM là viết tắt của cụm từ Khoa học, Công nghệ, Kỹ nghệ và Toán học (Science, Technology,  Engineering and Math) và lần đầu tiên được Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ở Mỹ đưa ra vào năm 2001.

Hiện tại, Giáo dục STEM đã được triển khai tại nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, những năm qua, cùng với chính sách đổi mới mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước, xu thế tự chủ và tích cực hội nhập của các trường đại học, chúng ta tự hào giáo dục đại học Việt Nam đã khởi sắc, có những bước tiến bứt phá ngoạn mục về chất lượng và trình độ trong nghiên cứu và đào tạo liên quan đến STEM, hội nhập mạnh mẽ với các chuẩn mực quốc tế trong một số lĩnh vực.

Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu, Việt Nam còn có nhiều bất cập liên quan đến giáo dục STEM. Nguồn nhân lực của Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế. Tư duy phản biện của nhân lực Việt Nam còn thấp, còn nhiều "điểm nghẽn" trong giáo dục….

Do đó, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh: “Với Hội thảo này, chúng ta kỳ vọng như một tiếng chuông thức tỉnh – điều trước tiên là để thống nhất ý chí và nhận thức sâu sắc của tất cả các ngành, các cấp, các cơ sở giáo dục và đào tạo ở các bậc trình độ về tầm quan trọng của giáo dục STEM, nguồn nhân lực STEM, và cần phải thi hành ngay các giải pháp thiết thực nhằm nhanh chóng nâng cao chất lượng nhân lực Việt Nam”.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được xác định là yếu tố then chốt cho phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc. Ở nước ta, kể từ Đại hội XI của Đảng, phát triển nguồn nhân lực luôn được coi là một trong ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

b224n-giai-ph225p-d224o-tao-nguon-nh226n-luc-chat-luong-cao-trong-linh-vuc-stem_3.jpeg
TS Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội thảo.

Trong thời gian qua, việc thúc đẩy đào tạo các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán học đã được quan tâm và triển khai ở cấp học phổ thông qua các hình thức tổ chức giáo dục STEM trong nhà trường, bước đầu đã mang lại những kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, về tổng thể, nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, tầm quan trọng của đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực STEM còn nhiều hạn chế.

Tại Hội thảo, các ý kiến phát biểu của lãnh đạo một số cơ quan Trung ương, trường đại học, sở GDĐT, trường phổ thông, doanh nghiệp công nghệ, các nhà khoa học đều nhấn mạnh, ý nghĩa, tầm quan trọng của STEM.

Các chuyên gia, nhà khoa học cũng đã tập trung thảo luận các vấn đề như: Thực trạng nguồn nhân lực, công tác đào tạo nguồn nhân lực về Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật và Toán học tại Việt Nam; chỉ rõ nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong phát triển nguồn nhân lực STEM giai đoạn vừa qua; nguyên nhân xu hướng lựa chọn theo học các ngành STEM của học sinh sau khi tốt nghiệp THPT có xu hướng giảm…

Nhiều tham luận gửi đến hội thảo cũng cho thấy tầm quan trọng của chính sách, cùng với đó, giới thiệu, chia sẻ các kinh nghiệm, cách làm tốt của các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước về đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực STEM…

Nguyễn Hoài
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/ban-giai-phap-dao-tao-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-trong-linh-vuc-stem-5739573.html Copylink