Saturday, Sep 23, 09:09 AM

Huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu, phát triển cây cà phê bền vững

Xác định cây cà phê là một trong các loại cây chủ lực, có giá trị kinh tế cao, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn, thời gian qua, huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) đã đồng bộ triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu, nhằm đảm bảo phát triển cây cà phê bền vững, cải thiện thu nhập cho bà con nông dân và giúp họ bám trụ, gắn bó lâu dài.

Huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu, phát triển cây cà phê bền vững
Huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu, phát triển cây cà phê bền vững

Dấu ấn cây trồng chủ lực

Huyện Cư M’gar có khoảng 37.726 ha cà phê. Trong đó, diện tích cà phê kinh doanh khoảng 35.518 ha; diện tích cà phê kiến thiết cơ bản khoảng 1.592 ha; diện tích cà phê trồng mới tái canh khoảng 616ha. Cây cà phê được huyện Cư M’gar xác định là cây chủ lực, có giá trị kinh tế cao, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn.

huyen-cu-mgar-dak-lak-trien-khai-nhieu-giai-ph225p-huu-hieu-ph225t-trien-c226y-c224-ph234-ben-vung_1.jpg
huyen-cu-mgar-dak-lak-trien-khai-nhieu-giai-ph225p-huu-hieu-ph225t-trien-c226y-c224-ph234-ben-vung_2.jpg
Người nông dân huyện Cư M'gar đang thu hoạch cà phê.

Đáng kể nhất là giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2010, diện tích cà phê trên địa bàn huyện liên tục tăng nhanh. Thời điểm đó, cà phê ở huyện Cư M’gar cung cấp lượng lớn hàng xuất khẩu, đóng góp chủ yếu cho ngân sách huyện; những người trồng cà phê đời sống cũng nâng cao, nhiều người trồng cà phê giàu lên trông thấy.

Tuy nhiên, những năm gần đây, giá cà phê xuống thấp, vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp tăng cao, nhiều người trồng cà phê bỏ vườn không chăm sóc, nhiều hộ thì chặt bỏ cà phê chuyển sang trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao hơn.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cư M’gar cho biết thêm, có nhiều diện tích cà phê trồng trong giai đoạn 1986-1995 đã hết chu kỳ kinh doanh, năng suất kém. Nhiều diện tích cà phê già cỗi, thiếu nước tưới chưa được chuyển đổi kịp thời.

Một số diện tích cà phê thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thiếu nước tưới làm ảnh hưởng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm. Có những năm mất mùa đến 30% và tiếp tục ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng vụ sau do đó thu nhập của nhiều hộ dân bị ảnh hưởng.

Để có nước tưới cà phê, nhiều hộ dân tự ý đánh mìn, khoan giếng khai thác nước ngầm chưa hợp lý, không đúng kỹ thuật, quy trình đã làm sụt giảm đáng kể lượng nước ngầm và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Hơn nữa, phần lớn diện tích vườn cà phê vối (Robusta) ở huyện Cư M’gar được trồng trước những năm 2002, trồng bằng giống thực sinh không chọn lọc, cho năng suất thấp, kích thước quả không đồng đều, chín không tập trung gây khó khăn cho việc thu hái, chế biến. Một số diện tích cà phê được trồng trong điều kiện đất đai không phù hợp, thiếu nước tưới, làm cho chất lượng cà phê chưa cao, năng suất không ổn định.

Giải pháp phát triển cây cà phê bền vững

Trước thực trạng trên, huyện Cư M'gar tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trồng cà phê hướng đến bền vững, đảm bảo đúng quy trình, kỹ thuật, đúng tiêu chuẩn chất lượng, để nâng cao giá trị và tăng thu nhập. Tuyên truyền, vận động người dân không mở rộng diện tích trồng mới, chuyển đổi số diện tích cà phê già cỗi, không đủ nước tưới, độ dốc cao hơn 150 độ, đất đai không phù hợp sang trồng các loại cây khác có giá trị cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Tăng cường hướng dẫn các hộ sản xuất cà phê nắm vững các khâu chọn giống, bón phân, tưới nước, tạo cành, áp dụng IPM phòng trừ sâu bệnh, thu hái quả chín… nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng, vừa bảo vệ được môi trường sinh thái.

huyen-cu-mgar-dak-lak-trien-khai-nhieu-giai-ph225p-huu-hieu-ph225t-trien-c226y-c224-ph234-ben-vung_3.jpg
huyen-cu-mgar-dak-lak-trien-khai-nhieu-giai-ph225p-huu-hieu-ph225t-trien-c226y-c224-ph234-ben-vung_4.jpg
Cán bộ Trạm khuyến nông huyện Cư M'gar đang tập huấn kỹ thuật phát triển cà phê bền vững cho các hộ nông dân.

Hàng năm trong chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng huyện đã lồng ghép và bố trí kinh phí phù hợp để đầu tư hệ thống giao thông, lưới điện, thủy lợi cho vùng sản xuất. Mặt khác khuyến khích các doanh nghiệp, người sản xuất cà phê đầu tư hệ thống lưới điện tưới vùng sản xuất cà phê. Các Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thông (PTNT), Ngân hàng chính sách xã hội đã quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân được vay vốn đầu tư sản xuất nhằm giúp cho các doanh nghiệp, người sản xuất giữ được sản phẩm cà phê, nhất là khi vào vụ thu hoạch, hạn chế việc bán giá thấp…

Huyện phối hợp và lồng ghép các chương trình dự án của Sở Nông nghiệp và PTNT, Viện WASI, Trường Đại học Tây Nguyên,… triển khai chương trình chuyển giao các tiến bộ khoa học – kỹ thuật áp dụng sản xuất cà phê bền vững đến với người dân. Trong đó, công tác khuyến nông tập huấn, huấn luyện nông dân bón phân cân đối, bón phân theo chẩn doán dinh; xây dựng các mô hình trình diễn, quản lý dinh dưỡng, dịch hại tổng hợp trên cây cà phê; cải tạo đất, trồng cây che bóng; thông tin quy trình tái canh cà phê. Tất cả các chương trình trên đã được quan tâm và khuyến khích người người dân sản xuất cà phê trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, huyện còn phối hợp với các công ty sản xuất kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh như: Liên doanh cà phê Đak Man; Công ty TNHH ARMAJARO, Công ty CP cà phê Trung Nguyên,... để sản xuất cà phê bền vững có thông tin chứng nhận như: UTZ Certified; cà phê 4C, Fairtrade; RFA. Các hộ nông dân có đăng ký tham gia cà phê bền vững đã được tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất cà phê. Phối hợp với Dự án VnSAT tỉnh triển khai tập huấn sản xuất cà phê bền vững và tái canh cà phê cho các xã, thị trấn thuộc vùng dự án trên địa bàn huyện; triển khai thực hiện tưới tiết kiệm trên 35 ha cà phê, hiện nay đang tiếp tục triển khai thực hiện. Nhờ đó đến nay, toàn huyện đã có 9.000 hộ tham gia phát triển cà phê bền vững với 15.077 ha, sản lượng 50.000 tấn Rx (chiếm đến 20% sản lượng chung của toàn tỉnh).

huyen-cu-mgar-dak-lak-trien-khai-nhieu-giai-ph225p-huu-hieu-ph225t-trien-c226y-c224-ph234-ben-vung_5.jpg
huyen-cu-mgar-dak-lak-trien-khai-nhieu-giai-ph225p-huu-hieu-ph225t-trien-c226y-c224-ph234-ben-vung_6.jpg
Đoàn công tác của Đại sự quán Hà Lan tại Việt Nam đã đến thăm mô hình trồng cà phê, trên địa bàn huyện Cư M'gar.

Tạo sự an tâm, giúp người trồng cà phê gắn bó lâu dài

Ông Nguyễn Công Văn – Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Cư M’gar cho biết, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc người nông dân đang gặp phải, tại dự án “Đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu theo quyết định số 3325/QĐ – BNN – XD của Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện Cư M'gar đã chọn Hợp tác xã Nông nghiệp Thành Đạt (xã Ea Tar) để đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu. Các thủ tục hồ sơ pháp lý của doanh nghiệp cơ bản đã hoàn thành và đảm bảo trình tự, thủ tục đúng quy định của pháp luật.

Dự án có mục tiêu kết nối hạ tầng giao thông với vùng sản xuất cà phê của các địa phương, hợp tác xã góp phần giảm chi phí đầu tư trong sản xuất. Đồng thời, áp dụng đồng bộ các tiến bộ và khoa học kỹ thuật trong sản xuất cà phê, gia tăng giá trị cho sản phẩm và nâng cao chất lượng cà phê cung ứng ra thị trường. Dự án cũng góp phần thúc đẩy phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, làm cầu nối liên kết giữa người dân và doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm cà phê có chất lượng.

UBND tỉnh Đắk Lắk đã chọn huyện Cư M’gar thực hiện Chương trình sản xuất kết hợp với Bảo tồn nguồn tài nguyên và An sinh xã hội (Compact Cư M’gar) thực hiện giai đoạn 2021-2025, do IDH phát triển và hỗ trợ, đồng tài trợ công ty JDE cùng với các công ty thu mua cà phê, hồ tiêu, trái cây và chính quyền địa phương.

Dự án nhằm mục tiêu thúc đẩy và hỗ trợ nông dân sản xuất bền vững; nâng cao chất lượng sản phẩm, và kết nối thị trường; bảo tồn nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu... Chương trình được thực hiện thông qua hợp tác công tư (PPP).

Chương trình được triển khai đồng bộ trên phạm vi 15 xã và 2 thị trấn, với quy mô lên đến 37.726 ha cà phê, 4.800 ha hồ tiêu, 3.000 ha cây ăn quả các loại, và 11.740 ha rừng. Chương trình hướng đến hình thành vùng nguyên liệu bền vững quy mô lớn huyện Cư M’gar (VSA) vào năm 2025, và là một phần trong mục tiêu tổng thể “Vùng nguyên liệu bền vững quy mô lớn tỉnh Đắk Lắk” do IDH hỗ trợ.

Ông Văn đặc biệt nhấn mạnh: “Ngoài ra, UBND huyện cũng triển khai đồng bộ Chương trình khuyến khích người dân áp dụng và tuân thủ các thực hành sản xuất bền vững, sản xuất có trách nhiệm, sản xuất theo các tiêu chuẩn; thu gom và xử lý rác thải; kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp; giảm phát thải khí nhà kính (CO2), thích ứng với biến đổi khí hậu…

huyen-cu-mgar-dak-lak-trien-khai-nhieu-giai-ph225p-huu-hieu-ph225t-trien-c226y-c224-ph234-ben-vung_7.jpg
huyen-cu-mgar-dak-lak-trien-khai-nhieu-giai-ph225p-huu-hieu-ph225t-trien-c226y-c224-ph234-ben-vung_8.jpg
Người dân huyện Cư M'gar đang chăm sóc cây cà phê.

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới là điều kiện thuận lợi để các địa phương đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội theo hướng hài hoà, bền vững. Quá trình triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng ở cơ sở cần ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, lưới điện trung, hạ áp phục vụ tưới cà phê, hạn chế chi phí đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, cần sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư và huy động sức dân tham gia xây dựng các tuyến đường nội đồng giúp quá trình vận chuyển phân bón, sản phẩm cà phê được thuận lợi”.

Kết quả Chương trình Compact Cư M’gar đã xây dựng và bảo vệ thành công 5 đề xuất (dự án hợp phần Compact) gồm có UBND huyện làm dự án Phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn Cư M’gar thông qua việc thúc đẩy quản lý hóa chất nông nghiệp đầu vào có trách nhiệm và giảm phát thải Carbon trong sản xuất, tại 4 xã Ea Tul, Ea Hđing, Ea Mnang và thị trấn Quảng Phú. Công ty Dak Man triển khai thúc đẩy phương pháp tiếp cận sản xuất kết hợp với Bảo tồn nguồn tài nguyên và An sinh xã hội - PPI để sản xuất Carbon thấp và an toàn thực phẩm, tại 3 xã Ea Kiết, Ea Tar, Cư Dlêi Mnông.

Công ty Sucden coffee với dự án áp dụng tiếp cận sản xuất kết hợp với Bảo tồn nguồn tài nguyên và An sinh xã hội - PPI để sản xuất Carbon thấp và cải thiện sinh kế cho hộ sản xuất nhỏ, tại 3 xã Quảng Hiệp, Cư M’gar, Ea Mdroh. Công ty 2/9 Đắk Lắk với dự án tăng thu nhập cho nông hộ sản xuất cà phê qua áp dụng sản xuất cà phê theo hướng nông nghiệp tái sinh và sản xuất Carbon thấp, tại 5 xã Cư Suê, Ea Drơng, Cuốc Đăng, Ea Kpam và thị trấn Ea Pôk. Và Công ty Intimex BMT với dự án sản xuất cà phê theo hướng thuận tự nhiên để phát thải khí Carbon thấp và tăng thu nhập, tại 2 xã Quảng Tiến, Ea Kueh.

Thanh Nga
Theo daidoanket.vn http://daidoanket.vn/huyen-cu-mgar-dak-lak-trien-khai-nhieu-giai-phap-huu-hieu-phat-trien-cay-ca-phe-ben-vung-5727040.html Copylink